Có một làng Mường trong Buôn Trấp...
LÀNG MƯỜNG PHÚ ĐỨC
Đình Phú Đức nằm ở một vị trí khiêm tốn dưới tán ba cây cầy, trong làng Mường của thôn Phú Đức, thị trấn Buôn Trấp. Làng Mường đã có trước từ năm 1956 cùng với làn sóng đổ dân định cư từ thời Ông Diệm.
Nhưng sau đó ít lâu, do tình hình an ninh xấu đi một cách nghiêm trọng, làng phải dời ra cây số 7, nhập với làng Mường Hòa Bình. Đa số gia đình thuộc Mường Thanh Sơn, Phú Thọ trôi dạt theo đời lính chiến lên tận tỉnh KonTum, vùng Đăk Tô, Tân Cảnh.
Sau năm 1972 "mùa hè đỏ lửa", họ lại dắt dìu nhau quay về làng Hòa Bình cho đến ngày Banmêthuột bị thất thủ... Không cần đợi đến chính sách Kinh Tế Mới ngày ấy, Tháng 8 năm 1975, những người Mường Phú Thọ này rủ nhau theo ông Phùng Văn Cừ, cắt rừng mở đường tìm lại chỗ ngày xưa họ đã từng ở trong Buôn Trấp... với những cánh đồng đặc kín cánh cò... với hai dòng Krông Ana, Krông Knô đầy tôm cá...
Một làng Mường có tên Phú Đức được hình thành cho đến ngày nay. Họ vẫn cố gắng giữ gìn những phong tục cổ truyền của người Mường trước sự xâm lấn, xô bồ của văn hóa hiện đại...
...
Vị trí làng Mường cũ nằm phía đồi Quỳnh Tân, cách Hồ Sen khoảng 500 mét, khi mọi người quay lại sau năm 1975 vẫn còn dấu tích mấy gốc mít già ...
Theo FB Ha Khiem viết về Làng Mường Phú Đức cũ trước 1975 ( Hà Khiêm là con của cụ Hà Công Tố).
Vì sao người Mường lại chia ra hai nơi ở : Hòa Bình và Phú Đức
Duyên cớ sâu xa giữa các cụ thì xin miễn bàn nhưng gom từng ấy dân (khoảng 300 người) vào mảnh đất Hòa Bình thì quá chật cho nên một bộ phận chủ yếu là người Mai Châu, Thịnh Lang, Phú Thọ và một số gia đình người Bi, người mường Âm, người Kinh theo cụ Hà Công Tố vào Phú Đức để định cư. Phú Đức (huyện Krông-Ana bây giờ) là một mảnh đất trù phú, vô cùng dễ sống, ở bên sông Krông Ana, một con sông khi ấy thủy sản phong phú chủng loại và nhiều ê hề : cá sấu, ba ba, rùa, cá thì có cá lóc, cá lăng, rô, trê, thác lác, sặc, cá trắng con to từ 5, 7kg (họ gọi là cá ngựa)...
Khoảng vài trăm người dân lọt vào.. hũ gạo : đất thì mênh mông, rừng thì bạt ngàn, đồng thì bát ngát, phát rừng làm nương thu về thóc gạo thật dễ dàng.
Làng Phú Đức định cư từ hồ sen trở ra, phía trong hồ sen chỉ có hộ thầy Mão, ông Nhì Khạng (Bằng, Bân, Biệt), nhà Chung Ưm (hiện nay) vẫn ở trên mảnh đất ấy dưới tán cây kơ nia thì phải.
Phía ngoài thì quần tụ số dân còn lại như xóm ông Bang (bố chị Huê), anh Khen...
Xóm bá Thường, Nga, Thụ, mế Mải, rồi cụ cố vấn, Đinh Công Nhân bố anh Tộ, ông Hiệp Khạng Đinh Thế Xuân (Đồng, Thoa, Cường), Bá Thức (Tùng Lâm, Thủy Triều), cụ Tổng Nới (thầy Chinh, Dũng dzầl..) nhà Mường Khang Quách Mục (Nhệp Khuynh, Khuỷnh, Luyến láo thò lò mũi xanh..) mường Âm có ông Chánh Âm, Quách Tất Thát bố của Quách Tất Dung, ông Châu Âm, Quách Tất Đạt, bố của các ông Tân, Điệp, ông Hiệp Âm, bố của Quách Tất Chương , Mai Hạ có ông Ba Hạ, Hà Công Bảo, bố của Đông Nít, bác Hà Công Tiếng (leo cây bắt sống khỉ giũa làng), ông Cua Cá, mường Pi có nhà cụ Tư Giác Đinh Thế Nghệ bố của bà Khuê, Yến, Khiêm, Kình, nhà ông Khốông Đinh Thế Đoan bố của Dung, Sinh, nhà cụ Châu là Hà Công Tố, bố của bà Lả, Hà Công Tường, Khiêm Hà, các ông Trượng thì có bác Chuông, bác Nghị, họ Bạch có ông Chánh Đếch Bạch Công Niết, ông Đinh Thao, Đông Nhất, bác Chu, người Kinh có Cô đồng Chín v.v.. Không kể hết được. Bọn trẻ con như mình lúc đó chẳng mắt tem thội cứ réo tên các cụ mà chọc ghẹo như "ông Chánh Đếch khếch pòi:" "Ông Thôm ơi cái quần của ông rách rồi.." hay "Quách Tất Thát là Quát Tất Thách"...
Phải cái tội là rừng thiêng nước độc nên dân bị sốt rét chết rất nhiều, chôn ở ngoài làng nay chắc mồ mả bị người ta làm nhà đè lên hết rồi..
Phú Đức cũng có trường sơ học do thầy Mão và thầy Xuân (Hiệp Khạng) dạy.
Dù là nơi rừng thiêng nước độc nhưng năm 1957 Ngô Đình Diệm cũng đã kinh lý tới. Tổng thống Diệm đi xuôi sông Krông Ana xuống Phú Đức bằng ca nô.. chuyến đi này Diệm bị lật ca- nô suýt chết. Ra Ban Mê Thuột khai mạc hội chợ lại suýt bị ám sát bởi Phan Văn Điền (bí danh Mười Thương và có một tên khác nữa là Hà Minh Trí).
Năm 1960 Quận trưởng Ban Mê Thuột đi jeep vào Phú Đức nhằm triển khai "quốc sách Ấp Chiến Lược" bị quân du kích phục bắn chết cùng với một vài biến cố khác như chẳng hiểu vì đâu một người Ê Đê bị chặt đầu bỏ xác ở đầu làng khiến cư dân sợ hãi và bỏ ra Cây Số 7 mà ở, họ tụ tập với nhau ở 2 khu ngoài sinh sống...
TH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét