Chênh chênh bóng ngả, sầu lau lách
Chiều ngái hương rừng, lối nhạt son...
(Một trời quan tái - Nguyễn Bính)
MỘT TRỜI QUAN TÁI, MẤY CHO SAY?
*Phạm Hoài Nhân
Tui đoán là nhiều bạn cũng giống tui, rất yêu thích khổ thơ sau đây của Nguyễn Bính:
Chiều nay, thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Ta uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say?
Đây là khổ thơ cuối trong bài thơ mang tên "Một trời quan tái".
Thích thì thích vậy chớ tui không hề biết "quan tái" nghĩa là gì. Chắc nhiều bạn cũng vậy phải hông? Không cần biết chính xác từ ngữ nghĩa là gì, cũng cứ... thấy hay như thường!
Rồi có lần có người cắc cớ hỏi tui "quan tái" là gì? Tui mới tra từ điển, từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học hẳn hoi đó nghe, 40.000 mục từ chớ ít gì. Kết quả là... hổng có chữ "quan tái" (chỉ có chữ... "quan tài"!). Tui nhớ là lúc đó cũng search Google coi nó nghĩa là gì, cũng không thấy ai giải thích (chủ yếu ra kết quả search là... chính bài thơ Một trời quan tái).
Nay tui search lại thử coi, thì thấy có giải thích: "Quan tái" là từ cổ, có nghĩa là vùng biên ải xa xôi.
Ừa, thì trước giờ mình cũng... đoán vậy!
À, xin nói thêm, truyện Kiều có 1 câu dùng chữ quan tái (câu 1596)
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái mấy mùa gió trăng.
Nhạc cũng có bài dùng chữ "quan tái" đó, bạn nhớ là bài gì không? Đây nè:
Đường còn dài, hồn vương trên quan tái,
Xa xa trông, áng mây đầu non Đoài
(hm hm...)
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà...
Đúng rồi, Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước!
Thật lòng tui vẫn muốn biết rõ hơn, tỉ như "quan" là "quan ải", còn "tái" là gì (chắc không phải tê tái, cũng không phải phở tái)? Tui đem thắc mắc này lên Facebook hỏi, và sướng thay, nhận được lời giải thích của nhiều người. Từ đó tìm hiểu thêm chút chút và xin đăng lại như sau:
Tái 塞: nơi phòng thủ ngoài biên giới.
Bên Tàu, Đỗ Phủ có 9 bài "Tiền xuất tái" (trước khi ra biên ải) và 5 bài "Hậu xuất tái" (sau khi ra biên ải) nói lên tình cảm tư tưởng của binh lính ở biên cương Tây Bắc. Năm Thiên Bảo, tướng Kha Thư Hàn đánh với Thổ Phồn, mộ nhiều lính ở Quan Trung đi đánh Tây Bắc. Đây là một chùm thơ châm biếm việc dùng vũ lực mở rộng biên cương.
Vậy là hiểu và thỏa mãn rồi, nhưng nói đi cũng phải nói lại: Giả sử mà không hiểu, thì đọc lên... cũng thấy hay như thường!
Một trời quan tái, mấy cho say?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét