Hành trang con mang theo mọi khát vọng tìm chân lý...
Hành trang con mang theo mọi xây dựng tìm công bằng...
(Hành Trang Người Trẻ- Lm. Hoàng Đức)
PHONG TRÀO THANH SINH CÔNG VIỆT NAM
*Nguyễn Trí Dũng
Nguồn gốc
Năm 1920, Đức Hồng y Cardjin, người Bỉ, tổ chức Công giáo Tiến hành chuyên biệt với phong trào Thanh Lao Công. Phong trào này dần dần lan sang Pháp và các nước khác.
Theo gương đó, một vài thanh sinh (sinh viên, học sinh) ở nhiều học đường Pháp, giữa hoàn cảnh thả lỏng và đời sống phóng túng của giới học sinh, sinh viên thời đó, đã nhận ra được bộ mặt mới của đạo Công giáo và trách nhiệm phải đem đời sống đạo đức vào môi trường sinh viên, học sinh. Vì thế, phong trào Thanh Sinh Công ra đời để đưa giới sinh viên, học sinh về gần với Phúc Âm.
Giống với hoàn cảnh chiến tranh ở Âu Mỹ thời đó, tại Việt Nam, sinh viên, học sinh cũng bị mất thăng bằng và xáo trộn. Vì thế, phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam đã có mặt.
Từ năm 1937, các sư huynh La San đã âm thầm thành lập và phát triển phong trào tại hầu hết các trường do các sư huynh điều khiển.
Đến năm 1956, một số sinh viên các phân khoa và các trường công tư trong đô thành Sài Gòn cùng nhau nghiên cứu và học hỏi đường lối của phong trào do cha Đỗ Long Bộ làm tuyên uý.
Tôn chỉ
Tôn chỉ của phong trào Thanh Sinh Công (TSC) là Kitô giáo hoá môi trường học đường, đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống sinh viên, học sinh, tức là xây dựng một thế hệ trẻ biết yêu chân-thiện-mỹ vì Thiên Chúa.
Mục đích và phương hướng
- Làm cho toàn thể thanh sinh ý thức được ơn gọi riêng của mình và những vấn đề cá biệt của giới mình trong ánh sáng đức tin.
- Phát triển ý thức trách nhiệm tông đồ của họ trong môi trường họ sống.
- Đem Phúc Âm vào đời tư cũng như vào toàn thể môi trường học đường.
- Hoạt động để cải tạo, thánh hoá môi trường học đường.
Đường lối hoạt động
Thanh Sinh Công hoạt động theo phương pháp “xem - xét - hành động” và theo đường lối sau:
- Phục tùng và cộng tác với hàng giáo phẩm.
- Luôn luôn liên kết với Chúa Kitô.
- Hoạt động nhằm vào tầng lớp sinh viên, học sinh, quyết tâm làm cho tầng lớp này chuyển mình đi vào tinh thần Phúc Âm.
- Mọi hoạt động TSC đều phải được tổ chức trên bình diện môi trường.
- Phải luôn luôn có mặt trong mọi cơ cấu, mọi hình thức sinh hoạt có liên quan đến giới sinh viên, học sinh hầu có thể đóng vai trò là “Men trong bột” của mình.
- Hoạt động với và cho giới học sinh, sinh viên theo phương pháp của Phong trào.
Tình trạng Phong trào
Phong trào đã hiện diện trên khắp lãnh thổ: 12 liên đoàn, khoảng 100 đoàn (tại 35 tỉnh) với số đoàn viên khoảng 4.500.
Ngày đáng ghi nhớ
Ngày 20-4-1964, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhóm họp tại Đà Lạt và quyết định chấp nhận TSC là phong trào hoạt động tông đồ có tính cách toàn quốc cho giới sinh viên, học sinh. Cũng từ ngày này, phong trào TSC là một phong trào Công giáo Tiến hành chuyên biệt của Giáo hội Việt Nam.
Phong trào sau năm 1975
Sau những năm sinh hoạt nhỏ và chỉnh đốn lại tổ chức của Phong trào cho phù hợp với tình hình sinh viên, học sinh, hiện nay, Phong trào đã có 6 đơn vị (đoàn) với 200 thành viên dự bị và chính thức.
Do điều kiện kinh tế và nhu cầu sinh hoạt gia đình, các trưởng TSC đã phải phân tán khắp nơi trên đất nước và đó đây trên thế giới nên Phong trào TSC Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Nguyễn Trí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét