Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

BẾN XE ĐÒ CŨ Ở BANMÊTHUỘT * Hùng Bi

 

BẾN XE ĐÒ CŨ Ở BANMÊTHUỘT
(có ai còn nhớ nó không?)
Tôi lớn lên và theo học bậc trung học trên đất Banmêthuột. Vừa ra trường thị bị đẩy vào lính nên thú thật những kỷ niệm về miền đất ấy hầu như chỉ gom gọn trong tuổi học trò. Tôi hay nhắc về trường xưa bạn cũ thôi.
Tầm tuổi ấy thì đâu biết gì và để ý gì ngoài sách vở học trò?
À! Có một nơi chốn tôi phải đi ngang ngày hai lượt, cũng có để ý tới nó dù chẳng liên quan gì tới chuyện sách vở học trò.
Nơi đầu tiên tôi đặt bàn chân mười một tuổi lên vùng đất đỏ ba-dan huyền hoặc ấy là bến xe đò Banmêthuột vào một chiều đầu thu năm 1960.
Xe chạy vào đường Thống Nhất, cửa ngõ của thị xã, chạy ngang một công thự đồ sộ mà Ba có nói trong thư là nơi làm việc của ông, tới bùng binh cột đèn ba ngọn ôm tay phải chạy về phía đường Hùng Vương độ chừng 20 mét, rẽ phải thì vào khu vực bến xe nằm sau lưng dãy nhà vách ván lợp tôle ở mặt tiền trên đường Hùng Vương bọc qua Đinh Tiên Hoàng là các tiệm bán tạp hoá, quán ăn v. v...
Bến xe đò nhỏ xíu tương ứng với lượng khách đi lại hàng ngày của cái thị trấn vùng cao có từ thời Pháp thuộc cũng nhỏ xíu vẫn còn nền đất với những viên đá trải lên lổn nhổn thật bẩn thỉu vì màu đất đỏ không quen mắt.
Sau lưng dãy nhà mặt tiền ta gặp bãi đậu của những chiếc xe lô hiệu Peugeot sức chứa khoảng hơn 12 hành khách, tôi chỉ nhớ hãng Minh Trung và Minh Tân chạy tuyến Sài gòn-Banmêthuột.
Ba tôi ưa chọn loại xe nầy đi về cũng như lên vì chạy nhanh và đỡ mất thời gian lề mề chờ đợi ở chỗ dừng chân Bù Đăng khoảng giữa lộ trình, nơi xe đò đều ghé vào để hành khách ăn cơm với những món phần nhiều rất hạp với khẩu vị người miền nam nguyên bộ như canh chua cá lóc cùng với cá lóc kho tiêu, thịt kho tàu dưa giá...
Chặt góc vuông bắt đầu là bãi đậu của những chiếc xe đò lớn chứa tầm 40 khách. Có hai hãng xe tôi còn nhớ tên là Sanh Hoà với bảng hiệu màu xanh lá cây và xanh đọt chuối, hãng kia là Kim Long với bảng hiệu chữ đỏ. Thêm hãng xe đò Ngọc Trân, Đại Nam nữa nhưng tôi không còn nhớ màu sơn bảng hiệu.
Tôi thích đi xe đò lớn hơn, tuy mất nhiều thời gian nhưng chỗ ngồi không bị gò bó như xe lô. Và tôi hay chọn mua vé hãng xe đò Sanh Hoà. Cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ như có người thích màu xanh, có người thích màu đỏ thôi.
Tiếp theo là các hãng khác chạy tuyến Nha Trang, Pleiku, Kontum...
Hồi đó, khi mua vé hành khách cũng có quyền chọn chỗ ngồi mình thích theo bảng sơ đồ. Nhưng có điều là vé của ai người ta ngồi đúng chỗ của mình, không xảy ra tình trạng lộn xộn như bây giờ. Từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội, mặc nhiên hình thành sự trật tự, ngăn nắp và mọi người đều tôn trọng lẫn nhau.
Phía sau lưng bến xe là dãy nhà cất từng căn biệt lập dành cho những công chức và sĩ quan cao cấp nằm quay ra mặt đường Lê Lợi sau đổi tên là đường Nguyễn Công Trứ.
Ôi ! Tôi đã từng ao ước mình được ở trong ngôi nhà có trồng những khóm hoa trước sân đó.
Người kinh ở thị xã Banmêthuột lúc đó không nhiều, đa số là những gia đình quân nhân công chức nên ít có nhu cầu đi lại, chỉ rộ lên ở những dịp nghỉ hè và nghỉ tết. Dân buôn bán có mức thu nhập cao nên họ thường đi máy bay Air Viet Nam cho khoẻ và nhanh, còn hàng hoá từ miền xuôi được gởi lên theo những chiếc xe ba-lua chuyên nghiệp rồi. Chính vì thế mà bến xe đò trong những ngày thường tương đối đìu hiu.
Không gian bến xe đò, ga tàu lửa nào cũng giống nhau. Những cuộc chia tay bao giờ cũng buồn và ít nhiều lưu luyến, còn những cuộc đón đợi luôn tràn ngập niềm vui. Ở những ga tàu lửa thì không gian trầm lắng hơn, tiếng còi tàu khi rời ga như một lời chào chia tay của người đi trong làn khói gởi lại nỗi buồn, còn ở bến xe đò trong ánh đèn vàng quạch còn mờ mờ trong làn sương sớm, những lời dặn dò, những luyến lưu còn chưa bày tỏ hết chen lẫn trong tiếng la hét của mấy người lơ xe, trong tiếng chào mời của những người bán hàng rong, trong tiếng máy xe ồn ào cùng những hồi kèn inh ỏi thúc giục, tập họp lại thành một bản hợp xướng ở âm vực cao nhất xoá bớt sự buồn tẻ của những cuộc chia ly. May mà khoảng thời gian bến xe đò ấy còn hoạt động thì chiến cuộc chưa lan tràn trên đất nước, những cuộc chia tay có buồn, có lưu luyến là thuộc về những đôi tình nhân, và nhiều hay ít là do thời gian họ phải xa cách dài ngắn hay hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc sẽ không bao giờ gặp lại. Còn những chuyến đưa tiễn đứa con yêu của mình về chốn phồn hoa để theo học ở bậc cao hơn thì dù có buồn chăng vẫn còn niềm hy vọng vào tương lai sáng lạn của đứa con che lấp và cũng chỉ vài tháng sau cũng sẽ gặp lại nó về thăm nhà.
Trong mớ âm thanh hỗn tạp của bến xe lúc đó, nổi lên cao nhất là tiếng nói trao đổi dặn dò của kẻ ở người đi. Phía bến xe về Sài gòn, hầu như chỉ có tiếng người miền nam, còn ở những tuyến khác thì quả là một bản hợp xướng với nhiều cung bậc trầm bổng vì mỗi tỉnh miền trung lại có giọng nói khác nhau đi kèm những phương ngữ mà thoạt đầu tôi chẳng thể nào hiểu nổi. Không biết các bạn có cùng nhận xét với tôi không? Đa số người dân vùng ven biển tiếng nói nghe...rất mặn! Lại có những tiếng nói nhẹ nhàng thanh tao nghe như con chim nó hót ở trên cành: Nha Trang, Tuy Hoà, Quy Nhơn, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Trị...Muốn hiểu hết câu nói của họ, tôi phải vận dụng thêm sự suy đoán.
Một kỷ niệm khó quên là trong chuyến đầu tiên lên Banmêthuột, xe ngừng lại chỗ ngã ba Dakmil để xuống khách, nơi có những đồi trà chập chùng nối tiếp nhau chạy dọc theo con lộ số mười bốn của Bà Trần Lệ Xuân, đám bán hàng rong lập tức bu đen bu đỏ lại rao hàng. Nổi bật nhất và làm tôi chú ý là tiếng rao:
- Ai ăn hột vịt lồn khôn?
Trời đất! Rao hàng chi mà nghe tục tĩu vậy?
Hoá ra là một coi bé tuổi tầm mười sáu đang rao bán hột vịt lộn.
Tiếng nói nghe kỳ cục!
Nhưng cũng nhờ sống ở vùng đất “đa vùng miền” ấy mà tôi có khả năng nghe được lời nói của tất cả những “người con gái Việt Nam da vàng”. Đó là một lợi thế trong cuộc trường chinh “cưa cẩm” của mình. Hì...hì...
Quà của vùng đất cao nguyên ngoài những đặc sản như trà, cà phê, mật ong...còn vài món đồ thủ công mỹ nghệ như những chiếc váy thổ cẩm dệt thủ công, mấy cái nhà sàn mô phỏng nhuộm xanh đỏ loè loẹt làm bằng ruột tre lồ ô, cái gùi, bộ tên nỏ...thường được những người từ đồng bằng mới lên chưa lâu mang về làm quà tặng cho bạn bè, bà con để giới thiệu về cái xứ mình đang sống.
Ba tôi hay để dành ngày nghỉ phép thường niên vào đúng dịp nghỉ hè để nhân đó dắt thằng con về quê dưới đồng bằng thăm ngôi nhà cũ, thăm bà con họ hàng một thể.
Được ngồi trên xe đò trong những chuyến đi ấy thì lòng vui như mở hội, tâm hồn cứ phơi phới. Thứ nhứt là đi với Ba thì không có gì phải lo lắng, thứ nhì là trước mắt có cả ba tháng hè mặc sức mà vui chơi. Được trở về thả mình vào khung cảnh tuổi ấu thơ, được tắm sông, được ăn trái cây trong vườn nhà thả giàn, được bắn chim, được lom khom theo những con mương trong vườn những buổi trưa hè vợt bắt mấy con cá lia thia, cá phướn với những cái vây cái đuôi xoè ra đủ màu sắc, đem về nuôi trong những lọ thuỷ tinh rồi đem đá với những thằng nhóc hàng xóm, bắt dế, đào trùn đi câu cá....
Những tuyến đường xa, thường tài nhất được khởi hành rất sớm khoảng 5:00 sáng. Giờ đó thì dưới phố chưa có tiệm bán điểm tâm nào mở cửa, nhưng ở bến xe thì có bán đủ thứ món cho hành khách lựa chọn. Từ phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu Tàu, bún riêu cua, cơm tấm miền Nam...đến tách cà phê bốc khói thơm lừng buổi sáng dành cho quý ông. Một khu chợ ẩm thực đủ ba miền thu gọn trong một không gian nho nhỏ.
Đó có lẽ là nơi có ánh sáng gom lại nhiều nhất và có đông người tụ họp với cảm xúc đặc biệt trong một hoạt cảnh sinh động sớm nhất trong cái tỉnh heo hút của cao nguyên trung phần nầy khi mặt trời chưa thức dậy.
Và nó cũng lọt vào cái quy luật tự nhiên của cuộc sống: Sớm họp thì sớm tan. Những chuyến xe đò trong ngày lần lượt xuất bến hết sẽ trả lại cái không gian đìu hiu vắng vẻ của một bến xe đò vùng cao. Lúc ấy nhìn bến xe...chán lắm!
Năm tôi học lớp Đệ Ngũ ở Trường Trung Học Banmêthuột, không biết ai đã có sáng kiến bắt đám nam sinh phải tập họp lên trường tập thể dục ở đám đất trống nằm giữa Trường Sư phạm cao nguyên và sân tennis của Ty Công Chánh mỗi buổi sáng sớm. Với mấy thằng nhóc đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải bị dựng cổ dậy từ khi đất trời bên ngoài còn tối mù tối mịt để chạy tới trường, ngọn gió mùa Đông Bắc lại thổi tràn hơi lạnh qua dãy Trường sơn làm “lạnh teo” luôn thì quả thật là đày đoạ cho những tấm linh hồn còn non trẻ (sic).
Tôi và thằng Lê Đức Dũng bạn cùng lớp, nhà gần nhau chéo góc ngã tư Ama Trang Long-Lý Thường Kiệt sáng nào cũng rủ nhau chạy lên trường. Khi thì ăn chén cơm chiên còn nóng hổi do Bà Nội tôi dậy sớm để lo cho cái bụng mấy đứa cháu đi học, khi thì ghé gánh bún riêu trên bến xe mỗi thằng “quất” một tô.
Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu leo lét chấp chới theo gió lay, hai thằng ngồi trên cái đòn kê bên một bàn gỗ thấp có trải tấm vải nhựa ở trên. Nhận được tô bún từ tay bà bán, rồi thì nặn miếng chanh, múc chút ớt bầm, thêm muỗng mắm tôm, lùa hết dĩa rau sống có rau muống chẻ, bắp chuối xắt, rau quế, rau kinh giới...vào tô của mình. Hai đứa thi nhau húp sùm sụp, nhai ngồm ngoàm mớ rau sống trộn lẫn thành mùi thơm lừng của tô bún riêu trong hơi gió lạnh ban mai. Thật là...tuyệt cú mèo!
Cũng là một kỷ niệm nhớ hoài đấy!
Lên năm Đệ Tứ thì thằng bạn nối khố của tôi phiêu bạt đi đâu không rõ.
Lên năm Đệ Nhị thì tôi chơi với Đặng Phó nhà ở đường Lý Thường Kiệt nhìn xéo qua quán cà phê Thiên Hương. Lúc ấy tụi tôi đã đi học bằng xe gắn máy. Buổi sáng đèo nhau đi học, thay vì lo ăn sáng no bụng để vào lớp đi. Nhưng không, cứ xách xe gắn máy chạy vòng vòng “nghía đào”. Từ trường Hưng Đức, Vinh Sơn tới Bán Công. Cũng chẳng có em nào ưa cái bản mặt đầy vẻ làm “l’air” của tụi tôi hết. Giờ nghĩ lại cũng...thiệt cà chớn!
Giờ ra chơi buổi sáng chắc đâu khoảng được 15 phút. Chuông reo là hai thằng ù té lấy xe gắn máy chạy xuống quán cơm tấm có mấy con vượn ở bến xe đò nằm bên mặt đường Đinh Tiên Hoàng ăn sáng.
Thử nghĩ coi, mất 5 phút chạy đi 5 phút chạy về, hai đứa tôi chỉ còn có 5 phút để ngốn dĩa cơm tấm bì ốp-la, uống miếng nước tráng miệng thì thời gian đâu mà thưởng thức cái thơm tho, cái ngon lành của dĩa cơm tấm?
Tuổi trẻ thật là không thiếu gì những chuyện làm xốc nổi, ngông cuồng.
Ở quán cơm tấm đó, có một cái chuồng lớn rào bằng lưới mành mành nằm ở mặt đường nhốt một con vượn lớn màu lông vàng cháy như màu nắng hoàng hôn. Hai cái chuồng nhỏ hơn bên trong nhìn ra bến xe nhốt hai con vượn nhỏ hơn màu lông xám đen. Với tay chân khẳng khiu và cái đuôi dài ngoằng, chúng cứ đánh đu trên những nhánh cây khô trong chuồng rồi chuyền cành tài tình như những diễn viên xiếc đu dây nhìn khá vui mắt. Thỉnh thoảng, không biết có phải vì tiếng kêu gọi của rừng thẳm hay không, chúng lại hú lên những tiếng dài u buồn như để đáp lời hay để nói lên thân phận bị tù hãm tôi không rõ khiến tôi nhớ đến câu ca dao:
“Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu?”
Tiếng vượn hú ấy đâu đủ nội lực mà bay về tới nơi rừng thẳm xa tít ở nơi nào đó nên phải rớt lại hoà trộn với tiếng máy của mấy chiếc xe đò chuẩn bị khởi hành cùng với tiếng còi xe inh ỏi thúc giục tạo nên một không gian đặc trưng của một bến xe đò miền núi đìu hiu còn chất hoang dã mà không phải nơi đâu cũng có.
Cũng còn một kỷ niệm của tôi liên quan tới bến xe đò Banmêthuột.
Bên ngoài bến xe nằm trên đường Hùng Vương gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng có quán cơm bình dân tên Thanh Hương. Quán cũng nhỏ hẹp như tất cả những căn nhà ở đó. Ông chủ người miền nam nên những thức ăn ở đó nấu theo cách người nam. Ông lại có máu đờn ca nên hầu hết các gánh cải lương từ miền nam ra trong chuyến lưu diễn miền trung, đào kép đều ăn cơm ở đó. Trong những khung ảnh cỡ lớn treo trên tường quán là những tấm ảnh cỡ 9x12 của các đào kép cải lương lộng chi chít. Đó cũng là một hình thức quảng cáo.
Tan học về nhìn vô quán đâu có nhận ra ai, vì trên sân khấu họ son phấn áo mão cân đai đóng tuồng thì ngoài đời làm sao nhận ra? Duy chỉ có một lần tôi nhận ra danh ca vọng cổ Út Trà Ôn khi ông ngồi ở bàn ngoài vì diện mạo hơi đặc biệt có những vết thẹo của bệnh đậu mùa.
Thêm sự nhắc nhớ của bằng hữu, trong bến xe còn có quán cháo lòng nổi tiếng và quán cơm Sa-Ten ông chủ người Việt gốc Hoa nhưng nấu món canh chua lươn rất ngon. Đó là một sự lạ vì hầu như món canh chua là đặc sản của dân Nam bộ.
Phía ngoài bến xe chỗ cột đèn ba ngọn nhìn sang ngay cái cua, có một tiệm tạp hoá của người Hoa mới mở khoảng năm 1966. Thằng con trai thứ là bồ tèo, là chiến hữu của bọn tôi trong những cuộc đua xe gắn máy bán mạng từ chiếc Goebel sơn hai màu qua đời xe Honda 67. Hắn là thằng đầu tiên “chơi” bọc một cái hộp thiếc hình tròn chỗ carburateur và hai cái kiếng chiếu hậu tròn lớn để giả làm chiếc Honda 90. Hắn khoe hoài về điều đó với bọn tôi.
Cuộc chiến tranh ngày càng leo thang và con lộ số mười bốn ngày càng mất an ninh và ghẻ lở đến một giai đoạn tồi tệ đã bị cắt đứt hẳn sự giao thông bắng đường bộ từ vùng cao nguyên trung phần với thủ đô Sài gòn theo hướng con lộ số mười ba của vùng miền đông nam bộ.
Từ năm 1966, hầu như người ta phải đi bằng máy bay Air Viet Nam về Sài gòn. Vì lượng hành khách tăng quá đông nên phải mua vé trước cả tháng. Riêng gia đình quân nhân thì họ trông chờ vào những chuyến bay quân sự mà danh sách chờ đợi cũng quá dài.
Từ đó, chỉ còn những tuyến đường đi Nha Trang, Pleiku, Kontum hoạt động thường xuyên. Các cậu Tú cô Tú xuất thân từ Trường Trung Học Banmêthuột ai cũng phải về Nha Trang để dự thi bằng cấp Tú Tài 1, Tú Tài 2 nên chẳng ai mà không biết tới bến xe đò nầy.
Những người ít tiền muốn đi bằng xe đò về Sài gòn phải ngồi trên những chuyến xe dài dằng dặc xuống Nha Trang, vô Phan Rang, lên đèo Sông Pha, ngủ đêm lại trên đèo D’ran rồi ngược lên ngã ba Đơn Dương xuôi theo đường Bảo Lộc Dầu Giây về tới Sài gòn mất hết hai ngày một đêm.
Những phát súng của trận đánh Tết Mậu Thân đã tạo nên cơn địa chấn kinh thiên động địa trên toàn miền nam và thị xã Banmêthuột cũng phải gánh chịu một hậu quả trầm trọng.
Những thằng học trò vừa bước chân ra khỏi cánh cổng Trường Trung học đã bị bắt buộc thay áo lính. Những chàng trai trẻ còn đang độ tuổi thanh xuân bị khói lửa chiến tranh xua vào trại lính rồi nhấn chìm tương lai vào cõi u ám. Thay vào đó là những chàng trai mặc áo lính ở những vùng miền khác được đổ về đây tạo nên một không gian ồn ào máu lửa mang một hình thái khác hẳn vẻ yên bình hiền hoà vốn có từ bao năm trước của nó.
Và tôi cũng bị cuốn vào dòng chảy sinh tử ấy, càng bị xua đi đó đây nhiều hơn ở những nơi chốn khác, rồi hình ảnh của bến xe đò êm ả vui buồn của tuổi mới lớn ngày nào đã nhạt nhoà dần trong tâm trí tôi.
Tất cả đều đã trôi đi và hầu như mọi người đã quên hết vì nó đã thuộc về quá khứ và không còn tồn tại nữa.
Giờ đây, chỉ mình tôi quay lui ngó lại những điều tôi xếp vào cái ngăn kỷ niệm của riêng mình rồi kể lại cho mọi người nghe.
HÙNG BI
Cúc Hoa Nguyễn Thị, Bùi Ngọc Khánh và 23 người khác
4 bình luận
79 người đã xem
Thích
Chia sẻ

4 bình luận


  • Bùi Ngọc Khánh
    Hồi đó đi từ Bmt đến Saigon QL14 còn an ninh, bến xe này đã có xe đêm, đi suốt đêm sáng ra đã có mặt ở Saigon.
  • Trăng Khuyết
    Hồi đó đi xe đò sợ VC lắm
    1
  • My Linh le Thi
    Khi đọc thì nhớ ra, bây giờ là khu quán cơm Sài Gòn, A Tỷ, trước 1975 nằm sau quán cơm XH trước , gần rạp Thăng Long- là nhà văn hoá Tỉnh bây giờ
    • Thích
    • Chia sẻ
    • 5 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Le Van Chim Non
    còn nhỏ nhưng cũng may mắn có vài lần đi NT hoặc Ktừ bến xe này trước khi nó đổi lên cây số 3..
    3



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét