Con, con con ơi ! Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây.
(Bà Mẹ Gio Linh-Phạm Duy)
" BÀ MẸ GIO LINH " CỦA PHẠM DUY
*Đoàn Thế Ngữ
...
"Bà Mẹ Gio Linh" được Phạm Duy sáng tác vảo năm 1948, dựa trên chuyện thật về một bà mẹ ở làng Mai Xá, Gio Linh, Quảng Trị, có con bị giặc Pháp chém đầu.
Bà mẹ đã nén đau thương đứng lên, đi lấy đầu con bị bêu ở trước cổng chợ đình làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Cái "thần hứng" của mẹ Gio Linh đã chắp cánh cho nhạc sỹ Phạm Duy sáng tác ca khúc "Bà mẹ Gio Linh". Niềm đau cá nhân của một bà mẹ đã trở thành niềm đau chung của một dân tộc và của những người căm ghét chiến tranh.
Hồi ấy,
Trong chuyến công tác vào chiến trường Bình Trị Thiên, Phạm Duy đã đi qua làng Mai, được nghe và gặp hình ảnh bà mẹ Gio Linh với câu chuyện đau thương gây chấn động đó. Mẹ Diêu Cháu, với gương mặt đã mang nhiều nếp nhăn của thời gian nhưng đối với Phạm Duy vẫn "đẹp như một vị thánh", đã xâm chiếm cả cõi lòng Phạm Duy, khiến ông lúng túng không biết nói năng gì, đành nhờ người đưa đường nói hộ.
Phạm Duy vốn đã "nói như két" mà giờ "câm như hến" thì không phải chuyện đùa, các bạn nhỉ.?
Mẹ dẫn Phạm Duy đi qua một rặng tre làng để tới chợ làng Mai. Mẹ kể giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh Nguyễn Đức Kỳ, xã đội trưởng xã Linh Hưng (nay là xã Gio Mai) và anh Nguyễn Phi, cán bộ bình dân học vụ ở miếu Đôi ngoài đồng Mai Xá giải về đồn tra tấn, rồi hành quyết chặt đầu hai anh, đem cắm ở trước cổng chợ đình làng Mai Xá Chánh ngày 16/8/1948. Ông Trương Ký Túc, người làng Mai Xá, lúc đó chỉ là một cậu bé chăn trâu, phát hiện đầu tiên bi thương này, nhớ lại: "Sáng đó, lúc 4 giờ, tôi dậy đi lùa bò. Do bò chạy vào đình làng, tôi phải vào lùa, chợt thấy hai đầu người bị cắm trên đòn xóc trước đình. Tôi vuốt vào cái đầu người thấy láng mượt, sợ quá, tôi vội quay ra, bị bò đạp lên chân làm toe cả móng chân. Chỗ móng chân bị bò đạp vẫn còn in dấu đến nay".
Dã man hơn thời trung cổ là bêu đầu, giặc Pháp còn lấy dầu bi-đăng-tin xức lên đầu hai chiến sỹ theo kiểu "hậu táng".
Để tránh Tây lùng sục, các mẹ đưa đầu hai anh về giấu kín trên tra, gần nóc nhà, sau đó nhờ người đóng những chiếc hòm hình vuông khâm liệm hai anh rồi đem chôn vào đêm đó. Ba đêm sau, tại nhà mẹ Cháu, bộ đội đã về cùng bà con quây quần làm lễ truy điệu cho các anh, sát nách đồn giặc làng Mai Xá.
Đến khoảng năm 1952 - 1953, gia đình mới đi tìm ra được xác hai anh đem về chôn.
"Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày, cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy, hò ơi ơi ới hò... Mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin hàng xóm kêu gào, quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu, hò ơi ơi ới hò, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu".
Hình ảnh bà mẹ Gio Linh sau cái chết của con mẹ đã chắp cánh cho Phạm Duy viết nên những nốt nhạc đau thương:
*https://www.youtube.com/watch?v=S8WoKXwUjng (qua giọng hát Thái Thanh)
Bà mẹ Gio Linh, trong bài nhạc, đã nghe được bài hát. Mãi mười năm sau, khi có nhóm văn công đi qua làng, bà cụ còn hỏi thăm tin tức cậu nhạc sĩ trẻ tuổi ngày xưa. Sau này, năm 2003, khi về thăm Việt Nam, Phạm Duy có trở lại Gio Linh thăm bà.
Nhưng phải đến 2005, sau khi Phạm Duy được phép hồi hương, "Bà Mẹ Gio Linh" mới được phép "phổ biến".
...
Đoàn Thế Ngữ
(Trích đoạn trong bài " V.A. Đoàn Thế Ngữ với " Bà Mẹ Gio Linh" của Phạm Duy " đăng trên https://designvn.net/.../v-a-doan-the-ngu-voi-ba-me-gio...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét