Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

ĐÈN DẦU XƯA ẤY

“Đèn hết dầu đèn cháy tới tim.
Một ngày gá nghĩa cũng niềm phu thê” – Ca dao.
ĐÈN DẦU XƯA ẤY
Có những đêm hai chị em phải học khuya vì bài nhiều và khó, bố mẹ đã chuẩn bị sẵn đến ba cây đèn dầu. Một đèn lớn khá sáng vốn chỉ dùng cho lúc ăn cơm hoặc sinh hoạt chung cả nhà khi mất điện, mà điện thì chập chờn và bị cắt liên miên. Đèn lớn đặt chính giữa hai chị em để cùng học bài, hai cây đèn nhỏ một chiếc bổ sung ngay trước tập vở của tôi để tăng cường sáng, một chiếc nhỏ hơn nữa đặt ở cửa nhà vệ sinh phòng khi tôi chạy ra chạy vào khỏi va vấp.
Cả tuổi thơ và thời niên thiếu của tôi gắn bó với những cây đèn dầu, mùa hạ cũng như mùa đông, trong nhà lúc nào cũng phòng sẵn vài chiếc đèn các loại kèm một thùng đựng dầu hỏa to tướng để dưới bếp...
Đèn dầu đã từng là thiết bị chiếu sáng phổ biến nhất trên thế giới cho tới khi loài người phát minh ra điện. Những chiếc đèn dầu xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 khi hãng dầu Shell của Mỹ mang dầu lửa sang chào bán ở Việt Nam. Thời đó, người dân Việt vẫn dùng dầu lạc để thắp sáng mà chưa biết đến dầu hỏa. Để tiếp thị, hãng Shell phát không đèn cho từng gia đình kèm với một bình dầu nhỏ đủ thắp trong vài ngày, bằng cách đó hãng Shell đã dần thâm nhập và bán được không chỉ dầu hoả, mà còn cả đèn dầu với đủ loại kích cỡ và mẫu mã đa dạng, một thời gian sau người dân tự đặt tên cho loại đèn này, là đèn "Hoa Kỳ".
...
Ngày nay, ngoại trừ các vùng sâu vùng xa chưa có lưới điện quốc gia, đèn dầu không còn là loại phương tiện chiếu sáng thông dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đèn dầu vẫn còn được đặt trên bàn thờ ở các gia đình hoặc đình chùa để "giữ lửa" và để lấy lửa thắp hương trong các kì cúng lễ hay giỗ chạp. ...
(Trích theo "Những cây đèn xưa ấy" của Nhật Giang đăng trênhttp://cstc.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/)
***
Đèn dầu thường được làm bằng thủy tinh, dưới có bầu đế to chứa dầu bên trong, phía trên có kim vặn bấc đèn - đó là những sợi chỉ bông được túm lại với nhau, to cỡ bằng đầu chiếc đũa con. Bấc đèn có tác dụng trung chuyển dầu từ bầu đèn lên đỉnh bấc tạo lửa. Ngoài ra, chiếc đèn dầu không thể thiếu chiếc tăm phong, đó là chiếc ống thủy tinh hình bầu, thổi mỏng như chiếc bóng điện, thủng hai đầu, dùng để chụp xuống đài của chiếc đèn, và nó có tác dụng che chắn gió cho đèn không bị tắt.
Nhà tôi thường ăn cơm buổi tối khá muộn, khoảng 7 đến 8 giờ nên ánh sáng của chiếc đèn dầu là không thể thiếu được, dẫu trong mâm cơm của những ngày nghèo đói ấy đâu có nhiều món ăn để gắp đâu. Bao giờ cũng vậy, khi trời bắt đầu nhá nhem tối là mẹ thường sai các con xem đèn còn dầu hay hết, nếu hết thì phải rót dầu vào cho đầy. Tôi thường được phân công nhiệm vụ kiểm tra và rót dầu vào đèn. Công việc sửa soạn đèn dầu cho một buổi tối không hẳn chỉ là rót dầu, mà còn phải khều bấc, còn phải lau tăm phong cho sáng, bởi qua mỗi đêm thắp sáng, những chiếc tăm phong che chắn gió thường bị mờ đi vì bị ám khói.
Ngày ấy, vì nhà nào cũng nghèo khó, nên không dư giả dầu hỏa để thắp sáng, vì vậy mà nhà ai cũng dùng một cách rất tiết kiệm, chỉ khi thực sự cần thiết mới thắp đèn, như chuyện ăn cơm, chuyện con cái học hành... không đừng được, chứ còn khi đi ngủ là đèn đầu được thổi tắt luôn...
...
(Trích đoạn "Đèn dầu thuở ấy" của Trịnh Hiệp đăng trênhttp://baotintuc.vn/sang-tac/den-dau-thuo-ay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét