Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…(Phạm Duy)
CHỢ NÓN QUÊ LÚC MỜ SÁNG
*Minh Minh
Đó là chợ nón Gò Găng (Thị xã An Nhơn-Bình Định). Cũng vì lời giới thiệu quá thú vị của người bạn đất võ về một phiên chợ quê lập lòe trong ánh đèn dầu và chỉ hoạt động vài tiếng lúc gà gáy mà mới 3g sáng, mấy người chúng tôi đã đạp tung chăn, rồi trùm hai ba lớp áo để có mặt tại chợ nón lá Gò Găng.
Ban đầu, chỉ có dăm ba ngọn đèn lẻ loi in bóng mấy người bán hàng bó gối đợi khách. Rồi những âm thanh lao xao dần xuất hiện xóa tan đêm đen tĩnh mịch. Những khoảng trống hai bên vệ đường dần đông người. Cứ vài phút lúc lại thấy mấy chiếc xe đạp, xe máy chở theo từng chồng nón, có khi chục cái, có khi vài ba chục. Chuyện bán mua diễn ra dưới ánh đèn dầu chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng nón và cũng để dễ thấy tiền trao qua thối lại. Người ta thẩm định chất lượng, định giá và ngã giá dưới ngọn đèn dầu lung linh trong màn đêm.
Theo chia sẻ của mấy chị bán nón, thường sau khi hoàn thành xong khoảng 10 - 20 chiếc nón, các bà, các cô lại mang đến chợ bán. Nón bán ở đây chủ yếu là loại nón thô, người ta chằm xong là đem bán. Người mua về quét dầu, gắn các loại quai nón hay những phụ liệu khác rồi bỏ lại cho bạn hàng đem đi các tỉnh. Bán xong nón, họ lại mua các vật dụng để làm những chiếc nón mới. Tất cả các nguyên vật liệu làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh từ lá nón, thanh tre, bó giang rừng cho đến sợi cước cũng đều có thể tìm mua ở chợ. Người vừa mới bán nón xong, nhanh chóng trở thành người mua. Ngoài ra, thi thoảng cũng có một số ít nón hoàn chỉnh như nón buôn, nón chũm hay nón ngựa (một loại nón nổi danh của Bình Định) được bày hàng. Theo người bán, nón ngựa đặc biệt bởi sự tỉ mỉ, công phu vì được kết bằng những vành tre chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn, bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ trắng muốt và đều đặn. Mặt hàng này thường họa hiếm.
Người bán người mua rất ít và đều quen biết nhau. Thế nhưng vẫn không thiếu nét đặc trưng của một cái chợ: có mặc cả, khen chê mắc rẻ tạo nên sự rôm rả. Những người buôn bán nón lâu năm ở đây cho biết, họ thu mua của bà con rồi chuyển đi các tỉnh lân cận, có lúc vào tới miền Tây. Mỗi phiên chợ, số nón thu mua được lúc cao điểm có thể lên vài ngàn chiếc.
Hơn 5 giờ sáng, cảnh bán mua dần thưa thớt và chợ tan vào khoảng 6 giờ sáng. Theo một cụ bà vào tuổi thất thập đang ngồi mua nón thì chợ này được truyền miệng là hình thành từ thời Tây Sơn. Giờ họp chợ có phần oái oăm nhưng đã thành lệ từ xa xưa nên mọi người cứ theo thói quen lưu giữ đến bây giờ. Móm mém nụ cười, bà Hoa bán nón hơn 50 năm tại chợ cho biết: “Nghề nón ở vùng này nổi tiếng lâu đời rồi. Khu chợ trước nay là chỗ tiêu thụ nón cho người trong khu vực. Người bán nón chủ yếu làm nông, lúc nông nhàn thì chằm nón bán kiếm thêm tiền chợ. Riêng tôi mấy chục năm quen với phiên chợ, cứ buổi nào mưa không đi được là y như đêm đó không tài nào chợp mắt”.
Thực ra, Bình Định không chỉ có nón Gò Găng, nghề làm nón truyền thống còn trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn); thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). Riêng thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) nổi danh với nón ngựa. Tuy nhiên, đầu mối chính về nón lại chỉ có Gò Găng.
...
Minh Minh
(Trích đoạn trong bài "Chợ nón quê lúc mờ sáng" của Minh Minh đăng trên http://www.cgvdt.vn/trong-tuan/cho-non-que-luc-mo-sang_a3371)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét