Nếu đi lễ hội, cái ồn ã, xô bồ thô tục sẽ mờ lu đi khi bạn thanh thản thưởng thức bát canh rau sắng. Thấy rằng đất trời vẫn rất thanh khiết trong lành.....
TẢN ĐÀ VỚI RAU SẮNG CHÙA HƯƠNG
*Phó Đức An
Hầu như hội chùa Hương năm nào thi sĩ Tản Đà cũng có mặt. Vậy mà hội chùa Hương xuân Nhâm Tuất (1923), cái nghèo đã trói chân thi sĩ. Không trẩy hội được, ngồi nhà thi sĩ nhớ đủ thứ, đủ chuyện, nhớ đủ kỷ niệm khó quên. Thế là thi sĩ mượn rau sắng để trút bầu tâm sự và cho in lên “báo nhà” tức là “An Nam tạp chí” mà Tản Đà là “tổng biên tập” một bài thơ:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.
Báo ra chưa được mấy ngày, Tản Đà nhận được một bưu phẩm. Mở ra là một gói rau sắng chùa Hương còn tươi nguyên. Có điều, chẳng biết là của ai, từ đâu gửi đến. Vì bưu phẩm không có tên người gửi. Địa chỉ cũng không. Chỉ có mảnh giấy gửi kèm theo mấy vần họa lại:
Kính dâng rau sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn con đường đỡ xa
Không đi thời gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Đỗ Tang nữ bái tặng
Nhà thơ bóp trán. Đỗ là họ Đỗ, Tang là cây dâu, nữ là phụ nữ. Thật khiêm nhường. Một cô gái hái dâu. Nhưng lại có tâm hồn thơ, giàu lòng trắc ẩn, tình cảm mặn nồng, với một bài thơ đầy tâm hồn lãng mạn. Tản Đà vận ngay mấy vần cảm tạ, coi người gửi quà cho là một “người tình”... không quen biết. Đó là lời “cảm tạ tri âm” và Tản Đà lại cho in lên “báo nhà”:
Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa đồng tâm là tình
Đường xa rau vẫn còn xanh
Tấm lòng thơm thảo bát canh ngọt ngào
Yêu nhau xa cách càng yêu
Dẫu rằng suông nhạt càng nhiều chứa chan
Nước non khuất nẻo ngư nhàn
Tạ lòng xin mượn thế gian đưa tình.
Nguyễn Khắc Hiếu bái tạ
Đỗ Tang chính là Đỗ Thị Khê có biệt hiệu là Song Khê, quê ở Cẩm Khê – Hưng Yên, sinh ra ở Thất Khê – Cao Bằng, làm việc ở Hà Nam. Đây cũng một tâm hồn thơ, rất mê thơ Tản Đà. Về sau bà định cư ở Mỹ và mất năm 1993, thọ 93 tuổi.
Phó Đức An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét