Ánh nắng chiếu lên đóa phù dung cũng giống như cái bóng của thời gian đọng lại trên khuôn mặt người con gái. Cả hai thứ đều là tác nhân có sức hủy diệt rất êm đềm mà tàn nhẫn...
HOA PHÙ DUNG
*Hoàng Lão Tà
Đời sống thiên nhiên
Phù dung là loại cây thân mộc nhỏ. Tên khoa học: Hibiscus mutabilis. Họ: Bông vải (Malvaceae). Cùng họ nầy có cây dâm bụt (bông bụp) rất đông đảo về giống, loại và nhiều màu sắc. Cây phù dung trồng xuống đất lâu năm có thể cao tới 5m, cho thân gỗ cứng chắc. Cây rất dễ trồng. Cắt vài nhánh già lớn bằng ngón tay, dài chừng 30cm ghim xuống đất, tưới nước trong vài tuần là đâm chồi. Cây được trồng để làm thuốc và làm cảnh ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippin… Lá phù dung có 5 cánh, phía cuống lá uốn hình trái tim, mép lá có răng cưa. Hoa có nhiều cánh, nở thành chùm hoặc đơn lập. Hoa phù dung mới nở có màu trắng xóa, đường kính bề mặt khoảng 10cm. Nếu cách ly với ánh sáng mặt trời, hoa sẽ giữ được màu trắng ấy suốt ngày và lâu tàn. Nhưng dưới ánh sáng mặt trời, màu trắng dần dần chuyển thành màu hồng nhạt, hồng đậm rồi đỏ tím. Đến ngày hôm sau thì hoa tàn và rụng xuống đất. Hiện tượng đổi màu nầy là do chất anthoxyanozit có trong lá và trong cánh hoa chịu tác dụng của tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời.
Văn hóa hoa
Muốn hiểu hoa phù dung là thế nào thì phải dậy từ lúc mờ sáng. Vào thời điểm đó hoa đã nở trắng muốt. Màu trắng mong manh tinh khiết tưởng chừng chỉ một hơi thở chạm vào cũng làm cho hoa bị tổn thương. Rồi bình minh ló dạng. Tia nắng chiếu tới đâu, hoa ửng hồng tới đó như thể hoa cũng biết e thẹn. Nắng càng gắt, màu hồng càng đậm.Do sự chuyển biến này,hoa phù dung được dịch ra tiếng Pháp là passe-rose Đến hoàng hôn thì màu hồng đậm chuyển thành màu tím. Hoa tàn nhưng không rã từng cánh mà khép lại như muốn tìm về hình thể ban đầu, lúc hoa còn hàm tiếu. Hoa sẽ còn nằm trên cành, kéo dài cơn hấp hối suốt đêm, đến hôm sau mới rơi rụng. Cuộc đời của hoa phù dung là như vậy, đúng là sớm nở tối tàn.
Ánh nắng chiếu lên đóa phù dung cũng giống như cái bóng của thời gian đọng lại trên khuôn mặt người con gái. Cả hai thứ đều là tác nhân có sức hủy diệt rất êm đềm mà tàn nhẫn. Phải rất tinh tế để cảm nhận và rất trân trọng để đón nhận thời điểm tỏa sáng trên hai khuôn mặt ấy của hoa và của người. Nếu không, hoa sẽ tàn úa, má hồng sẽ phôi pha, cái đẹp đành uổng phí. Trong bài Trường hận ca, một danh tác thơ Đường của Bạch Cư Dị có câu: Phù dung như diện, liễu như mi (Mặt đẹp như hoa phù dung, mày thanh như lá liễu). Tác giả dùng hình ảnh đóa hoa phù dung để tôn vinh nhan sắc của người đẹp Dương Ngọc Hoàn, quí phi của vua Đường Minh Hoàng. Đây cũng chỉ là một lối ví von trong văn học bởi vì cái đẹp rất khó mô tả, không thể nắm bắt và rất im lặng chứ không ồn ào như những lời bình luận về nó. Đằng sau lời ca ngợi nhan sắc , câu thơ còn ngụ ý thương tiếc cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Dương Ngọc Hoàn. Đường Minh Hoàng say đắm Dương Quí Phi, lơi lỏng chính sự. Nhân đấy, đứa con nuôi là An Lộc Sơn tạo phản, đem quân đánh tới kinh thành Trường An, vua phải lánh nạn vào đất Thục. Đến dưới chân núi Nga My, tướng sĩ ép vua phải giết Dương Quí Phi mới chịu đánh giặc. Vua không còn sự lựa chọn nào khác đành phải buộc nàng tự ải. Làm vua mà không bảo vệ được mạng sống của người mình yêu quí, đúng là mối hận nghìn đời. Trong bài Trường hận ca Bạch Cư Dị đã thay vua nói lên nỗi đau nầy. Đất Thục, núi Nga My nay thuộc thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Thành Đô được du khách mệnh danh là thành phố hoa phù dung. Phải chăng hình tượng hoa phù dung của đất Thục ứng vào kiếp hồng nhan bạc mệnh của Dương phi đã tạo nguồn cảm hứng cho bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị? Trong đoạn cuối của Trường hận ca, Bạch Cư Dị đã làm cho câu chuyện bớt bi thảm bằng cách phục hiện hình ảnh Dương quí phi qua hình hài của nàng tiên Thái Chân trên chốn bồng lai. Đường Minh Hoàng là một ông vua nghệ sĩ. Đối với ông, Dương phi không chỉ làm một cô Gái đẹp mà còn là hiện thân của Cái đẹp. Cái đẹp mong manh và ngắn ngủi như kiếp hoa phù dung nhưng lại cũng rất mênh mông trường cửu trong khát vọng của con người.
Có nhiều người biết hoa phù dung đẹp nhưng không thích, chê nó sớm nở tối tàn. Cũng không ít người biết là hoa sớm nở tối tàn nhưng vẫn thích vì một khi đã có tâm hồn nghệ sĩ thì phải hiểu rõ tính phù du của cái đẹp.
Hoàng Lão Tà
*Nguồn trích http://www.rfviet.com/forum35/showthread.php...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét