Nằm trên quốc lộ 40B - vùng ranh giới huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum. Với những sản vật từ tự nhiên được các em nhỏ và người già dân tộc Xê Đăng dưới chân núi mang lên bày bán ...
"CHỢ 10 NGHÌN" TRÊN ĐỈNH ĐÈO MĂNG RƠI
*Ngọc Hòa
...
Đập vào mắt là hình ảnh ngôi chợ tạm xập xệ, được dựng bằng những trụ gỗ nhỏ, mái được lợp bằng tranh, gian hàng này thông với gian hàng kia, ai có mặt hàng gì từ sản vật núi rừng, đến tự tay nuôi, trồng cứ bày ra bán. Các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là những sản vật của núi rừng như: măng le, chuối, bí đỏ, bắp (ngô), các loại rau rừng, tiêu rừng và cả hoa lan rừng… Tất cả được người dân làm sạch sẽ, chia thành từng gói nhỏ, bỏ sẵn trong bao bì, và đều được bán với giá 10 nghìn đồng.
“Thương lái” ở đây là người Xơ Đăng xưa nay chân lấm, tay bùn sống ở chân đèo Măng Rơi. Nhiều người trong số họ là những em học sinh vẫn còn đang đi học, có người thì lớn tuổi không nói được tiếng phổ thông, nhưng họ vẫn mạnh dạn tự mình đem các sản vật từ rừng ra bán. Lý giải việc các mặt hàng ở đây đều bán với giá 10 nghìn đồng, bà Y H’rum (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho hay, đa số các mặt hàng ở đây đều do người đồng bào tự trồng được, hoặc lên rừng hái về, nên chỉ bán giá như vậy thôi. Với lại, từ khi có chợ này người ta đã bán như vậy rồi, nên ở đây mới có tên là chợ 10 nghìn đó. Bà Y H’rum cho biết thêm, người bán hàng ở chợ này đều là đồng bào Xơ Đăng ở thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, sống dưới chân đèo Măng Rơi. Hằng ngày, cứ tầm 6h sáng người dân trong thôn sẽ đi bộ khoảng 4km để lên đỉnh đèo, ai có hàng hóa gì của nhà trồng được thì mang lên đây bán, nếu không thì vào rừng kiếm rau, củ các loại, đến khoảng 12h trưa thì tập hợp hết ra chợ để bán, 5h chiều khi khách bắt đầu thưa thớt thì chợ giải tán.
Chị Y Hiền (thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) bán ở chợ này hơn 1 năm chia sẻ, “hôm nào ế thì bán được 60-70 nghìn đồng, hôm nào đông khách thì bán cũng được 200 nghìn đồng. Ngày xưa bà con mình không biết buôn bán đâu, làm ra hạt lúa, kiếm được củ măng, bó rau là chỉ để ăn thôi, hoặc cho nhà này, nhà kia. Sau này mới biết đem lên đây bán để kiếm tiền cải thiện cuộc sống, mua thứ này thứ khác, rồi lo cho con đi học. Lần đầu còn bỡ ngỡ lắm nhưng sau này thành quen rồi”.
...
Ngọc Hòa
(Trích đoạn theo bài viết "Độc đáo phiên chợ 10 nghìn đồng trên đỉnh đèo Măng Rơi" của Ngọc Hòa đăng trên http://baovanhoa.vn/.../doc-dao-phien-cho-10-nghin-dong...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét