Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Ghế K’pan – niềm tự hào của người Êđê...

Ghế K’pan – niềm tự hào của người Êđê...
TRUYỀN THUYẾT K'PAN
Theo truyền thuyết của người Ê đê, K'pan nghĩa là “Con rết”. Chỉ những gia đình giàu có về vật chất, nhiều trâu, heo, gà, gạo thóc, nhân lực và là gia đình có uy tín mới được làm K'pan.
Khi chủ nhà quyết định làm K'pan, trước tiên gia đình đó phải được hội đồng của buôn làng do già làng chủ trì đồng ý. Khi đã được đồng ý, chủ nhà vào rừng chọn một cây gỗ lớn, khỏe, hội tụ đủ các yếu tố: Thân cây nhẵn, thẳng, không có dây leo, cây không bị mối mọt. Sau đó gia chủ làm lễ xin phép thần rừng, thần cây để được làm K'pan.
Lễ cúng thần rừng, thần cây gồm: Gà, lợn và một cái rìu. Sau khi làm lễ xong, gia chủ sẽ phóng cái rìu vào thân cây đó, sau đó đi về. Ba ngày sau quay lại, nếu cái rìu vẫn dính trên thân cây có nghĩa là thần rừng đồng ý chấp nhận cho hạ cây gỗ xuống, còn nếu cái rìu bị rơi khỏi thần cây coi như thần rừng không chấp nhận và gia chủ phải đi tìm cây khác.
Sau khi được phép của già làng, của thần rừng, gia chủ huy động toàn bộ dân làng chuẩn bị hạ cây. Ngày đầu tiên của năm mới, gia chủ làm lễ hạ cây. Tham gia vào việc đốn gỗ là những trai tráng trong buôn làng dùng rìu đốn cây, phụ nữ thì tham gia nấu cơm, hái rau rừng làm thực phẩm, chế biến món ăn… Truyền thống của người Ê đê là chỉ dùng những vật dụng thông thường như rìu, rựa để đốn gỗ. Ngày đầu tiên của năm đầu tiên đó, trai tráng sẽ hạ cây gỗ xuống, chặt bỏ cành lá, bóc vỏ… và họ ăn thịt hết một con trâu, vài chục lít rượu. Sau đó họ chia tay nhau, ai về nhà ấy để lo việc đồng áng, ruộng nương.
Một năm sau, họ quay trở lại khu rừng tiếp tục đẽo, đục một cách kỹ lưỡng, thong thả. Chính sự chậm rãi như vậy nên từ một thân cây to lớn, sau một năm gỗ khô dần, trai tráng tiếp tục đẽo, gọt làm K'pan. Đó cũng là lý do mà K'pan không bị biến dạng không cong vênh, không nứt vỡ.
Ngày trọng đại, gia chủ rước K'pan từ rừng về nhà. 50 chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, mặc khố đỏ mới, mình trần kề vai rước K'pan. Mỗi bên có 25 người, đi trước là đoàn rước có cờ hoa, chiêng trống, đi sau là những đôi chân trần khiêng K'pan. Đoàn rước vượt qua bao suối sâu, đèo cao, bất chợt gặp những cơn gió thổi mạnh khiến những chiếc tạp dề và khố của các chàng trai bay phấp phới. Từ xa, nhìn hình ảnh đoàn người rước K'pan như một con rết khổng lồ đang bò từ rừng về nhà.
Khi K'pan được rước về nhà, gia chủ tiếp tục mổ trâu, lợn, gà ăn mừng ba ngày, ba đêm.Đồng bào Ê đê thường nói vui: “Ôi cái K'pan này nó ăn nhiều trâu lắm ấy”. Bởi mỗi năm, các trai tráng trong buôn làm K'pan sẽ ăn hết một con trâu. Tùy theo việc làm K'pan đó bao nhiêu năm thì bấy nhiêu con trâu bị giết để làm thực phẩm. Nếu làm 'Kpan trong rừng 5 năm thì sẽ thịt 5 con trâu, khi K'pan được rước về nhà gia chủ tiếp tục tổ chức sinh nhật cho K'pan 5 năm tiếp theo tại nhà. Năm cuối cùng làm lễ cho K'pan trưởng thành, chủ nhà sẽ đổ ché rượu lên K'pan coi như công nhận K'pan đã trưởng thành và từ đó trở đi không cúng nữa. K'pan lúc này trở thành vật thiêng, vật quí, gần gũi trong gia đình.
Khách vào nhà, những bậc trưởng buôn, người cao niên có uy tín mới được mời lên ngồi K'pan. Đặc biệt, người Ê đê theo chế độ mẫu hệ nhưng phụ nữ không được ngồi lên K'pan. Nếu khách tới không hiểu mà tự ý ngồi lên K'pan sẽ bị gia chủ phạt vạ, đồ phạt có thể là con gà, con heo hay ché rượu…
Trên đất Tây Nguyên, ngoài đồng bào Êđê còn có dân tộc M'nông cũng dùng K'pan và nó rất hợp với nhà dài truyền thống.
(Trích theo "Truyền thuyết K'pan" của Viết Tôn đăng trênhttp://baotintuc.vn/dan-toc/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét