Cách thành phố Kontum không bao xa khoảng sáu cây số nhưng nơi đây hoang vắng êm ả tĩnh lặng ...
TRẠI PHONG CÙI ĐĂK KIA
*Tâm sự của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông.
...
Có một số người cùi giấu bệnh của mình, họ không chịu đi bệnh viện vì sợ rằng bệnh cùi của mình không được chữa lành, bị cắt tay hay bị cưa chân... họ sợ rằng sau khi chết họ sẽ qua thế giới bên kia mà không có tay để làm việc, không có chân để đi. Rồi họ còn sợ rằng đi chữa bệnh thì con cái của mình ở nhà không ai nuôi, bò của mình không ai giữ, nên họ từ chối không đi. Phải thuyết phục dữ lắm thì họ mới chịu đi. Các nữ tu là những người thuyết phục họ rất giỏi.
Một điều nữa là chúng tôi luôn phát hiện bệnh nhân mới, mặc dù trên nguyên tắc như đã tuyên bố là không còn bệnh nhân phong nữa! Nhưng Bệnh cùi ủ bệnh trên dưới 10 năm nên chi khi phát hiện ra bệnh thì thường là quá trễ.
Kể từ thập niên 1930 của thế kỷ XX thì Giáo Phận Kontum đã thành lập một trại phong tên là Đakkia ở cách thành phố Kontum bây giờ khoảng 6 cây số. Các bệnh nhân hầu hết là người thuộc các sắc tộc thiểu số không có tôn giáo.
Năm 1975 nhà nước quản lý tất cả các trại phong trong nước, trong đó có trại phong Đakkia. Nếu người dân tộc bị phát hiện mắc bệnh cùi - đôi khi chỉ là bệnh da liễu mà thôi - thì người bệnh đó bị đuổi ra khỏi làng của mình, phải ở cách xa làng mình khoảng 3 đến 5 cây số, đôi khi là 7, 8 cây số. Để làm gì? Để cho người nhà của người bị bệnh có thể tiếp tế lương thực cho họ. Nhưng có những gia đình người dân tộc rất nghèo nên việc tiếp tế lương thực cho người nhà bị bệnh cũng không dễ, vì thế người bệnh cùi bị đói là rất nhiều.
Thường thì người mắc bệnh phong tập trung lại từ 5 đến 10 gia đình ở với nhau trong một góc rừng nào đó. Người thân che cho họ một cái chòi để họ ở và nơi đó được gọi là làng Phung. Đã có rất nhiều làng Phung như thế ở tỉnh Gia Lai và tỉnh Kontum.
Nhà Nước thì muốn tập trung nhiều làng như vậy rồi lập thành một làng lớn. Để làm gì? Để được những tổ chức từ thiện quốc tế xây cho mỗi gia đình một căn nhà, và nơi đó cũng có trường học, có trạm xá, có nước sạch, có điện để cho dân trong làng cùi cũng được hưởng những phương tiện của đời sống văn minh của bây giờ. Nhưng mà khi có đông người ở thì nó lại nẩy sinh ra một vấn đề khác nữa: ấy là không có đủ đất đai để trồng trọt, không có đủ chỗ để họ nuôi con bò, con dê... cho nên họ thường trở về nơi ở cũ của mình để canh tác, con cái của họ thì ở lại trong làng do nhà nước tổ chức để được đi học. Nhưng vì không biết giữ vệ sinh cho nên các vết thương - hay còn gọi là lỗ đáo - ngày càng trở nên nặng hơn.
Ngoài bệnh cùi thì người cùi cũng có nhiều bệnh khác như mọi người. Người cùi thì cũng thường sinh nhiều con. Công việc lo cho con cái của họ khỏi bị lây nhiễm bệnh phong của cha mẹ cũng là một cố gắng rất lớn của Giáo Hội. Phải tìm cách cho con cái họ được cách ly và được đi học cũng là một điều vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của nhiều người có lòng hảo tâm.
Các nữ tu trong Giáo Phận là những người làm công việc này rất tốt. Cũng có những em là con cái của những người phong cùi được học tới Đại Học, có người trở thành Bác Sĩ.
...
Lm. Phê rô Nguyễn Vân Đông
*Nguồn trích từ MÙA ĐÔNG ẤM ÁP, tâm sự của cha Phêro Nguyễn Vân Đông do Hồ Thủy biên tập lưu hành nội bộ trên https://www.giupkontum.org/.../323-mua-dong-m-ap-tam-s-c...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét