Có một chợ Huế bên dòng Krông Ana...
CHỢ BUÔN TRẤP
*Thúy Hồng
Lần đầu tiên đặt chân đến chợ Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), tôi có cảm giác thân quen như những năm tháng sống ở quê nhà. Từ hàng hóa đến từng giọng nói của người bán và người mua, nhất là những món ăn quen thuộc và lời mời chào rất “Huế”.
Không giống không khí nhộn nhịp, tấp nập ở các chợ khác trên vùng đất cao nguyên nắng gió, chợ Buôn Trấp hằng ngày vẫn diễn ra bình lặng như chính cuộc sống của người dân nơi đây - nơi mà phần lớn những người dân Huế đến sinh sống và lập nghiệp vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Người Huế vốn cần cù, chịu khó nên nhiều người đã thành đạt nơi đất khách. Dù xa quê, nhưng họ vẫn luôn giữ được nếp ăn, nếp nghĩ của người dân chốn Thần kinh. Điều này dễ nhận thấy khi bước chân vào chợ, nơi ghi đậm dấu ấn văn hóa, cũng như đời sống sinh hoạt của mỗi vùng.
Đặt chân đến khu vực hàng ăn, có gần 20 gian hàng bán các món ăn Huế như: bún bò, mắm nêm, thịt nướng; bánh ram, lọc, nậm, ít, ướt… được làm thủ công, tỉ mỉ. Khách đến ăn là các chị, các bà đi chợ, là người bán hàng trong chợ và những em học sinh đi học xa nhà. Thưởng thức các món ăn này ở chợ Buôn Trấp, bạn có thể cảm nhận được vị cay của ớt, vị đậm đà của ruốc, đó là nét đặc trưng trong món ăn của người Huế. Càng đặc biệt hơn, khi những món ăn này lại có giá rất bình dân... Khác với món bánh khoái (bánh xèo) cuốn rau cải, kinh giới, rau diếp cá chấm nước mắm chua ngọt, nơi đây vẫn ăn với hương vị của nước lèo - một thứ nước chấm đặc biệt của Huế và kèm thêm vị chát của quả vả.
Bên cạnh những gian hàng bánh, các quán chè trong chợ cũng mang hương vị Huế. Những cái ly nhỏ nằm cạnh nhau dưới lớp vải lưới trắng để tránh bụi và ruồi. Ở đây, bạn sẽ được thưởng thức chén chè xanh, gợi kỷ niệm về những ngày rằm cúng xôi chè ở Huế. Cung cách Huế được đặt vào những chén chè xinh xinh khiến bạn có thể làm một lèo vài chén mà không ngán.
Tiếp đó là các gian hàng bán các loại cá khô và mắm, đặc biệt là tôm chua và ruốc Huế. Đi giữa hàng rau, bạn sẽ nhận ra cái mùi quen thuộc của vị măng chua. Người miền Nam nấu canh chua có đủ vị: cay, ngọt, chua với các phụ liệu: dứa, cà, giá, bạc hà và rau ngổ; còn tô canh chua của người Huế chỉ cá và măng chua, nhưng nó sẽ để lại cho bạn hương vị khó quên bởi chất ngọt của cá và vị chua thanh của măng và món rau sống không chỉ có khế chua, chuối chát mà còn có cả quả vả (món ăn kèm với thịt ba chỉ, tôm chua), thứ quả làm những người xa Huế đều muốn ăn mỗi khi có dịp trở lại quê nhà.
Qua dãy hàng cá tươi, những con cá bống, cá trê, lươn đồng… trên cái rổ tre của các chị, các bà miệng luôn mời mọc “Mua cá bống, cá trê đồng đi em…” mỗi khi có người đi qua. Còn đó những lời mời ngọt ngào khiến khách khó lòng bỏ đi ở gian hàng hoa quả, áo quần… mà khi mua hàng, lại được nghe giọng Huế thật khó quên “Lần sau nhớ ghé hàng chị nghe em!”.
Quê hương đã trở thành thiêng liêng với mỗi người, nhưng ý thức việc giữ gìn bản sắc của mỗi miền là điều không dễ. Giữa cuộc sống xô bồ, cạnh tranh như hiện nay, người Huế ở Buôn Trấp vẫn giữ được cách sống của mình trong ngôi chợ này quả là một điều đáng trân trọng.
Thúy Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét