Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

LỜI GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH " NGƯỜI BA-NA Ở KON TUM " * Andrew Hardy

 

3 tháng 11, 2019 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Sách được đánh giá là công trình dân tộc học nghiêm túc đầu tiên tiến hành theo một phương pháp rất hiện đại của người Việt và bằng tiếng Việt...
LỜI GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH " NGƯỜI BA-NA Ở KON TUM "
* Andrew Hardy
Vị Bác sĩ không chỉ chăm sóc sức khỏe mọi người mà còn hơn thế. Ông không ở bệnh viện mà thường xuyên đi lại, thăm nom các bệnh nhân ở những ngôi làng hẻo lánh xa xôi. Trong khi hỏi chuyện người bệnh, ông không chỉ hỏi về các triệu chứng mà còn muốn biết về cuộc sống hàng ngày của họ. Một vị Bác sĩ “duy hoạt động” với ý thức mang tầm xã hội: Điều này khiến chính quyền thực dân, sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930, coi ông là một phần tử nguy hiểm. Họ tìm ra một giải pháp độc đáo để giải quyết mối lo âu này: buộc ông đi lại nhiều hơn ông muốn. Vì vậy, mỗi năm – dưới “con mắt” của cơ quan an ninh Pháp – ông được chỉ định đi đến một tỉnh khác năm trước. Năm 1931, ông đi Ban Mê Thuột. Năm 1932, ông về Huế. Năm 1933, ông đi Kon Tum. Năm 1934, về Huế. Năm 1935, đi Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1937, đi Sông Cầu (Phú Yên). Năm 1938, lại về Huế. Năm 1939, lại phải đi Bến Giằng (QuảngNam). Sau vài tháng ở trên đó, ông bị căn bệnh sốt rét, nên trở về Huế và ở với gia đình một thời gian lâu hơn.
Nguyễn Kinh Chi (1899-1986), sau khi hoàn thành bậc phổ thông ở Huế và Phan Thiết tại trường tư Dục Thanh mà cha ông là Nguyễn Hiệt Chi, một nhà nho quê gốc Hà Tĩnh tham gia (2), đã theo học ngành y ở Hà Nội. Tốt nghiệp khóa học năm 1921, ông vào làm việc ở Quảng Bình trong 10 năm, ban đầu tại Bệnh viện huyện Bố Trạch, sau đó tới tỉnh lỵ Đồng Hới. Những chuyến đi lại trong tỉnh Quảng Bình đã mang về nguyên liệu cho ông viết những cuốn sách đầu tiên – hai tập sách ngắn hướng dẫn du lịch tỉnh Quảng Bình (3). Năm 1945, ông từ chối lời mời làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim, mà nhận lời làm Giám đốc Nha Y tế Trung Bộ sau Cách mạng Tháng Tám. Trong suốt những năm chiến tranh 1946-1954, ông đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến của Việt Minh, qua công việc của ông trong điều trị sốt rét bằng thuốc ký ninh. Ông đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong ngành y trước khi về nghỉ hưu năm 1965, từng là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 tới 1976.
Nguyễn Kinh Chi đã cống hiến đời mình cho xã hội Việt Nam và cho y học. Nhưng có lẽ đóng góp đặc biệt nhất cho sự phát triển xã hội Việt Nam– bởi một trong những trớ trêu của lịch sử – đã dẫn đến quyết định của Pháp đưa ông lên vùng Tây Nguyên. Cuốn sách Mọi Kontum này xuất bản ở Huế năm 1937, một công trình nghiên cứu dân tộc học về cư dân người Bahnar ở Kon Tum, chứa đựng một thông điệp xã hội hết sức sáng tỏ
.Chúng ta có thể tưởng tượng vị Bác sĩ, để chuẩn bị cho thời gian lưu trú ở Kon Tum, đang tìm hiểu về nơi ông vừa mới được chỉ định đến. Nếu ông kiếm được sách của nhà truyền giáo Pierre Dourisboure tại các thư viện ở thành phố Huế, hẳn là ông đã đọc chuyện về một Linh mục Việt Nam trẻ tuổi, thầy Nguyễn Do, cải trang như một lái buôn tìm đường lên cao nguyên (1848-1850) (4). Ông sẽ được đọc sự mô tả kỹ lưỡng về những cuộc định cư đầu tiên do Cha Do và các Cha người Pháp tiến hành, đặc biệt là ở Jo-Ri-Krong và Ro-Hai (Rehai), gần vị trí thành phố Kon Tum ngày nay (xem bản đồ). Vì đoạn trích dưới đây về việc thành lập Jo-Ri-Krong (1866) cho thấy, ông đã hiểu những thách thức mà người Việt, người Pháp và người Bahnar đầu tiên phải đối mặt khi họ xây dựng cuộc sống mới tại vùng xung quanh thung lũng sông Bla.
...
...
Khi ông vạch kế hoạch cho hành trình của mình lên cao nguyên, cũng có khả năng vị Bác sĩ đã liếc qua cuốn sách hướng dẫn du lịch cơ bản – cuốn Guide Madrolle nổi tiếng. Trong đó, đoạn miêu tả chi tiết về chặng đường từ đồng bằng Quy Nhơn qua đèo Mang Yang chắc chắn đã khiến ông chú ý: Đây chính là con đường ông sẽ theo để lên Kon Tum làm việc tại bệnh viện.
...
...
Nguyễn Kinh Chi đến Kontum ngày 25 tháng 7 năm 1933. Là một viên chức nhà nước, chắc ông đi bằng ô tô. Chuyến đi vào mùa mưa, khả năng phải có một đêm nghỉ dọc đường. Về việc Nguyễn Kinh Chi đọc tài liệu, nếu chúng ta thấy nhiều tác phẩm được nêu trong phần Thư mục tham khảo của Mọi Kontum, thì chúng ta không thể biết ông đọc các tài liệu ấy trước hay sau khi đến Kontum. Tuy nhiên có một tài liệu chắc chắn ông chưa đọc. Đó là lá thư riêng của Công sứ tỉnh Kontum viết cho Claudius Madrolle, tác giả của cuốn sách hướng dẫn du lịch. Viên Công sứ giải đáp những câu hỏi của tác giả về địa lý, kinh tế, dân số của tỉnh, trước khi kết thúc bằng nhận xét sau đây:
Tỉnh Kontum là một vùng đất của tương lai. Ở đây có những cao nguyên mênh mông đất đỏ rất phì nhiêu của vùng Plei Ku, tạo thành một hình vuông mỗi cạnh khoảng 100 km, hoàn toàn thích hợp với trồng cà phê và có lẽ cả trồng bông.
Dù sao tôi cũng thông báo rằng một số vùng bất ổn, theo quyết định của chính quyền cấp trên, hoàn toàn ngăn cấm không cho người ngoài chính quyền vào, chỉ có các công chức chịu trách nhiệm cai trị mới được lui tới (11).
Nguyễn Kinh Chi đã không biết đến bức thư này, tuy thế bức thư diễn đạt hai ý mà ông hẳn đã chia sẻ khi chuẩn bị cho chuyến ở lại tỉnh Kontum. Một mặt, Kontum là trung tâm đô thị đang phát triển với quá khứ thú vị và tương lai hứa hẹn. Mặt khác, nó cũng là quê hương của các tộc người Thượng, những cư dân mà người đồng bằng biết đến thì ít, sợ hãi thì nhiều. Điều này phần nào giải thích tại sao vị Bác sĩ quyết định không ở lại một mình. Ông đã rủ người em trai lên Kontum với mình.
Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) học ở Đồng Hới và Vinh; sau khi thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau – như y học cổ truyền, nghề thủ công – ông đã quyết định trở thành một nhà văn. Đi theo các phong trào cách mạng trong những năm 1930, năm 1945 ông tham gia cuộc giành chính quyền của Việt Minh ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; hoạt động ở Liên khu IV và khu vực Bắc miền Trung Việt Nam trong những năm chiến tranh từ 1946 đến 1954. Năm 1955, ông tham gia Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ở đó ông làm việc tại Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Văn hóa Dân gian (nay là Viện nghiên cứu Văn hóa). Là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, và có nhiều ảnh hưởng đối với các ngành khoa học nhân văn, ông đã xuất bản những công trình về lịch sử, lịch sử văn học, nghiên cứu Hán Nôm và dân tộc học (12). Ông là người sớm thực hiện công việc mà nay chúng ta gọi là nghiên cứu đa ngành. Tuy nhiên vào năm 1933, sự nghiệp khoa học của ông vẫn còn ở phía trước. Khi lên Kontum với anh trai, ông mới chỉ 18 tuổi.
Ý tưởng cho cuốn sách là của Kinh Chi, nhưng sự tham gia của Đổng Chi hết sức quan trọng....
...
...
Ở Kontum, niềm hứng thú nghiên cứu dân tộc học về người Bahnar không chỉ riêng hai anh em Kinh Chi, Đổng Chi mới có. Hội Truyền giáo từ lâu đã tiến hành công việc này: năm 1833, Cha Combes viết công trình nghiên cứu dân tộc học tổng quát đầu tiên về người Bahnar, tiếp theo là những nghiên cứu của các nhà truyền giáo sau này, đáng chú ý có Cha Guerlach và Cha Kemlin (15). Vào thời gian mà hai em Kinh Chi, Đổng Chi đến, Cha Alberty đang tiếp tục truyền thống này: ông dạy tiếng Bahnar cho Paul Guilleminet, Công sứ mới của tỉnh Kon Tum. Guilleminet đã viết một công trình về văn minh người Việt ở Quảng Ngãi (1926), bài đầu tiên về người Bahnar của ông xuất hiện năm 1938, sau cuốn Mọi Kontum một năm, và các tác phẩm chính của ông xuất bản vào những năm 1950 có một cuốn từ điển và một cuốn về luật tục (16).
Khi Đổng Chi và Kinh Chi đến Kontum, viên Công sứ vừa mới nhận nhiệm vụ ở đây (1932). Với công việc nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, ông hẳn đã rất vui mừng chào đón anh em Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi đến với ‘cộng đồng những người làm dân tộc học’ ở cái thị xã này. Guilleminet đã cho hai anh em lời khuyên và để họ tiếp cận với những tài liệu lưu trữ của tỉnh: Bài tựa của ông cho cuốn Mọi Kontum bày tỏ một sự ủng hộ rõ ràng đối với các giá trị và mục tiêu mà Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đề ra cho dự án. Sự ủng hộ này có lẽ đã nới lỏng mối quan tâm của cơ quan an ninh Pháp đối với các hoạt động của Nguyễn Kinh Chi, mặc dù nhân viên của cơ quan này chắc vẫn lo lắng về những chuyến viếng thăm nhà tù của vị Bác sĩ hơn là sự quan tâm ông dành cho người Bahnar.
Hai anh em cũng nhận được giúp đỡ của Hội Truyền giáo. Trong lời cảm tạ của tập sách, các tác giả có nhắc tên ba Cha đạo, trong số họ hai là người Việt, một là người Bahnar (17). Liệu những cuộc nói chuyện với các vị Linh mục có thể giải thích hai tác giả đã coi trọng việc nghiên cứu tín ngưỡng và tập quán tôn giáo của người Bahnar thế nào? Chúng ta không có cách gì để biết. Đóng góp này đối với sự hiểu biết của chúng ta về tín ngưỡng của người Bahnar càng có giá trị hơn bởi, ngoài chính các nhà truyền giáo, rất ít nhà dân tộc học đầu thế kỷ XX quan tâm nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này của người Thượng; và như nhiều già làng ở Kontum kể với tôi năm 2004 – rất nhiều tín ngưỡng, tập quán và các lễ nghi được miêu tả trong Mọi Kontum ngày nay đã bị quên lãng trên vùng cao nguyên này (18).
Kết quả công việc của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi là một sản phẩm khoa học có chất lượng cao nhất. Kinh Chi là một Bác sĩ và Đổng Chi chưa đầy 20 tuổi, nhưng cuốn sách của họ là dân tộc học thực sự, được nghiên cứu và viết ra bằng phương pháp khoa học và với tinh thần phê phán. Kinh Chi đã đọc những nghiên cứu trước đó về người Thượng. Việc sắp xếp nội dung trong Mọi Kontum không khỏi khiến người ta so sánh nó với lối tiếp cận tổng thể và theo chủ đề của Combes; nhưng ở đây, các tác giả đã đẩy lên một mức độ tinh tế cao hơn hẳn. Cấu trúc cuốn sách trái ngược với lối viết kiểu bút ký của Dourisboure và Guerlach; trái với các hình thức phân loại tộc người và dân tộc học lịch sử được Maitre chọn lựa; trái với những nghiên cứu có tính chuyên sâu mà Kemlin công bố. Trong khi chúng ta cho rằng rất nhiều những phân tích là của Kinh Chi, thì cũng có thể nhận thấy rõ đóng góp của Đổng Chi; tuy thế trong Bài tựa mà Guilleminet viết cho cuốn sách, tên Nguyễn Đổng Chi không được nhắc đến, và thực sự chỉ có thể giải thích điều này rằng viên Công sứ không coi trọng người trẻ tuổi.
Sưu tầm tư liệu chắc chắn rất vui, nhưng bản thân cuốn sách không phải viết ra để vui. Mọi Kontum không phải là một cuốn sách hướng dẫn du lịch, cũng không phải là một tác phẩm văn chương mang yếu tố ngoại lai về người Thượng và sự khác biệt của họ (exotisme), càng không phải một tập bút ký đi đường – thể loại ưa chuộng trong giới thành thị ở Việt Nam từ những thập kỷ 1920. Trong bất cứ trường hợp nào, lối “chơi” của cuốn sách có mục đích rõ ràng: cải thiện sự hiểu biết của người Việt về văn minh Bahnar và đặt nền móng cho mối quan hệ hài hòa giữa hai dân tộc. Cuốn sách là một công trình diễn giải văn hóa, hoàn toàn phù hợp với những giá trị xã hội của vị Bác sĩ “duy hoạt động”.
Mục đích này nổi bật lên ở hầu hết mọi trang sách. Hai tác giả đã sử dụng những câu tục ngữ của người Việt để làm sáng rõ sự tương đồng trong tín ngưỡng của người Bahnar cũng như người Việt. Những nghi lễ của người Bahnar được giải thích bằng cách đối chiếu với những lễ nghi tương ứng của người Việt: ví dụ, cả hai dân tộc đều tổ chức lễ mừng một đứa trẻ chào đời và cũng có những nghi thức nghiêm ngặt khi một đứa trẻ qua đời [MKT, tr. 101-102]. Các tác giả đã chỉ ra những cơ cấu xã hội song song: Trong cả hai nhóm dân tộc, đàn ông giàu có được quyền lấy vợ hai [MKT, tr. 107]. Họ cũng chỉnh lại những nhận thức sai lầm, khẳng định người Bahnar “ăn ở nhất định chớ không rày đây mai đó như các dân du mục” [MKT, tr. 69]. Sự tương đồng được các tác giả nêu bật lên: “Cái lối tình cảm huyền bí ấy không riêng chi người cổ sơ, mà đến người văn minh cũng có một cái tâm lý tương tợ như vậy. Chẳng nói chi xa như người mình đây, khi nghe một người ngoại nào hà hiếp một kẻ đồng bang – dầu là người cả đời không quen biết – thời mình tức giận, có khi đem lòng oán hận hết cả người nước ấy” [MKT, tr. 71] (19. Các tác giả đưa ra những so sánh với quá khứ: Họ cho chúng ta biết rằng ngày xưa người Việt cũng đã từng như người Bahnar, chỉ dùng một cái tên để phân biệt, trước khi học cách đặt họ theo người Trung Quốc [MKT, tr. 81]. Đồng thời, các tác giả cũng tìm cách tránh hai cái bẫy: họ không bao giờ đưa ra giả thuyết rằng người Bahnar là người Việt nguyên thủy (proto-Việt), và họ không bao giờ khẳng định những sự tương đồng vô căn cứ. Trên tất cả, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi muốn phủ định quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng Bahnar là một dân tộc mọi rợ.
...
...
Bản in Mọi Kontum năm 1937 giờ trở nên cực kỳ hiếm, khó mà tìm được ngay cả trong các thư viện lớn của Việt Nam. Việc tái bản toàn bộ tác phẩm cho phép người đọc thưởng thức hai giá trị quan trọng của cuốn sách gắn liền với lịch sử. Giá trị thứ nhất là cuốn sách chứa đựng một kho tri thức về lịch sử tỉnh Kon Tum và văn hóa người Bahnar. Thứ hai là sự đóng góp lớn của cuốn sách cho sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam: Mọi Kontum, xét đến cùng, là công trình đầu tiên của ngành dân tộc học được viết bằng tiếng Việt.
...
...
ANDREW HARDY
(Trích đoạn trong "Lời giới thiệu cuốn sách Người Ba-na ở Kon Tum" của Andrew Hardy - Viện Viễn Đông bác cổ Pháp Tại Hà Nội- đăng trên http://www.nhuygialai.com/.../gioi-thieu-cuon-sach-nguoi...)
Lo Lem, San Lê Thị và 55 người khác
12 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

12 bình luận

  • Lo Lem
    Ô một nhà rông truyền thống
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Lo Lem
    Tôi rất ngưỡng mộ, cuốn sách được soạn thảo rất kỹ lưỡng và công phu phải không Xt.
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Ly Trinh
    Lại thêm tư liệu quý a. Thượng Xứ ha
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 1 năm
    • Xứ Thượng
      Thanks e. đã khích lệ tinh thần cho a.
      Nhãn dán Thích Love, hand holding flowers
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 năm
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 1 năm
    • Lo Lem
      Thấy Xt vắng trên sóng, tưởng Xt bị ốm, có ốm, có bệnh nhưng đừng :
      Mai xin giã biệt cõi đời.
      Thơ hồng chợt ốm, môi cười héo hon.
      1
      • Haha
      • Phản hồi
      • 1 năm
    • Xứ Thượng
      Lo Lem Vừa rồi bị Facebook phạt vì em đưa hình cô bé Bahnar để ngực trần. Cấm 24 tiếng comment hay đăng bài...
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 năm
    • Lo Lem
      Hèn chi ,vì tôi cũng bị bệnh mấy hôm nên chợt nghĩ thế
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 năm
    • Xứ Thượng
      Lo Lem Chị đã khỏe chưa ạ? Chị nhớ bảo trọng nha!
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 năm
    • Lo Lem
      Cảm ơn nhé ,tôi đõ rồi
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét