Nhớ ngày này cách đây đúng 45 năm, chúng tôi là những sĩ tử đi thi tú tài IBM...
CUỐN PHIM XƯA
Tập 5 . TRƯỜNG ƠI !... BẠN ƠI !!
Dò theo danh sách được niêm yết trước cửa lớp 12A2, tôi quay sang Trung Noir (tên các bạn đặt cho Nguyễn Việt Trung vì có nước da đen sạm nắng) vui mừng ra mặt :
- Hầu như lớp cũ 11B1 đều được chuyển về đây.
Trung Noir tính nhẩm rất nhanh:
- Không thấy Nghiêm Đình Đãi, Tạ Thị Ngọc Thư, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Lệ Diễm Hồng, Nguyễn Thị Bích Phượng.
Tôi nhắc tiếp :
- Còn Nguyễn Quang Ninh, Phạm Văn Chinh, Từ Đức Long, Trần văn Bình học tiếp ban B, thành con cưng của trường rồi.
Thật ra, đám con trai tụi tôi cũng chỉ còn lèo tèo vài đứa chơi với nhau từ lớp 10B1. Có thằng May, Trung Noir, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Sĩ và Võ Thành. Chứ tan tác vì Lệnh Động Viên năm ngoái hết rồi ! Gặp lại mấy đứa bạn học cùng thời 4 năm Đệ Nhất Cấp, Trần Văn Can, Trần Đình Pháp, Hồ Anh Dũng...Thằng Dũng cứ nắm chặt tay mình lắc lắc làm mình cảm động. Chắc do ngày xưa mình chưa bao giờ gọi nó là Dũng điếc ! Nhờ bệnh lãng tai này, nó mới gặp lại mình ở đây, chứ không nó phải đi quân dịch lâu rồi... Chợt nhớ đến tụi thằng Nguyễn Ngọc Sơn, Ngô Văn Dũng...giờ đang cầm súng ở tận đồi núi, chân mây nào !? Đám bạn mới có thêm Võ Hữu Tâm, Đỗ Thế Hùng, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Như Ấn (nhà sư)...những bạn nữ chưa quen, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thị Bích Sơn, Huỳnh Thị Mùi, Hàn Thị Ngọc Dung, Tạ Thị Nam Đà, Bùi Thị Minh Khuê, Nguyễn Thị Nhung, Châu Thị Thu Thủy ... có cả mấy bạn nam nữ người Rhadé. Lớp 12A2 rất đông học sinh, ngồi chật hết ba dãy bàn.
Năm nay vì là năm cuối cấp, năm thi cử... nên ai ai cũng không tránh khỏi những thoáng suy tư thể hiện trên gương mặt. Chúng tôi đã rất nhiều lần thoát cảnh "lều chỏng", không phải "trả nợ cầm thư". Học đến lớp 9 thì được miễn thi chuyển cấp, qua lớp 11 thì bãi bỏ thi Tú Tài 1, lên lớp 12 không phải thi viết...Chúng tôi sẽ trở thành những sĩ tử đầu tiên biết thế nào là thi theo dạng trắc nghiệm. Lại còn nghe được thi thử toàn quốc trước khi thi thật nữa chứ. Thế mới sướng ! Lo lắng thi cử được vơi đi ít nhiều...và học sinh vẫn không quên chơi, không từ bỏ được những trò nghịch ngợm của mình.
Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tùng, dạy môn Vạn Vật, giới thiệu trước lớp 12A2 một thầy giáo dạy môn Sử Địa. Thầy Lý Quân Hiếu vừa mới ra trường, còn quá trẻ so với với hình dáng trong đầu chúng tôi về thầy cô. Có lẽ thầy cũng nhận ra tuổi đời mình không hơn bao nhiêu trước số đông nữ sinh xinh đẹp kia. Bất ngờ này làm thầy đỏ mặt...
Các nữ quái Lý Ly Hương, Huỳnh Thị Bích Sơn...đã không buông tha cái mềm yếu này của thầy Hiếu. Cứ đến giờ thầy dạy, Bích Sơn lại đem đồ chua ra chóp chép...thầy thấy rõ những trái chùm ruột, me, xoài, cóc, ổi...đang tinh nghịch trước mắt thầy. Không một tiếng la mắng...nhưng viên phấn trên tay thầy cứ vỡ vụn dần, bay bụi xuống bàn học của tôi và Đỗ Thế Hùng ngồi phía dưới. Còn Ly Hương thì hay chọc ghẹo thầy. Một lần thầy đang viết bảng, nghe tiếng đùa giỡn phía sau. Nhận ra Ly Hương, thầy đã kéo viên phấn chạy dài cuối bảng, quyết trả lớp này cho nhà trường. Cả lớp nín thinh ! Chúng tôi rất sợ thầy Tùng Hiệu trưởng và thầy Bùi Dương Chi hướng dẫn lớp 12A2. Thầy Chi có uy tướng chủ...thầy mà quắc mắt lên thì đúng uy ! Năm lớp 10 thầy đuổi thẳng thừng Ly Hương ra khỏi lớp, chỉ vì bạn ấy mặc áo dài không có... cổ áo ! Còn thầy Hiệu trưởng thì dùng roi quất cho tét đít...bạn Võ Hữu Tâm, Nguyễn Ngọc Phương... do lỡ dại xem mấy tấm hình "play boy" trong lớp. Nhưng sau đó tình cảm học trò luôn dành cho các thầy cô một sự tôn kính, thân yêu. Chỉ một thời gian ngắn, thầy Hiếu đã dành cho nữ sinh lớp tôi một cảm tình đặc biệt...
Những buổi học Pháp Văn của cô Phạm Thị Ngọc Thanh, học sinh quen thuộc từ dáng đi chậm rãi của cô. Chưa đến lớp cô đã vẫy tay ra hiệu các em cứ vào trước. Với nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi, cô như người chị lớn của chúng tôi. Một lần, như mọi ngày đến giờ học của cô, tụi tôi lần lượt từng hàng vào lớp. Võ Thành rất nhanh cầm phấn ghi lên bảng...ngày tháng năm...lecon 35...Le "Tô- nô"...rồi chạy về chỗ ngồi. Cả lớp phải phì cười với ý đùa nghịch của nó. Hôm đó, học đến bài thứ 35 của cuốn Cours de Langue et de Civilisation Francaise, nhưng tên bài "việt hóa" ra cái thùng tonneau chứa rượu to đùng thì chúng tôi biết nó ám chỉ ai rồi. Cô Thanh đi vào lớp, ra dấu cho học sinh ngồi xuống. Cô đứng trên bục trước bảng, người cô cao mập như... ca sĩ Lệ Thu, đằng sau là chữ "Tô- nô" tếu táo. Thế mà trước khi xóa viết bài mới, cô vẫn ngoảnh nhìn về đám học trò ma quỷ, vui vẻ tặng một nụ cười xí xóa...
Riêng đám con trai được đi sinh hoạt phụ khóa môn Quân Sự Học Đường. Nói quân sự có vẻ nhà binh vậy chứ toàn tập đi, tập chạy một...hai...là nhiều. Cũng lập thành từng tiểu đội...tự đặt tên và sáng tác nhạc hiệu... Nhưng chỉ được đội của Đỗ Văn Dư là khí thế nhất. Ngày đó, đội của mình không biết làm nhạc, nghe đội thằng Dư hát, cùng hô vang oai ra phết ! Thằng Dư rành nhạc cũng đúng, vì trong đám bạn bè chỉ có nó tham gia phong trào Du ca Lòng Mẹ. Ngoài chuyện chơi nhạc với lớp đàn anh Nguyễn Đình Hiếu. thì nó còn một tài lẻ nữa là vẽ...Hình bìa cho cuốn Kỷ Yếu niên học 73-74 của Nhà Trường, có sự góp công của thằng Dư. Thế mà trước đó mình nhìn nó giống như người bị trầm cảm !
Lớp 12A có một môn học mới mang theo niềm phấn khích như một cảm giác của sự trưởng thành. Đó là môn Triết do thầy Nguyễn Đức Thông dạy...Có lẽ nhờ học triết nên mình đọc sách thấy hay hơn, nghe nhạc thấy thấm hơn chăng ? Cứ hay mông lung một mình...Lớp trẻ như tôi nghe những " xác người nằm trôi sông ", " người chết hai lần thịt da nát tan "...Đọc " một thời để yêu một thời để chết " ... làm sao không chán ghét chiến tranh ? Tôi hiểu quê hương như vượt ra khỏi xứ " Buồn muôn thuở "mà mình đang sống. Bay xa hơn cả " Huế Sài gòn Hà Nội "...Nó thiêng liêng như " Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui...khóc cười theo mệnh nước nổi trôi "... Mình còn được ngồi đây học hành là hạnh phúc lắm rồi ! Nhìn thằng Tuấn đùa vui với thằng May, thằng Dũng... mà có ai biết đâu nó đang chới với trong cuộc sống. Lúc nào cần câu trả lời về chuyện đời, thì mình đi hỏi Trung Noir. Phải nói, thằng Trung chuyện gì nó cũng biết và nhớ rất lâu. Ai cũng biết nó phải lái xe lam xuôi ngược trong cuộc mưu sinh...
Lớp tôi có hai chàng lãng tử đẹp trai là Đỗ Thế Hùng và Võ Thành. Học mà như chơi, nhiều khi chỉ một cuốn vở gấp đôi nhét túi quần... nhẹ nhàng tung tẩy. Bao gánh lo thi cử chẳng làm mất vẻ tinh anh của hai chàng. Và còn biết yêu nữa chứ...anh chàng Hùng mê một nàng tiểu thư trong lớp ra mặt. Hôm nàng bị ốm, cả lớp đến nhà thăm thì không thấy bóng chàng đâu. Nhưng trong lớp chàng cứ vắng mặt theo bệnh của nàng, cho đến khi nàng đi học lại mới cùng nhau xuất hiện. A...ha ! Rất ấn tượng ! Chẳng biết tiểu thư đó có mủi lòng tí nào không ?
Người đẹp lớp 12A2 được mấy anh lớp trên chấm điểm thành hoa khôi rất nhiều...Nguyễn Thị Hồng, Mai Loan, Liên Hương, Thúy Hương, Vũ Thị Quý...Rất nhiều cái đuôi bám theo các nàng...Cho đến đêm Noel 73 ấy, chàng sĩ quan Nguyễn Cường Việt, con thầy Quang dạy Vẽ, đã sóng đôi với nàng Hồng lớp tôi. Hai người đi dạo quanh khu Biệt Điện không biết bao nhiêu vòng... Hôm sau lên lớp, Trung Noir nó bảo khi đi chơi sớm Noel đã bắt gặp hai người, đến lúc chơi khuya về vẫn còn bên nhau...Nhiều người gọi con đường vòng rợp bóng phượng đó là con đường tình nhân. Nhưng nghe Trần Văn Bình lớp B nói giống đường phượng bay như tên một cuốn tiểu thuyết của Từ Kế Tường.
Hội trại xuân Giáp Dần (1974) là cuộc vui cuối cùng trong đời học sinh của tôi tại trường Trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột. Để rồi sau đó tôi lao vào học rất...không khoa học tí nào. Nhiều khi thức suốt đêm làm bài tập về nhà, hôm sau lại ngủ gà, ngủ gật trong lớp. Thầy Nguyễn Văn Nhạc dạy Lý Hóa và thầy dạy Toán Võ Quý Sỹ vẫn dạy chúng tôi theo sách giáo khoa cũ. Các thầy bắt học sinh làm hết bài tập trong sách chỉ có gợi ý bằng đáp số khô khốc, mịt mù...
Kỳ thi Tú Tài Phổ Thông được chính phủ chính thức ban hành thể thức thi theo lối trắc nghiệm, và chấm điểm bằng máy điện toán IBM. Các hiệu sách trong phố thị Ban Mê tràn ngập sách hướng dẫn làm bài tập trắc nghiệm. Thi hết tất cả các môn đang học nên chúng tôi thường trao đổi sách vở để nắm cho vững cách thức và kỹ thuật làm bài. Mấy bạn học thêm ở nhà thầy Nguyễn Đình Dũng nghe thầy bảo các em rất may mắn, vì lần đầu thi trắc nghiệm nên người ta bỏ cách chấm điểm âm. Điểm âm là điểm trừ tính cho những câu sai, lại còn sai ít sai nhiều nữa chứ . Cho nên các học sinh phải cân nhắc thật kỹ trước khi đánh (a, b, c,d) theo lối xác xuất. Tốt nhất là phải học qua hết, đừng bỏ trống môn nào ! Tôi thì hay trao đổi sách vở với Lê Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Bích Thủy và Nguyễn Thị Hồng...Tôi kêu là ba bà chị, nên được dẫn qua quán chè Hồng uống cà phê, bàn chuyện học hành thi cử..
Con đường dẫn xuống nhà Trung Noir hôm nay thật trơn, mấy lần muốn trượt theo taly của đường cấp phối. Đã từ lâu, tôi biết tin thằng Tuấn về ở nhà thằng Trung, để cùng học ôn luyện với nhau. Số phận thằng Tuấn đúng là không may mắn...Ba của nó bị chết cùng với nhiều người trong một vụ làm ăn trong rừng. Rồi kiện cáo đòi bồi thường, khi tòa xử nghiêng về phía chủ, mẹ của nó đã uất ức lớn tiếng cả với ông chánh án. Bị khép tội nhục mạ tòa, mẹ của nó rơi vào vòng lao lí...Thật là họa vô đơn chí ! Đã bao lần thằng Tuấn định bỏ học giữa chừng để đăng lính...nhưng nó vẫn gắng gượng đi cho hết con đường "lều chõng" này. Có thể vì những lời khuyên của ai đó ?! Có lần thầy Nguyễn Đình Dũng thấy vắng mặt Lê Văn Tuấn trong lớp luyện thi Tú Tài của thầy. Thầy đã nhờ các bạn nhắn cho Tuấn cứ tiếp tục đi học đi, thầy miễn cho học phí...Còn trong lớp, thằng Tuấn thường hay ngó ngang qua bàn của ba bạn nữ. Nó chỉ dám đùa với hai cô tên Xuân thôi, chứ riêng Châu Thị Thu Thủy thì nó phải kính nể kêu bằng chị ! Bất cứ thằng Tuấn cần sách học thi loại gì, y như rằng Thu Thủy sẽ có ngay cho nó mượn...Nhiều quyển còn mới tinh thơm mùi giấy !
Ly rượu trắng xoay vòng theo Trung Noir, tôi,Tuấn và Trần Quang Việt.( Việt cùng xóm với thằng Trung , học trường La San đồi một thời với thằng Tuấn). Mặc dù được thằng Trung rước gần hết phần rượu, nhưng sau nhiều vòng như thế, khuôn mặt tôi vẫn bừng bừng nóng. Hơi rượu cay làm người ta thay đổi tâm trạng rất nhanh...Từ đọc thơ " đi không há lẽ trở về không, cái nợ cầm thi phải trả xong ", chuyển qua " học đã sôi cơm nhưng chửa chín, thi không ăn ớt thế mà cay ", đổi sang nhân tình thế thái của Nguyễn Bỉnh Khiêm, uống rượu tiêu sầu của Cao Bá Quát, bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến...và không thể thiếu "lũ chúng ta" của Vũ Hoàng Chương " Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa...Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ "...Men rượu say làm hừng hực khí thế hát hò...Nhạc nào cũng hát ! Không biết Trung Noir kiếm đâu ra những bài phản chiến rất lạ " Kính thưa thầy đây bài chính tả của con. Bài chính tả viết về nước Mỹ. Con viết hai lần sai chữ America ..." Xong rồi thì gõ chén hát theo Lê Văn Tuấn thôi ! Giọng ca thằng Tuấn rất ấm, nó hát những bài "Hoa học trò", "Cuối cùng cho một tình yêu" hay lắm ! Nhưng phải nói khi say, ai cũng thích nghe nó hát nhạc sến. Chẳng cần để ý đến lời nhạc, chỉ lặng theo giọng buồn thăm thẳm đến nao lòng ! Khi cao hứng nó ca vọng cổ nữa..." Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng sao không tới nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh..."...
Mùa hè sân trường như đến sớm hơn mọi năm. Có mấy chùm hoa phượng nổi bật trong màu xanh của lá cây. Chỉ mong thời gian chậm lại, xa xa cái ngày cuối cùng 26 /6 của đời sĩ tử. Bao kỷ niệm cùng bạn bè, với trường lớp sẽ dừng lại ở cái ngày " lều chõng" này sao. Que sera ! Sera ! Ngày mai sẽ ra sao ? Từ Đức Long cùng tâm trạng lang thang sang lớp tìm mình. Đề xuất cứ mười năm gặp mặt một lần cho khỏi quên nhau. Mình ừ liền ! Nói là làm, nó rứt ngay một tờ bìa vỡ học của mình, kẻ ô viết lời giao kết hẹn gặp nhau vào đêm Giáng Sinh năm 84, tại nhà hàng to nhất đất Sài thành. Nó ghi tên hai đứa, ký phía dưới rồi đưa cho mình ký. Tôi chắc trong các chữ ký của bạn bè, không ít người đã ký vô tư như tôi...Mười năm lúc ấy nó mông lung, xa dịu vợi...Khi tờ giao kết chuyền đến chỗ Trung Noir với thằng Tuấn thì có mặt thằng Việt ở đấy. Thế là nó ký luôn cho hợp với bộ ba này, thường dính với nhau trên chiếc Bridgestone màu vàng của nó. Có cả chữ ký của hai anh học lớp trên, đã ra trường. Anh Nguyễn Hồng Long từng là huynh trưởng của Đức Long khi sinh hoạt đoàn thể Thanh Sinh Công. Còn anh Nguyễn Quang Phú, thì chắc nó mê cái khí tiết của anh dám xông vô trường, hô hào mọi người đi biểu tình phản đối Trung Cộng chiếm Hoàng Sa... Nhưng bị thầy Hiệu trưởng đuổi ra ! Thằng Từ Đức Long này có máu làm những chuyện đại sự !
Cái ngày tờ giao kết chuyền trong lớp B, không đến được tay Phùng Tất Đạt, vì nhà của nó có đại tang người anh bị tử trận. Nó buồn chẳng màng gì đến chuyện tương lai.Tương lai gì trong thời chiến đầy những tin buồn ly biệt ! Nó không thiết gì đến học hành ! Lớp nó còn thi môn Toán của thầy chủ nhiệm Võ Quý Sỹ nữa, là hoàn tất điểm số vào Thành Tích Biểu. Nó đã bỏ thi ! Không ngờ thằng Phạm Văn Chinh liều mạng thi luôn dùm nó. Chinh ơi là Chinh ! Thầy mà phát hiện sẽ bị cấm thi Tú Tài thì sao hở ? Cái thằng mặt lúc nào cũng lạnh băng mất cảm tình, vậy mà ...thương bạn nhất !
Cái ngày " lều chõng " mà các sĩ tử chờ đợi cũng đến...với bao cảm giác lo âu, hồi hộp, hy vọng...Rồi cũng trôi qua ! Những học sinh giỏi bảo đề thi dễ hơn lần thi thử. Rất nhiều cô tú, cậu tú tươi cười lâng lâng trong sự vui mừng, yên tâm lo tiếp những hoài bão của mình. Gặp thằng Tuấn nó nói thi đậu hay không nó vẫn chọn con đường binh nghiệp, nhưng bây giờ nó phải đi vào tận trong Quảng Nhiêu hái đậu thuê cái đã ! Như Trung Noir chỉ muốn sống gần nhà để giúp cha nuôi đám em thơ mồ côi mẹ ! Thằng Long nói sẽ học Luật ! Nghe thằng May, Đỗ Thế Hùng, Võ Thành rủ nhau lên Đà Lạt. Thằng Chinh, Đỗ Quang Tâm sẽ thi vào Phú Thọ. Tôi cũng được Đỗ Văn Dũng rủ xuống Sài Gòn...
Tôi đi như người mộng du vẫy chào những kỷ niệm ...Những cây phượng sân trường rải đầy màu hoa đỏ, có thêm hai hàng thông con mới trồng...Cây Trâm già cô độc ở gần phòng ở của thầy Phúc, thầy Thông...Cái lan can tôi thường đứng ở đây thời lớp 9, biết ngắm theo những tà áo dài màu trời xanh...Hai cánh cổng trường từng có nữ sinh tinh nghịch quăng guốc trèo qua...Còn bờ tường thành này, tôi và "lão lai tử" đã từng nằm trên đó mùa hè năm đệ thất, đọc tiểu thuyết của Kim Dung...Hình như biết mình sắp đi xa nên nhìn đâu cũng hiện ra những gì thân quen hoài niệm..Dừng lại trên con đường dẫn tới trường, biết bao mùa được dẵm lên lớp thảm hoa vàng nhỏ li ti...Đứng ở cột đèn ba ngọn...mình đã từng xem thằng Việt với Trung Noir, lượn nghiêng xe máy quanh bùng binh như xiếc mô tô chuyên nghiệp...Băng qua sân vận động, nơi đây mình đã từng học môn Thể Dục của thầy Nguyễn Thế Hùng. Cứ chạy nhảy xong, là mình theo thằng Trịnh Xuân Nghĩa luyện tiếng Anh. Nó nói líu lo với anh Mỹ " băng ca lô ", mình nghe không hiểu nó nói gì, nhìn anh Mỹ thấy mặt ảnh cũng đơ ra... Bước xuống con đường rợp bóng phượng quanh khu Biệt Điện Bảo Đại. Con đường vắng có những cánh hoa rơi thật nên thơ... Hèn chi anh chàng Bình tài hoa đặt cho nó cái tên thật lãng mạn, theo cuốn truyện của Từ Kế Tường. "Đường phượng bay" !... Đến chừng quay về thực tại, mai kia mình sẽ phải bỏ tất cả lại phía sau. Ngước lên tìm khoảng không đầy nắng... từng đám mây trắng vẫn bay ...
Ngày niêm yết bảng vàng trên trường, rất đông sĩ tử chen lấn ở chỗ thông báo. Ai dò xong tên mình thì lui ra nhường chỗ cho người khác...Đan xen trong những tiếng la hét vui mừng có không ít nỗi buồn học tài thi phận...Bạn bè đến khuyên nhủ bạn đừng thất vọng, còn thi lại đợt 2, ngày 28/8 nữa mà ! Trung Noir thấy tôi đã nói ngay " Thằng Tuấn đậu rồi !"... Giờ này thằng Tuấn còn tít tận đâu đó, lo kiếm tiền lộ phí cho ngày mai...Trung Noir lúc nào cũng ân cần với bạn bè, nó như một nhà xã hội học, rất tâm lý và không bao giờ muốn làm người khác bị tổn thương . Tôi cầm cánh tay thằng Trung lên, xem vết dao ngày xưa đã mất chưa... Ngày đó cứ tưởng nó bị té trầy tay băng trắng toát. Thằng Việt nói lại mới biết chuyện gia đình hàng xóm cãi nhau, chồng xách dao chém vợ, thằng Trung nhảy vô can hứng nguyên con dao nóng giận ấy. Nghe thấy ơn ớn thế nào, nhưng tôi cảm phục nó lắm !...Thôi, mai mốt, nếu xuống Sài Gòn thì tìm nhau nhé !
Nhìn vào bảng điểm Tú Tài của ban B, mới thấy môn Toán của người ta thật khổng lồ. Hệ số 5 ngất ngưỡng ! Môn chính ban A của tôi cũng chỉ tới mức hệ số 4 mà thôi. Bất ngờ riêng tôi đạt điểm tối đa về môn Toán, đâm ra hơi nghi ngờ máy chấm điểm IBM. Nói gì thì cũng phải cảm ơn cô bạn xóm trên...Đã giúp mình có động lực để ganh đua học hành. Đành rằng gót chân A-sin của mình luôn dừng lại phía sau người ta ! Một chút vị nể hiển hiện trong lòng...Cái vòng cấm địa tôi vẽ trước đây đã biến mất vào một chiều. Lần duy nhất quá giang xe jeep nhà binh vì sợ trễ học, được ngồi sát cô bạn xóm trên cũng đi nhờ. Đến trường mọi người đều xuống hết. Đến bác tài phải nhắc " Sao, chưa xuống à !". " Cháu bị tê chân !". Bác tài cười không hiểu nổi...
Từ nay, chúng tôi bước trên đường đời bằng nhiều ngã...Bỗng thấy mình vững chãi hơn, trách nhiệm hơn...Cánh cổng Tú Tài IBM đã khép cuộc đời học sinh lại rồi...Khi nào muốn mở ra thì hãy kêu lên nhé...Trường ơi ! ... Bạn ơi ! ...
Phạm Đình Đạt
( Đặc San Hội Ngộ 40 năm thbmt 67-74)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét