Một quần thể điêu khắc có giá trị nghệ thuật vào bậc nhất trong lịch sử điêu khắc ở Việt Nam nhưng ít được biết đến nằm trong khuôn viên nhà thờ La Vang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
QUẦN THỂ TƯỢNG MÂN CÔI Ở THÁNH ĐỊA LA VANG
*Hà Vũ Trọng
...
...
Trải qua nhiều thăng trầm, La Vang nhiều lần phải tái thiết. Trong các cuộc tái thiết đó, quần thể tượng ở thánh địa này là công trình sáng tạo của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (còn gọi là Bernard Huệ, sinh năm 1936 ở Huế) cùng với sự cộng tác đắc lực của người học trò tài ba của ông là Mai Chửng. Khi ấy Lê Ngọc Huệ mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Montpeller (Pháp), đang là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, ông đã thổi một luồng gió mới của chủ nghĩa hiện đại vào điêu khắc Việt Nam.
Quần thể tượng được thực hiện từ năm 1961-1962, gồm 15 pho đặt trên bệ, chất liệu tổng hợp từ xi măng trắng, nằm dọc cân xứng hai bên đường lát đá và rải thảm cỏ từ cổng tam quan đi vào trong khuôn viên Công trường Mân côi...
...
Chủ đề 15 pho tượng của Lê Ngọc Huệ tương ứng với sự chiêm ngắm 15 mầu nhiệm Mân Côi gồm 5 sự vui, 5 sự thương và 5 sự mừng. Về mặt nghệ thuật, nhóm tượng La Vang lần đầu tiên mang phong cách hiện đại trừu tượng vào điêu khắc hiện đại Việt Nam, mà ở đây là sự kết hợp những khối hình học được tinh giản và cách điệu hoá, đạt tới mức vừa trừu tượng vừa cụ thể, cũng là trào lưu của nghệ thuật hiện đại phương Tây, vốn trở về việc tái tạo nghệ thuật nguyên thuỷ của các nền văn hoá. Tuy vậy, quần thể tượng vẫn chủ ý giữ tính tượng trưng và biểu hiện để gần gũi với quần chúng hơn.
Điều đáng kể ở đây, không chỉ có sự cách điệu hình khối, Lê Ngọc Huệ đã nỗ lực đem đường nét vào trong điêu khắc để tạo hiệu quả về bóng sáng tối giữa các mảng hoặc khối với tiết điệu đầy thi vị, vừa như phương tiện dẫn dắt thị giác tập trung vào ý nghĩa hàm súc trong từng pho tượng khi chiêm ngắm.
Xem kỹ quần thể tượng với 3 bộ thì thấy mỗi bộ về hình thể điêu khắc súc tích được cái ý tưởng cốt yếu của từng chủ đề. Ở bộ 5 sự vui điêu khắc chủ yếu dùng những đường nét cong đầy nữ tính, hình khối tròn mềm mại, hài hoà, khi vận dụng đường uốn lượn nhịp nhàng của cử động và y phục. Điều này phù hợp với những chủ đề giàu tình cảm như cảnh thiên thần truyền tin hoặc tình cảm giữa người nữ với nhau, việc sinh đẻ, tình mẹ con. Điêu khắc trong bộ 5 sự thương lại chủ yếu dùng những mẫu khối hình học lập thể táo bạo và mãnh liệt thích hợp để diễn tả nỗi khắc khoải và thống khổ vừa trong nội tâm và thể xác của Chúa trong cuộc khổ nạn. Còn với bộ 5 sự mừng, những đề tài hân hoan, thăng hoa và tôn vinh, thì hình khối điêu khắc hầu hết trở về với hình khối mang tính tượng trưng, với đường nét tròn đầy của nữ tính để diễn tả trạng thái viên mãn, nhất là với các bức thể hiện Đức Mẹ.
...
Tác phẩm của Lê Ngọc Huệ để lại tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng có những giá trị đóng góp lâu dài đối với nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam. Quần thể tượng là 15 đóa hồng mầu nhiệm chất chứa nhiều trạng thái cảm xúc từ bi tráng đến thăng hoa của con người, vượt cảnh giới thế tục qua sự cứu chuộc của tôn giáo và nghệ thuật, và nằm trong một không gian và thời gian kết tinh của tâm linh qua những thăng trầm của lịch sử.
Có lẽ không tình cờ khi Quảng Trị là nơi 21 năm phân cách hai miền Nam - Bắc với vĩ tuyến 17; nơi có dòng sông Thạch Hãn đẫm “mồ hôi của đá”; nơi trải qua nhiều tang thương của hơn 200 năm phân tranh Trịnh - Nguyễn, “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử”; nơi được mệnh danh là “con đường buồn thiu” trong chiến tranh 1946-1954; và cuối cùng là nơi gánh chịu điêu tàn nhất của thời 1960-1975, lại trở thành nơi kết tụ tinh hoa của những thăng hoa nghệ thuật.
Theo nhà Nghiên cứu HÀ VŨ TRỌNG
(Thể thao & Văn hoá cuối tuần)
*Tham khảo thêm trên nguồn https://www.lavang.com.vn/.../288-quan-the-tuong-o-lavang...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét