Nhân sỹ Y Ut Niê (1889-1961) là người có công biên soạn bộ chữ Êđê cùng với Y Jut Hwing đưa vào trường học góp phần xóa nạn mù chữ cho người Êđê...
TRƯỜNG TRUNG HỌC KỸ THUẬT Y UT BAN MÊ THUỘT
*Huỳnh Ái Tông
Sau 2 năm học ra trường, tôi nhận nhiệm sở Trung học Kỹ thuật Y-Ut Banmêthuột, ngày đầu tiên từ Air VietNam đáp xuống Phi trường Phụng Dực, đến thành phố xa lạ, chưa được nghe ai giới thiệu về nơi nầy, cũng chẳng tìm hiểu trước, cứ nghĩ rằng tới đâu hay tới đó, khi đặt chân xuống phi trường, chỉ là một nhà ga hoang sơ, xung quanh đất đỏ, tôi thật sự cảm thấy bơ vơ. Rồi lên xe ca đi về thành phố, thấy hai bên đường là đồn điền Cao-su, cho đến khi xe dừng lại tại phòng vé của Air ViệtNam trên đường Lý Thường Kiệt, tôi có nhận xét đầu tiên là thành phố nhỏ, phố xá nghèo nàn hơn những nơi tôi đã biết qua như Châu Đốc, Long Xuyên, Nha Trang, ĐàLạt và Huế, thôi thì đành phải chấp nhận nơi nầy làm chốn dung thân.
Tôi đâu biết Trường ở đâu? Xa hay gần, nên gọi một chiếc Cyclo để đi tới trường, đến nơi nhìn thấy trường rất đẹp, mang đậm sắc thái Cao nguyên.
Vào trường, tôi gặp ngay Hiệu Trưởng Đống Văn Quan, anh Nguyễn Văn Huệ phụ tá Học Vụ và Học Sinh Vụ, hai anh đón tiếp tôi niềm nở, vui vẻ nhờ vậy tôi khỏi cảm thấy bỡ ngỡ lúc đầu, anh Quan nhờ anh Huệ sắp xếp cho tôi chỗ trú ngụ trong Trường, sau khi biết tôi không hề có quen biết ai ở chốn nầy, rồi đưa tôi sang phòng ông Nguyễn Văn Anh vừa làm Giám Thị kiêm luôn Thủ kho của Trường, ông Anh niềm nở mời tôi ăn bữa cơm đầu tiên nơi đất lạ. Quanh bàn ăn tại nhà ông Anh ở trong trường, ngang chừng 3 thước dài chừng 4 thước, chỉ có 1 cửa ra vào và một cửa sổ, đủ kê một cái giường và một bàn ăn chúng tôi đang ngồi, có anh Huệ và anh Tuấn, Trưởng phòng Hành chánh, nhân tiện đó anh Huệ nhờ bà Anh nấu cơm tháng luôn cho tôi, anh cho biết chỗ ngủ thì ở chung phòng với anh và anh Tuấn.
Chúng tôi ở chung Ký Túc Xá của học sinh, đó là ngôi nhà gỗ, tầng trệt có nhà vệ sinh, nhà bếp và phòng ăn của học sinh, tầng giữa có nhà tắm, phòng ngủ tập thể, có 2 dãy giường chồng bằng gỗ quý kê khắp phòng, hai bên và ở giữa có lối đi, chứa chừng trên 200 học sinh. Tầng trên cùng có một phòng chiếc và một phòng đôi, có một nhà tắm và vệ sinh chung. Ba chúng tôi ở một phòng, anh chị Quan và bác Huyên thân phụ chị Quan ở phòng đôi, giữa phòng anh Quan và chúng tôi là một căn để làm nhà vệ sinh chung, cầu thang dẫn xuống tầng trệt, cầu thang nầy ngăn cách nhà tắm và phòng ngủ ở tầng hai, ngăn cách nhà vệ sinh và nhà bếp ở tầng trệt.
Trường xưa kia thời Pháp thuộc là một Trường dạy nghề, xây cất trong khu đất chung với Trường tiểu học, Ty Học chánh, bên kia đường là Bệnh viện. Trường được xây cất lại do viện trợ Mỹ, bước vào Trường là Đại sảnh đường, mặt trước và mặt sau đều là cửa kính, bên tay trái là kho, kế đó để trống thông với Đại sảnh đường, tiếp theo là Văn phòng, phòng hành chánh, phụ tá Hiệu trưởng, sát với các phòng nầy qua một cửa kính, xuống mấy bậc thang, có một phòng có thể là Thư viện nhưng dùng làm lớp học, có một gác lửng được dùng làm phòng Y tế. Bên tay phải Đại sảnh đường có Phòng Giám thị, một phòng khách nhỏ, qua khỏi đó có cầu thang đi lên lầu, có một phòng nhỏ dùng để điều khiển máy chiếu phim cho Hội Trường, nối tiếp chỗ cầu thang là dãy 3 lớp học, có hành lang chạy dài theo 3 lớp nầy. So với mặt tiền của Đại sảnh đường, ba lớp học xây lui về phía sau chừng 4 thước.
Đối diện với cầu thang, ngăn cách bởi hành lang của lớp học là Hội Trường, xây cất song song với Thư viện, Hội trường nầy có sức chứa chừng 600 người, nên Quân đoàn 2 hay Tòa Tỉnh thường mượn Hội Trưởng để làm những lễ lớn, chẳng hạn như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi chủ tọa Lễ quy hàng của Fulro, ở Sân Vận động, đã mời tất cả quan khách dự yến tại tại Đại sảnh đường nầy. Tiếp theo Hội Trường và Thư Viện là Ký túc xá. Giữa Đại sảnh đường, Ký túc xá, Hội Trường và Thư viện là một cái sân nhỏ, sân nầy có mặt bằng ngang với Hội Trường, Thư viện, Ký túc xá, nên những cấu trúc nầy thấp hơn Đại sảnh đường, văn phòng và lớp học chừng 1 thước. Giữa sân nhỏ nầy có hồ nước nhỏ và bảng ghi năm tháng xây cất trường.
Trường có một nữ giáo sư dạy giờ, cô Ngọc dạy Anh Văn, còn lại là Nam giáo sư đa số xuất thân từ Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật và Trường Bách Khoa Trung Cấp, có 2 giáo sư người Chăm là Quảng Đại Khẩn và Đồng Văn Tập, có 3 người Thượng là ông Y Bhrăm, trước làm Hiệu trưởng trường dạy nghề, sau ông vừa làm Phát ngân viên vừa dạy xưởng, anh Y Huan Nié làm Giám thị về sau có thêm Y Niêng làm nhân viên tạp dịch. Trước Mậu Thân, anh Đồng Văn Tập bỏ dạy, nghe nói theo Fulro, sau nầy có người nói anh sang Pháp, cũng có thể anh đã mất tích từ lâu.
Về sau nghe nói hình như có Não Ngọc Anh người Chăm và Y Tlung Arul người Rhadé có học với tôi, theo học và tốt nghiệp Bách Khoa Trung Cấp về dạy lại trường nầy.
Từ Đại sảnh đường đi tới dãy 3 lớp học như tôi đã tả, bên tay trái là Giảng đường, bên tay phải có cái cầu thang đi lên tầng lầu, có phòng nhỏ để điều khiển máy chiếu phim cho Hội trường, nơi đây ông Giám thị Anh cho tôi biết có người Mỹ trang bị một phòng tối trên đó để tráng phim, in hình, ông Anh là thủ kho nên cho phép tôi sử dụng phòng tối đó, tôi đã dùng nó để rửa phim, in hình, nhất là dùng máy rọi để phóng to các hình 16 ly tôi chụp từ máy ảnh Minosota 16, đây là chiếc máy năm 1964 tôi ra Quảng Trị thăm người bạn, anh ta cho tôi chiếc máy nầy, ảnh Trường ở trên, tôi chụp từ máy nầy và in tráng từ phòng tối kia từ 3 tấm phim ghép lại. Từ khi tôi ở đó cho đến năm 1970, tôi rời ngôi Trường nầy, tôi chưa hề gặp anh Mỹ kia, nay nghĩ lại, chắc chắn anh ta hoạt động mật, nên sử dụng phòng tối riêng biệt, ít người biết đến.
Về cô Diana Garnier, năm đó cô còn rất trẻ, chừng 20, 21 đi làm thiện nguyện, dạy Anh Văn cho Trường Kỹ Thuật Y-UT và Trường Tổng hợp Banmêthuột, cô có dạy giúp Anh Văn cho chúng tôi một thời gian, sau đó chắc anh em lười quá, lớp học tự động giải tán, về sau cô thành hôn với giáo sư Bùi Dương Chi dạy Anh Văn ở trường Tổng Hợp Banmêthuột, hình như hai vợ chồng hiện nay sống ở Virginia, năm 2010 ở Virginia có tổ chức họp mặt CHS Trung học Tổng Hợp Bammêthuột kỳ 5, anh Chi và cô Diana có tham dự.
Ở Banmêthuột, tôi có mấy người bạn đồng môn Cao Thắng là Đại úy Khoa, phục vụ trong binh chủng Công Binh, Trung úy Nguyễn Trung Trực, lực lượng đặc biệt có căn cứ ở Sân Vận Động gần Biệt Điện của Bảo Đại, không xa Trường nhưng tôi ít gặp họ vì ai cũng phải làm việc.
Ông Huệ và tôi buổi tối thường đi ra phố mua báo đọc giải trí, chủ nhân sạp báo là người ở Phú Nhuận, Sàigòn ra đó làm ăn, có hai cô con gái tên là Cô Phượng và Cô Phi, cô Phượng chắc tuổi gần 30, còn cô em mới ngoài 20, cả hai đều trắng trẻo, duyên dáng mặn mà. Cô Phượng rất có cảm tình với ông Huệ, nhưng lúc đó ông Huệ đã lập gia đình, năm sau chị Huệ mới lên dạy ở Banmêthuột. Thỉnh thoảng buổi tối chúng tôi đi đến chùa Khải Đoan lễ Phật. Đất Banmêthuột cũng như Đà Lạt là Hoàng Triều cương thổ, nên bà Từ cung cất chùa xây dựng từ năm 1951. Chùa xây cất xong được Sắc tứ Khải Đoan tự là ghép tên Khải Định hoàng đế với Đoan Huy hoàng thái hậu, là thân phụ và thân mẫu của vua Bảo Đại.
Ở Banmêthuột, đàn ông mặc khố, đàn bà vận xà-rông ngực để trần là chuyện bình thường không phải chỉ ở buôn làng mà thỉnh thoảng họ đi ra phố.
Cuối năm 1969, tôi được biệt phái về dạy lại, ông Đống Văn Quan đã đổi về Sàigòn, kỹ sư Nguyễn Văn Quán từ Phụ tá Hiệu trưởng lên thay, cũng đã đổi về Sàigòn sau 1 năm làm Hiệu trưởng, ông Huệ lên làm Hiệu Trưởng, đa số giáo sư cũ còn đó, lại có thêm những giáo sư mới như chị Phạm Thị Lài, các anh Hảo, Diệu, Quang, Long, On, Hoàng Văn Thư, Trương Anh, Quảng Đại Hội, anh Nguyễn Văn Hoanh giáo sư Kỹ nghệ Gỗ làm Phụ tá Kỹ thuật (Tổng Giám Xưởng), tôi Phụ tá Học vụ (Giám Học) và Học Sinh vụ (Tổng Giám thị), kiêm Phát ngân viên. Ông cố vấn Mỹ Greeneway đã mãn nhiệm, cô Diana không còn làm việc cho Trường nữa.
Ông Tuấn đã chuyển về Sàigòn, có ông Đoàn Ái Hảo từ Huế thuyên chuyển đến làm Trưởng phòng Hành Chánh.
Năm 1970, tôi được chuyển về Sàigòn để đi học thêm và để sống gần gia đình, nhưng tôi vẫn nhớ tới ngôi Trường đầu tiên tôi dạy, nên năm 1971, tôi có xin trở lại thăm Trường bằng cách làm Thư ký Hội Đồng Tuyển sinh Lớp Đệ thất Trường Kỹ Thuật Y UT.
Tưởng cũng nên nói thêm, Trường Trung học Kỹ thuật Y ÚT Banmêthuột, là tên của một nhân sĩ người Rhadé, hình như ông là Dân biểu Sắc tộc bị sát hại, nên tên ông được lấy đặt cho Trường. Gần đây có nhiều người ghi tên trường là Y JUT hoàn toàn không đúng. Vậy “Cái gì của Ceasar trả lại cho Ceasar”. Bảng ghi ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường khẳng định điều đó.
Còn ông Y Jut (1888-1934), tên đầy đủ là Y Jut Hwing, tác giả chính của bộ chữ viết Rhadé ngày nay. Sinh tại Buôn Kram, xã Ea Tiêu trước đây thuộc huyện Krông Ana, nay thuộc huyện Chư Kuin, tỉnh Đát Lắc. Hồi còn nhỏ Y-Jut cùng các trẻ em nam khác bị thực dân Pháp bắt và giao cho Trường Prancios-Rhade để đào tạo thành người có học. Lợi dụng cơ hội này Y Jút quyết tâm học hành, đem ánh sáng văn hóa trở lại phục vụ buôn làng và đó cũng là cơ hội tốt nhất để giải phóng đồng bào ra khỏi ách áp bức bóc lột. Y Jút tốt nghiệp sơ học tại Trường Franco – Rhadé Ban Mê Thuột, tốt nghiệp tiểu học ở Huế và năm 1912 học trung học tại Trường Lycée Khải Định Huế. Năm 1916, Y Jút tốt nghiệp trung học, được bổ nhiệm làm giáo viên tại Trường Franco – Rhade Ban Mê Thuột. Trước cảnh sống tối tăm và khổ nhục của đồng bào, ngay từ những năm đầu bước vào nghề dạy học, Y Jút đã nuôi hoài bão giải thoát người Rhadé ra khỏi nạn mù chữ. Kết hợp với bạn bè như Y Ut, Y BLul tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Rhadé đặt ra bộ chữ viết Rhadé ngày nay.
Trường xây cất nhằm mục đích đào tạo học sinh thiểu số, như các sắc dân Chăm ở Ninh Thuận, Thái ở Lâm Đồng, Banmêthuột Rhadé, Jarai, Bahnar, Koho… ở Cao nguyên, học sinh thiểu số do Ty sắc tộc các tỉnh lập danh sách đề nghị Bộ Sắc Tộc ở Sàigòn quyết định cho đi học, chánh phủ đài thọ ăn, ở, quần áo và tiền đi lại hàng năm. Do đó theo chủ trương chánh phủ, Trường có thu thêm một số học sinh người Kinh theo học chế độ ngoại trú, nhằm giúp đào tạo cán bộ địa phương và để cho học sinh thiểu số gắng học hỏi theo đà của học sinh Kinh.
Tôi định học tiếng Thượng, có mua một quyển sách Học tiếng Rhadé do Trung tâm Học liệu Sàigòn in, nhưng tôi không có khiếu về ngôn ngữ, hơn nữa không quyết tâm nên nay chỉ còn nhớ vài câu như: - Ti nao? Đi đâu? Kao hóa ô? Ăn cơm chưa? Tiếng Bạch thoại tôi cũng có học với giáo sư Khưu Thị Huệ, nay chỉ còn nhớ: - Tố xạo xẻn? Bao nhiêu tiền? Xè xè nị. Cám ơn anh (chị). Tệ hại nhứt là Pháp Văn nay chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Năm 2012 sang Paris, sáng đi mua bánh mì hay đi chợ mua vài thứ lặt vặt, một lần đi xe Bus tới hiệu ăn ở Quận 13, và một lần hỏi thăm đường, nên không phải đối thoại nhiều.
Bốn năm ở đó tôi không có dịp uống Rượu Cần, đến năm đi gác thi tôi mới đến nhà ông Y Bhrăm để xin uống Rượu Cần, ông không có sẵn, nên phải đi mượn trong buôn và nhân dịp ông giảng giải cho tôi biết uống Rượu Cần theo lễ lạc phải uống ra sao.
Banmêthuột viết tắt là BMT, chúng tôi thường gọi đùa là Xứ Bánh Mì Thịt, Bụi Mịt Trời, Buồn Muôn Thuở, gió bụi, mưa bùn. Tôi vẫn nhớ khi đã rời xa, mong có một ngày trở lại, bước chân trên những dãi phố xưa như Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu… nhìn lại Biệt điện với tường rêu, cổng vắng.
Huỳnh Ái Tông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét