Bờ Bến Hải bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương (Ca dao)
CẦU HIỀN LƯƠNG
*Võ Quang Yến
...
Sông Bến Hải, còn gọi Rào Thanh, bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, chảy theo vĩ truyến 17, thuộc dãy Trường Sơn, từ tây nam sang đông bắc, rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng thuộc quận Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đầu nguồn sông Bến Hải chảy được 80km thì gặp sông Sa Lung từ phía tây bắc đổ vào, hai sông hợp lưu chảy tiếp ra biển, qua làng Minh Lương ở bờ bắc nên có tên là sông Minh Lương. Do phải kiêng húy tên vua Minh Mạng, nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương, cây cầu gần ngã ba sông cũng mang tên là Hiền Lương. Địa danh Bến Hải nguyên là Bến Hói có nghĩa dòng sông nhỏ đọc trạnh ra. Dòng sông dài khoảng 100km, rộng chừng 20m, nơi rộng nhất không quá 200m, được ca tụng trong nhiều bài hát.
Hồi trước chưa có cầu, qua sông phải dùng phà, mãi đến năm 1928 mới được xây dựng nhờ đóng góp công sức của nhân dân. Qua năm 1943, cầu được nâng cấp để xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m trọng tải 10 tấn. Hai năm sau cầu bị Việt Minh đánh sập, Pháp cho xây lại dài hơn, hai bên cầu có thành chắn cao 1,2m, trọng tấn 18 tấn. Chiếc cầu nầy tồn tại được 15 năm thì bị bom Mỹ đánh sập.
Sau một thời gian hai năm tạm dùng cầu phao thay thế, năm 1974 chính quyền Việt Nam cho xây dựng lại cầu, lần nầy dài 186m, rộng 9m, có hành lang 1,2m cho người đi bộ.
Sau khi hòa bình lập lại, cầu cũ xuống cấp nghiêm trọng, năm 1996, bộ Giao thông Vận tải cho xây một chiếc mới dài 230m rộng 11,5m. Đặc biệt phương pháp hiên đại đúc đẩy lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Năm 2001 một chứng tích lịch sử là chiếc cầu sắt 1952 được phục chế lại nguyên bản. Khánh thành công trình phục chế được tổ chức ngày 18.05.2003 tại Quảng Trị, cầu bây giờ dài 183m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim.
Sau khi thiết lập ranh giới phi quân sự theo hiệp định Genève, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ miền Nam phải tập kết ra Bắc nhưng lực lượng bán vũ trang và lực lượng chính trị được tập trung tại chỗ, quân đội Pháp từ miền Bắc phải tập kết vào Nam. Giữa hai quân đội vùng 5 km từ mỗi bên Sông Bến Hải được sử dụng làm vùng đệm nhằm tránh sự xung đột có thể xảy ra giữa hai bên. Điều khoản khu phi quân sự và giới tuyến quân sự này chỉ có giá trị lý thuyết trong vòng hai năm,1954-1956, vì sau đó sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để hoàn toàn thống nhất đất nước.
Nhưng năm 1956, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Ðình Diệm, lên cầm quyền sau một cuộc trưng cầu dân ý, từ chối không tham gia cuộc tổng tuyển cử cho nên sông Bến Hải tiếp tục chia cắt đất nước và làm ly tán nhiều gia đình ở hai miền Việt Nam. Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, chia ly và nỗi đau mất mát... Đôi bờ Bến Hải đã trở thành nhân chứng lịch sử, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều cảnh vô cùng tang tóc, đau thương và cũng là nơi chịu hậu quả nặng nề và tàn khốc...
...
...
Võ Quang Yến
(Trích đoạn theo bài "Cầu Hiền Lương chia cắt đôi bờ Bến Hải" của Võ Quang Yến đăng trên http://chimviet.free.fr/.../voquangyen/vyen_HienLuong_a.htm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét