Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Dấu Ấn *Vũ Văn Lai

  Dấu Ấn 

*Vũ Văn Lai

Đời người, ai cũng có những kỷ niệm khó  quên. Dù trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống  nhiều khi tưởng chừng đã vùi lấp theo dòng thời  gian, chìm khuất giữa vô vàn lo toan vui buồn  sướng khổ của kiếp sống con người. Rồi bỗng dưng  có một lúc nào đó, bỗng chợt thức dậy, hiện lên  trong ký ức mơ hồ những hình ảnh từ thuở xa xưa,  dấu ấn một thời đi học. Hình ảnh Mái trường, Thầy  cô, bạn bè như những thước phim quay chậm hiện  dần lên trong nỗi nhớ! 

Bước chân vào mái trường Tổng Hợp Ban Mê  Thuột sau khi biết được kết quả thi vào trường  Công lập, thấy tên trên danh sách trúng tuyển lòng  xiết bao mừng vui, rộn ràng chờ đợi ngày nhập học. 

Chập chững như chú chim non bước vào mái  trường xa lạ, thấy nhỏ bé trước sân trường rộng mở.  Trường mới, Thầy Cô mới, bạn bè mới tất cả đang  chờ đợi một cuộc sống mới với tư cách một học  sinh Trung học. Nghĩ cũng oai so với cấp lớp Tiểu  học vừa trải qua, nhưng còn bé lắm so với các anh  chị lớp lớn thấy mà ngưỡng mộ! 

Rồi thời gian cũng dần trôi, xa lạ dần trở nên quen thuộc, bạn bè sau những ngày bỡ ngỡ cũng  dần gắn bó thân thiết với nhau hơn. Không gian mái  trường, tình cảm Thầy cô, bạn bè theo ngày tháng  để lại dấu ấn một quãng đời hạnh phúc, vô tư, mang  theo những hình ảnh không quên vào ký ức êm đềm  một thời của tuổi học trò. 

Hình tượng Thầy cô luôn cao vời trong ánh mắt  học trò, nhưng đặc biệt có một người Thầy còn được  học sinh gọi một cách thân thương gần gũi là “BỐ”  đó là Thầy ĐẶNG ĐƯƠNG, giờ học của Thầy học  trò đùa nghịch quậy phá, ồn ào như ong vỡ tổ, đến  nhà Thầy học trò càng nghịch ngợm nhưng Thầy  chỉ biết khoan dung cười xòa! 

Đến năm lớp 8 làm báo tường, còn tinh nghịch  làm thơ chọc cô Tôn Nữ Diệm Phương, gắn cho  cô một biệt danh mà chỉ bạn bè cùng khối lớp mới  biết. Nói ra thật xấu hổ, giờ nếu gặp lại cô chỉ biết  khoanh tay, xin cô tha lỗi về trò nghịch dại năm  xưa, dù chưa chắc cô đã biết, nhưng dù có biết cô  cũng không bao giờ để tâm trách cứ đứa học trò khờ  dại của mình. 

Người ta thường nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ  ba học trò”

Năm lớp 9 giờ học Anh văn thầy Nguyễn-đình An, năm đó lớp 9/1 học ở lớp cuối dãy. Trong lớp  có gắn bảng cầu dao tổng của trường. Trùng hợp lớp  đang học bài “A DAY ON THE FARM” một bạn  ngồi gần cầu dao nghịch ngợm đóng cầu dao xuống,  thấy mất điện, Thầy LÂM giám thị xuống kiểm tra,  thấy bóng dáng Thầy đi xuống, các bạn vội vã kéo  cầu dao lên. Vài lần như vậy, Thầy giám thị rất bực  dọc, lại nữa, khi thầy vừa quay lưng đi, cả lớp cùng  cười ồ, có bạn còn gọi cả tên Thầy nữa.  

Nghe vậy, Thầy giám thị quay lại hỏi: 

- Các em vừa nói gì vậy ? 

May mắn thay, có lẽ thông cảm cho lũ học trò  nghịch ngợm, hiếu động, Thầy Nguyễn-đình-An  liền giải vây: 

- Đâu có ai gọi tên Thầy đâu, Lớp đang học  bài “FARM” nên tập đọc, có lẽ Thầy vừa nghe đọc  “farmer Lum” đó! 

Hú hồn, nếu không được Thầy An giải cứu,  không biết sự việc sẽ đi đến đâu, lãnh vài cấm túc là  cầm chắc, chạy đâu cho khỏi!  

Kỷ niệm làm Đặc san năm 11B2 

Đặng Thanh - Anne Tuyết Lang - Nguyễn hồng  Giang - Quách đình Chiến - Vũ Lai - Liêu hớn  Quảng - Nguyễn thị hồng A - Phạm kim Hương  trong ban biên tập, cả nhóm miệt mài soạn bài vở,  đánh máy tensin quay roneo đóng tập tại nhà Quách  đình Chiến, Tiểu thư Đạt Lý và Hồng A mê mải  quên cả thời gian, không biết về có bị gia đình rầy  la không nữa!  

Mỗi Thầy, mỗi Cô đều có một hình ảnh, ấn  tượng, lưu lại trong ký ức 

- Thầy Lê văn Tùng, Cung kim Trạch, Bùi  dương Chi mẫu mực, bề ngoài nghiêm khắc nhưng  đã từng học các Thầy mới biết các Thầy quan tâm  lo lắng cho học trò thế nào. 

- Thầy Nguyễn đình An hiểu biết, thông cảm tâm lý lứa tuổi học trò.

 - Thầy Dương quang Định sôi nổi nhiệt tình. 

- Thầy Nguyễn huy Quang có nụ cười bằng mắt  thật đặc biệt. 

- Thầy Cao Bính được yêu thích vì có phong  cách phớt tỉnh, bất cần đời. 

 - Thầy Nguyễn thanh Nhàn có dáng phong trần,  lãng tử. 

 - Cô Phạm thị ngọc Thanh - Bùi thị Vinh - Phạm  thị minh Hưng luôn trầm tĩnh hiền hòa. 

 Nói chung tất cả các Thầy cô đều yêu thương  và tận tâm dạy dỗ học trò và được học trò yêu mến. 

 Nhớ đến những bạn bè cũ những năm cấp 2 và  cấp 3. Có những cái tên gắn liền với những sự kiện,  gợi nhớ về những gương mặt thân quen, gợi nhớ  đến những kỷ niệm từng trải qua trong những ngày  học chung lớp. 

- Đặng văn Vệ được đặt biệt danh Vệ hoài cổ vì  có những món đồ cổ đặc biệt hiếm hoi. (Vệ sau này  dạy học tại Trường Cao đẳng Sư Phạm, chồng của  bạn MỸ LAI. Hai bạn đều đã mất). 

- Lê sỹ Long nhỏ con nhưng thi chạy luôn luôn  đứng nhất. 

- Đàm văn Giang cầu thủ bóng đá xuất sắc của  lớp. 

- Trương chí Hòa và Lê công Hùng đươc gọi là  “Đấu sỹ” vật tay trong lớp bất phân thắng bại. 

- Nguyễn văn Cường (Paul Cường) tay đàn  Guitar Classic tuyệt vời điêu luyện của lớp. 

- Nguyễn quang Ninh và Huỳnh ngọc Hiệp chơi  Guitar cũng rất hay. 

Một số bạn khác hay chơi thân thành nhóm với  nhau. Chỉ cần nhìn thấy một người liền liên tưởng  đến những người khác trong nhóm.  

- Hoàng trọng Kỳ, Dương đức thụy Sỹ, Nguyễn  văn Định. 

- Trần văn Bình, Võ hữu Tâm, Trần văn Can. - Nguyễn văn Thực, Trần văn Bộ, Vũ Lai

 Một số bạn khác 

- Ở Suối Đốc Học: Lê văn Chàm, Trần văn  Mạnh, Bùi văn Đán, Nguyễn thế Hải, Vũ hoàng  Đức, Hoàng đức Linh, Đỗ quang Tâm (Mạnh-Đán Hải đã mất). 

- Ở Trần hưng Đạo: Trần trọng Sự, Phạm văn  Chinh, Phùng tất Đạt, Ngô văn Dũng, Tạ trọng Hà,  Phạm anh Tuấn. 

- Ở Phố và các nơi: Dương Lợi, Liêu hớn  Quảng, Nguyễn hồng Giang, Trịnh xuân Nghĩa, Võ  đình A (mất), Lê mạnh Cường, Nguyễn ngọc Sơn  (mất), Bùi đăng Sơn, Bùi Hùng, Y Long, Nguyễn  bảo Cự, Lê ngọc minh Tường, Châu văn Đạt, Trần  văn Chấn, Diệp hồng Hoàng, Tăng vĩnh Phước,  Tăng vĩnh Thọ, Phạm đình Đạt, Đỗ tấn Huệ, Ngô  Sơn, Trần đình Pháp, Lưu cẩm Trí, Trịnh văn Sự,  Nguyễn văn Đông, Bùi nam Phương, Nguyễn anh  Tuấn (mất), Nguyễn hữu Quý, Nguyễn văn Nhạn,  Đoàn văn Thái, Hoàng hữu Khoan, Nguyễn ngọc  Lễ, Trần Vĩnh, Lê thành Tín, Đỗ văn Dư, Hồ anh  Dũng, Đỗ thành Dũng, Cung trọng Dũng, Nguyễn  tiến Dũng... 

Suốt những năm theo học tại Trường. Ấn tượng  nhất có một số bạn mà ai nấy đều đem lòng khâm  phục, không có tháng nào, năm nào mà tên các bạn  không được xướng lên giữa cột cờ bước lên nhận  bảng Danh Dự 

- Nam có các bạn: Trần trọng Sự, Phạm văn  Chinh, Nguyễn quang Ninh. 

- Nữ có: Đặng thị Thanh, Trần thị Dung, Nguyễn  thị thanh Hương, Bùi thị mỹ Lai. 

Ngoài những giờ học theo lớp, còn có những  dịp khác bạn bè cùng khối lớp còn có cơ hội tiếp  xúc với nhau. 

- Những giờ học đánh máy do Thầy Hoàng dạy - Giờ học Quản trị kinh doanh 

- Tập trung bao bìa sách cho Thư viện do Thầy  VUI quản lý.   


Sinh hoạt vui chơi những dịp Hội trại Xuân, cắm trại dã ngoại làm tình cảm bạn bè thêm thân  thiết, gần gũi nhau hơn (Hiện nay Trần đình Pháp  còn lưu giữ một tấm ảnh thuộc diện đồ cổ quý hiếm,  có hình ảnh của Phạm kim Hương, Trương chí Hòa,  Tuyết Lang và một số bạn đang ngồi ăn cơm, kỷ  niệm lần cắm trại tại đồn điền cao su cây số 3, chỉ  tiếc bạn Pháp giữ kỹ quá, định mượn scan đưa lên  cho các bạn xem mà chưa được) 

Thế rồi biến cố đã xảy ra. Mùa hè đỏ lửa 1972  làm đảo lộn những toan tính, ước vọng cuộc đời  của những bạn nam sinh năm 1955. Sau nhiều lần  trì hoãn, lệnh Tổng động viên đôn quân được tiến  hành. Sau buổi hội ngộ tại nhà Lê công Hùng, một  ngày đầu tháng 3/73 những chàng trai tuổi chưa  tròn 18 khăn gói lên đường. Đánh dấu chấm hết cho  những ước mơ, những khát vọng nồng cháy cho  một tương lai tươi sáng. 

Tiễn đưa các bạn tại TTTM/NN, các bạn nữ có  bạn không cầm được nước mắt, cảm giác như là  lần gặp gỡ cuối cùng, không bao giờ còn nhìn thấy  nhau nữa. Xe lăn bánh qua trường cũ. Những tà áo  xanh thướt tha tung bay theo gió lộng, hồn nhiên vô  tư như không biết đến nỗi lòng của những kẻ ra đi. 

Gởi lại những ước mơ, gởi lại những rung động,  xôn xao với những tà áo dài lượn quanh sân trường,  những ánh mắt đăm đắm nơi cửa lớp, hình bóng u  hoài như chờ đợi ai nơi gốc trâm cổng trường để  bước chân vào đường đời vô định. 

Sau mấy tháng rời xa, trở về trường cũ mấy lần,  âm thầm lặng lẽ ngắm nhìn tà áo xanh học trò thân  thuộc, nhìn những người bạn còn vô tư ngồi dưới  mái trường rồi lại lặng lẽ ra đi. 

Lần cuối cùng được ngồi lại trên hàng ghế quen  thuộc khi về dự thi Tú Tài IBM đợt 2 vào tháng 8/74  nhưng mái trường chẳng còn ai quen biết, bạn bè cũ  đã rời xa mỗi người mỗi ngã. 

Sau 30/4/75 mọi người phân tán, mỗi người một  số phận, một thời gian dài không ai biết đến tin tức  của nhau. Đến khi xã hội mở cửa, nhờ công nghệ  thông tin phát triển, dần dần bạn bè mới biết lại tin tức  của nhau. Kẻ còn người mất, người thành đạt  giàu sang, kẻ vẫn còn vất vả mưu toan cuộc sống.  Kẻ yên bề gia thất con cháu đề huề, có người vẫn  còn đơn thân. 

Dù thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo  khó. Có tổ ấm gia đình hay vẫn còn đơn độc, tất cả  cũng bước vào lứa tuổi U-60 sắp sửa đi hết một kiếp  người. Chân lý chợt nhận ra vào lúc này là những gì  học hỏi được dưới mái trường không giúp ta thành  THÂN cũng giúp ta thành NHÂN. 

Cảm xúc từ bài thơ RƯNG RỨC MỘT MÀU  HOA của nhà thơ Trịnh bửu Hoài làm tâm hồn  xuyến xao rung động, như nói hộ tâm tình sâu lắng  đã chôn chặt bấy lâu, tưởng chừng đã yên nghỉ tận  cõi lòng sâu thẳm bỗng chốc sống lại, hiển hiện nơi  tiềm thức.  

Mạn phép tác giả chia xẻ bài thơ đầy cảm xúc  cũng thay cho đoạn kết của dòng lưu bút ở đây: 

RƯNG RỨC MỘT MÀU HOA 

Phượng có cháy đỏ phương trời đó 

Ta phương này rưng rức một màu hoa

Bốn mươi năm ngần ấy mùa xa 

Vẫn quặn lòng nhau một dòng cảm xúc

Vẫn chảy trong ta một dòng ký ức 

Ngày chia tay cánh phượng ướt môi người 

Rồi ta đi trong mưa gió cuộc đời 

Mỗi người có một phương ước vọng

Mỗi người gánh một vai đời ra biển rộng

Quê nhà sương khói mịt mùng trông

Bến sông trăng thao thức bóng thuyền không

Người ở lại tóc sờn vai áo trắng 

Bốn mươi năm ta xa thời lãng mạn

Mái trường xưa một lứa bên trời 

Cánh phượng già mấy độ phai phôi

Kỷ niệm cứ xanh hoài cõi mộng 

Lối hẹn hò vẫn hàng me gió lộng 

Dấu chân ta cát bụi đã chôn vùi 

Thời gian đi để lại những buồn vui

Trường lớp cũ có còn tươi nắng mới

Hàng hiên nào ta một thời đứng đợi

Ánh mắt buồn đen láy buổi tinh sương

Mái tóc nào giũ cả một trời hương

Theo ta suốt bốn mươi năm lang bạt... 

Trịnh bửu Hoài



Bút ký của Vũ Văn Lai.

(Đặc San Hội Ngộ năm 2014 của TH Bmt 67-74)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét