Xem lại bộ ảnh người Jörai vùng Tây Nguyên giữa thế kỷ XX của Jacques Dournes, có một thế giới đầy hài hòa với tự nhiên, những cư dân núi rừng sống hồn nhiên với những phong tục văn hóa đầy kỳ bí và hấp dẫn…
QUYẾN RŨ JƠRAI
*Nguyễn Vĩnh
Jacques Dournes (1922-1993, nhà nhân học người Pháp) trong gần 25 năm sống ở Tây Nguyên trong vai trò của một nhà truyền giáo đam mê điền dã dân tộc học, đã để lại một di sản vô giá.
Cho đến nay, khi tìm hiểu về người Jörai, Srê và các tộc người thiểu số vùng Đồng Nai Thượng, cho đến mối quan hệ giữa cộng đồng dân tộc Tây Nguyên với người Chăm ở vùng ven biển miền Trung, không thể không sưu khảo lại những tác phẩm của Jacques Dournes.
Các công trình của Jacques Dournes đã trở thành kinh điển trong hành trình trở về Tây Nguyên hoang vu và đầy kỳ bí khoảng giai đoạn thế kỷ XX như: Miền đất huyền ảo, Pötao – một lý thuyết quyền lực ở người Jörai Đông Dương hay Rừng, đàn bà, điên loạn. Cả ba ấn phẩm đầy tâm huyết trong cuộc đời gắn bó với Tây Nguyên – Việt Nam của Jacques Dournes đều đã lần lượt có phiên bản tiếng Việt.
Mùa xuân năm nay, giới nghiên cứu và những người quan tâm tới Tây Nguyên tại Việt Nam sẽ gặp lại câu chuyện xứ Jörai những năm 1950-1960 qua tập “tư liệu thị giác” có tựa Pays Jörai (Xứ Jörai do Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nhã Nam & NXB Thế giới vừa ấn hành). Một bộ ảnh kèm theo thủ bút ghi chú của Jacques Dournes giúp người đọc nhìn thấy sự quyến rũ lạ lùng của văn hóa truyền thống người Jörai ở Tây Nguyên, từ mô tả lối vào làng, một tượng nhà mồ, ngày lễ hội, bữa cơm gia đình, cách thuần dưỡng voi, trang phục, vẻ đẹp của các cô gái núi và cả những di tích cho thấy mối quan hệ giữa người Jörai với người Chăm ở đồng bằng… Qua những thủ bút vắn gọn, có thể nhận thấy cách nhìn đầy vừa hài hước vừa đầy thân thiện, vị khoa học của một nhà nhân học đã bước qua những làn ranh định kiến để nhập cuộc và hiểu về một nền văn hóa khác với truyền thống văn hóa của mình.
92 trang ảnh và ghi chú trên được coi là bộ ảnh cực kỳ quý giá ngày nay được lưu trữ tại thư viện ảnh của Phái Bộ Truyền giáo Hải ngoại tại Paris.
TBKTSG Online trích giới thiệu những bức tiêu biểu trong bộ ảnh độc đáo trên để độc giả thưởng ngoạn trong những ngày cuối năm.
Nguyễn Vĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét