Vào đầu thời Gia Long, Thành cổ Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2 thị xã Quảng Trị)...
CỜ BAY, CỜ BAY OAI HÙNG TRÊN THÀNH PHỐ THÂN YÊU...
*Phạm Hoài Nhân
Có một ca khúc về Quảng Trị - cụ thể hơn nữa là về trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 - rất hay, rất hùng tráng mà hầu như bất cứ ai sống ở miền Nam thời điểm 1972 đều đã từng nghe và cảm xúc.
Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu.
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương.
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ca khúc này được sáng tác sau khi quân đội VNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị và là một ca khúc tâm lý chiến, được phát thường xuyên trên đài truyền hình cũng như đài truyền thanh Sài Gòn. Một ca khúc tuyệt hay, nhưng tất nhiên với nội dung như vậy sau ngày 30/4/1975 phải bị cấm phổ biến.
Một nghịch lý là sau 1975 các chiến binh của bên thắng cuộc biết bài hát này. Nó hay quá, hùng hồn quá và cũng tha thiết quá. Các anh ấy bèn cho rằng đây là một bài hát của bên mình. Thì cũng là chiến thắng Quảng Trị, cũng là cờ bay trên thành cổ, cũng là tiến về sông Bến Hải... Bên nào cũng đúng hết, vì cũng đều từng có tiến về sông Bến Hải (theo 2 hướng khác nhau), từng cắm cờ (lá cờ khác nhau) trên thành cổ...
Đến giờ vẫn có nhiều người phân vân không biết đây là bài hát của ai... Ngay cả tựa bài hát cũng không thống nhất: Cờ bay - cờ bay hay Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Tập nhạc Những bài ca Yêu nước và Chiến đấu do Cục Chính huấn, thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Quân đội VNCH có in bài hát này (cùng nhiều bài hát tuyên truyền thời điểm ấy). Dưới đây là bài hát với tựa đề Cờ ta bay trên Quảng Trị thân yêu, tác giả là Lê Kim Hoa, trong tập ca khúc ấy.
Bạn nào chưa biết bài này, muốn nghe xin cứ search trên Google hay YouTube (đặc biệt là các trang nhạc của Việt Nam, như nhaccuatui cũng có nữa!)
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét