Những đứa trẻ Xê Đăng ở đây không khác những đứa con của du khách phương Tây là mấy...
NGƯỜI TÂY TRÊN ĐỈNH NÚI
*Cà Tan
...
Trong men rượu ngà ngà say, ông Điền kể rằng muốn lấy vợ khác nhưng chưa có ai xinh đẹp như vợ mình nên ông chưa chọn. Hơn nữa vì thương con nhỏ nên thôi. Vợ ông Điền qua đời năm trước bởi căn bệnh ung thư. Chỉ tay vào hai đứa con gái ngồi sát bếp, ông Điền bảo: “Nhìn nó thì biết vợ mình!”. Hai đứa trẻ tóc vàng hoe, suôn mượt, da trắng đôi mắt xanh lơ lớ đang ngồi sưởi ấm. Ông Điền bảo vợ của ông ngày trước cũng vậy. Người cao dong dỏng, tóc vàng, da trắng dù cho suốt ngày phơi nắng trên nương. Bản thân ông Điền cũng vậy, là người thiểu số nhưng ông cao gần 1,8m. Râu quai nón vạm vỡ hẳn hoi. Anh em bà con của ông ai cũng thế, cao lớn oai phong lừng lững giữa núi rừng. “Ở làng này rất nhiều người cao to, mắt xanh, tóc vàng da trắng như vậy. Mình không biết vì sao nhưng thấy cũng vui” - ông Điền nói.
Ông Điền kể rằng gốc gác của ông từ bên kia của đỉnh Ngọc Linh thuộc xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Bà ngoại của ông có quen những người Pháp viễn chinh đóng quân ở những đồn bốt gần đó rồi mẹ ông cũng tóc vàng, đến ông và các con của ông cũng vậy. Vợ ông cũng sinh ra trong một gia đình như thế nên cô ấy sỡ hữu những nét đặc trưng rất riêng biệt tại cánh rừng này. Khi chiến cuộc xảy ra một nhóm người Xê Đăng “chạy tây” cứ tiến dần về đỉnh Ngọc Linh để lánh nạn. Cuộc di dân cứ thế kéo dần qua bên kia núi về hướng bắc để đến địa phận Nam Trà My của Quảng Nam bây giờ. Hiện tại, hàng năm người Xê Đăng ở Ngọc Linh thuộc Quảng Nam vẫn tìm cách cắt rừng đi xuyên qua eo núi để về thăm lại bà con quê xưa. Một con đường mòn bí hiểm mà không phải người nào cũng biết, người Kinh càng dễ đi lạc nếu khám phá nơi này.
Nhấp chén rượu cần, ông Điền kể tiếp: “Ở đây mỗi lần đi thăm bà con khó lắm. Cung đường xuyên rừng cũng trần ai dễ đi lạc bởi thứ hương rừng có mùi ngai ngái làm cho người đi đường cảm giác như bị say và mất phương hướng” . Ông Điền còn khoe rằng ở bên kia sườn núi Ngọc Linh, nơi bà con xưa cũ của ông trú ngụ, những người đàn bà vẫn đẹp một cách hoang dại với những nét rất tây.
Ở Ngọc Linh những người lớn còn khó tìm ra nét đẹp riêng của họ, nhưng những đứa trẻ vừa lên 6 lên 10 rất dễ nhận ra điều đó. Cô giáo Trần Thị Tình, dạy lớp 2 ở điểm trường tiểu học Ngọc Linh thuộc thôn 3, xã Ngọc Linh bảo chúng tôi rằng có những đứa trẻ ở lớp cô dạy trông rất lạ. Nhiều năm công tác ở đây nhưng năm nào các đứa trẻ cô dạy cũng đều có những cháu rất xinh xắn và đáng yêu. Chúng chẳng giống trẻ con vùng núi khác mà sở hữu những nét rất tây xinh xắn một cách khác thường. Em Hồ Văn Vúi, lớp 2/6, trông trội hẳn so với các bạn cùng lớp. Cậu bé có nụ cười rất duyên với sống mũi cao và tóc vàng lơ thơ. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh bấm, cậu bé nhoẻn miệng cười: “Do phơi nắng nhiều nên tóc cháu vàng đấy!”. Nhưng cô Tình lại bảo: “Thứ tóc vàng đặc trưng của bà con ở đây không phải nhuộm mà có cũng không có thứ dầu gội nào tạo nên. Chắc trời cho!”.
Em Hồ Thị Lệ, lớp 1/6 của nhà trường cũng vậy. Giờ múa hát cô bé luôn được các bạn bè yêu quý bởi cô rất giống một con búp bê xinh đẹp lạ thường. Thầy Hồ Văn Hùng, người dạy học ở đây gần 20 năm cho biết năm nào cũng có, thế hệ nào cũng có rất nhiều học sinh như vậy. Không những ở điểm trường Tắk Lang mà ngay ở điểm trường chính tại Trường tiểu học bán trú Ngọc Linh cũng có hàng chục học sinh như thế.
Cà Tan
(Trích đoạn trong bài "Ngọn núi người đẹp" của Cà Tan đăng trên https://www.baohomnay.com/.../Ngon-nui-nguoi-dep-744775.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét