Xứ Thượng...
BÓNG ĐỔ MẪU HỆ
*Bài ký của nhà văn Nguyễn Hàng Tình
Là vai trò tồn tại của bất cứ ai, là biểu tượng, linh hồn “chủ chốt”, là hiện thân của sự tần tảo và mạnh mẽ, kiên cường, bền tâm, trước thiên nhiên màu nhiệm cũng như cuộc sống sinh giản dị hàng ngày. Phụ nữ/Người Mẹ/ Chế độ “Mẫu hệ” là một. Đó là trụ chống, mạch dẫn trong từng nóc nhà, ở từng làng, bon, plei, buôn, phận người. Có thể “thiếu Cha” nhưng không thể “thiếu Mẹ”, vì Người mẹ là vai trò của tạo hóa, chi phối từng sinh linh buổi ấu đến về già, là tồn tại của gia đình, và cộng đồng cư dân, xã hội. Từ xa xưa đã thế mà cho đến giờ vẫn “vận hành” êm ái vậy.
*
Lạc thời chăng ? Hay có lý lẽ riêng để nó mặc nhiên trường tồn ? Kỳ diệu là đang ở thế kỷ 21 rồi, nó vẫn bền bỉ tự tin. “Mẫu hệ” không hề mất đi, không hề nhường ngôi, không hề “bị cướp”, như những gì sâu kín nhất của sắc dân trên cao này. Tại sao người ta vẫn cứ Mẫu hệ ? Nay người bản địa nghèo còn không ít, nhưng người hay những làng bon giàu có thiếu gì. Ấy vậy mà dù có ở nhà xây, đi xe hơi, rẫy vườn rộng lớn, cà phê đề huề, nhạc poprock tưng bừng đến làng buôn vẫn cứ Mẫu hệ.
Nam Thanh niên chơi tóc vàng kiểu Hàn Quốc, nữ Thanh niên chơi dày cao gót kiểu Kinh và son phấn kiểu Anh thì vẫn cứ … Mẫu hệ. Và tại sao họ xài máy giặt Sanyo, liên lạc với những bạn hữu ở các sắc dân“Phụ hệ” bằng máy tính hiệu Apple kết nối Internet, đi về Sài Gòn bằng máy bay Boeing, xem giải bóng đá Ngoại hạng Anh hay theo dõi bầu cứ Tổng thống Mỹ bằng tivi Samsung màn hình phẳng vẫn cứ… Mẫu hệ ở nhà.
Luật pháp cho tự do lựa chọn họ Cha hoặc Mẹ thì vẫn cứ chọn họ Mẹ, cho con. Tại sao những người tôi quen như những vị tiến sĩ ở Viện khoa học Nông lâm nghiệp Ea K’mak, mấy vị giáo sư ở Đại học Tây Nguyên, những bác sĩ trong ngành Y khoa ở Dak Lak, Gia Lai, mấy tướng tá người bản địa trong Quân đội Nhân dân, mấy ngài đại biểu Quốc hội người Jrai, Ê Đê, K’ho của tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, và cả những bạn của tôi hoạt động vực nghệ thuật nào Krajan Dick, Y Phôn, Cill Trinh, Yzak … vẫn mang họ mẹ. Trí tuệ cả đấy, hiểu biết sâu rộng cả đấy, tâm thế hội nhập cao đấy, thậm chí có quyền uy và ảnh hưởng trong xã hội, nhưng sao họ không lựa chọn “quyền của Cha”, họ Cha.
Điều kỳ diệu gì khiến đàn ông trong mỗi nóc nhà, dòng tộc, sắc dân đó chẳng bao giờ đi “đòi” Phụ hệ (!?). Sống nhiều trong các làng buôn, lắng giữa văn hóa và tâm hồn họ, nhận ra chính người Phụ nữ cũng chẳng hề muốn “ôm”, hay để ý việc “giữ” Mẫu hệ đâu. Chuyện “vai trò” Nam Nữ thực ra nhẹ tênh, cứ như ráp vào vậy thôi, người nào cũng được, giữ họ cho con, nhưng thường là phụ nữ, vì xưa nay “chạy” thế, rất ổn rồi. Tất cả nó cứ tự nhiên chảy, tự nhiên tồn tại.
Tự sự tồn tại vững chãi chế độ “Mẫu hệ” ở Tây Nguyên, mới thấy “Phụ hệ” chưa chắc còn là lập luận hợp lý khi đề cập cho quá trình “phát triển” của con người từ xã hội bộ lạc hay Công xã nguyên thủy vỡ ra, tiến lên tất yếu, từ mẫu hệ… Dùng duy lý để giải phẫu sự phân công lao động hay vai trò nam-nữ trong nhà, dòng họ, cộng đồng là mấu chốt để “nắm quyền” trong căn nhà, và vv… ấy, không hẳn là khoa học, phổ quát, hay là chân lý duy nhất. Mọi thứ khoa học, công nghệ, nhận thức phát triển họ đều đồng hành, trang bị vào từ tay chân đến đầu óc, nhưng sao họ không khước từ hay đoạn tuyệt “Mẫu hệ”? Liệu cái tính giản dị, tự nhiên nhất, là ước lệ trong sự cử “đại diện” giữa cha và mẹ cho việc ghép một cái họ vào cái tên của đứa con cho đủ đầy đầu đuôi, nguồn gốc, là thuận theo tự nhiên, là văn minh siêu hạng hơn không. Bằng chứng là cũng chẳng mấy khi thấy người ta phải đặt nặng vào việc một đứa con sinh ra phải mang họ ai giữa hai ta, và thực tế các cơ quan hữu trách của chính quyền cũng không vất vả với việc tranh chấp “họ”giữa bố hoặc mẹ ở một đứa con, công dân. “Phụ hệ” chưa chắc là con đường đúng, nhận thức văn minh thấu triệt nhất.
Từ sự tồn tại hợp lý và nhẹ nhàng đó, mới thấy chẳng phải dùng hành chính, hay khoa học cho việc “ họ cha”, hay “họ mẹ”, vấn đề là chung sống có hòa thuận, hạnh phúc, tiền bạc rủng rẻng trong ngân hàng, bệnh tật thì thong thả vung tiền chăm trị, phát triển, văn minh, hội nhập được, và trên hết là yêu thương nhau thật sự hay không, ăn đời ở kiếp với nhau không thôi. Lấy họ cha mà suốt ngày cãi cọ, lấy họ cha mà liên tục ly hôn và thay vợ, lấy họ cha mà bỏ bê con cái, lấy họ cha mà ăn chơi nát tương nhân phẩm, lấy họ cha mà sống với thế gian giả trá, ác hiểm, lấy họ cha mà không hề có xúc cảm với làng mạc, quê xứ, phố phường của mình… thì “ Phụ hệ” là cái quái quỉ giá trị gì! Đôi khi, ta phải nghiên mình trước nhận thức sống thuận theo tự nhiên, giản dị, tầm nhìn dài hơn của trời đất mà người trong cõi người chỉ là một sinh vật trong muôn loài. Chưa chắc Phụ hệ làm con người sống tốt với nhau và chan hòa với thiên nhiên.
Bạn mẫu hệ, nên khi muốn tìm đất canh tác bạn không hạ xóa nguyên một cánh rừng, vì trong máu bạn rừng là Mẹ xứ. Bạn mẫu hệ nên khi giận ai bạn dùng hòa giải làm giải pháp xử thế chính yếu, hàng đầu. Bạn mẫu hệ nên khi hận ai đến mấy bạn cũng không thể dùng mã tấu để chặt đôi con người. Bạn mẫu hệ nên bạn cũng không nói “không” thành “có” và không nói “có” thành”không”. Bạn Mẫu hệ nên bạn biết trộm cắp là điều làng ghê tởm nhất. Bạn mẫu hệ nên bạn biết suối là đầu nguồn nước(Mẹ), nên người đầu suối không thể thả ô ế ra suối, vì dưới kia còn những người đồng loài_Bạn còn cúng cả bến nước. Bạn mẫu hệ nên khi bạn ra đời người ta “thổi linh hồn” vào bạn để bạn nhớ mình là Con người, khác với con vật, mà là con người thì không được phản lại con người và thiên nhiên. Bạn mẫu hệ nên cà phê thu về, hay chiếc xe máy Honda sắm được là của cả nhà chứ không phải của riêng người mẹ, hay người chồng, đứa con. Bạn mẫu hệ nên người đàn ông bạn xem là chồng có thể sang nhà bạn ở mà không nề hà xấu hổ. Bạn mẫu hệ nên bạn phải có trách nhiệm với chồng và chồng phải có trách nhiệm với bạn sòng phẳng. Bạn mẫu hệ nên lên xe buýt đi từ Chưse đến Pleiku, hay từ Madagouil lên Bảo Lộc bạn có thể nhường ghế cho người đàn ông sức khỏe không ổn ngồi mà không để ý đến “phái yếu” “phái mạnh”, giáo điều “nữ nhi”- “nam tử”, “phu”- “thiếp”, Quân- Sư -Phụ, hay “ tại gia tòng phụ, xuất giá tong phu, phu tử tòng tử”...
Chẳng cơ quan pháp luật nào từng bắt bạn trộn cà phê với bắp để bán. Họ cũng chẳng thấy bạn gian lận cái cân trong lúc cân con lợn hơi. Chẳng ai từng than phiền bạn đưa bao bắp mối mọt ra bán mà bảo là bắp thơm. Chẳng thương lái nào thấy bạn bán một trái bí đao mà đòi tính tiền hai trái…. Bạn trung thực đến rốt ráo, luôn uy tín và trọng danh dự. Tôi đây phụ hệ nhưng chế biến thực phẩm để bán cho người tôi pha thêm hóa chất để tăng lời; Tôi đây phụ hệ nhưng giao làm đường giao thông cho quốc gia tôi ăn bớt nhựa đường và sắt thép; Tôi đây phụ hệ nhưng đi học tôi gạ tình lấy điểm; Tôi đây phụ hệ nhưng làm quan tôi “chạy chức”; Tôi đây phụ hệ nhưng tôi cứ bám vào hội sở mà giữ cục lương tháng dù nó hoạt động chính trực hay mù tối; Tôi đây phụ hệ nhưng không bao giờ tôi sống… như Người; Tôi đây phụ hệ nhưng “nói thật” là thứ gì đó rất “xa xỉ” với tôi… Vậy thì “Phụ hệ” nó đưa con người đi đến Văn minh gì vậy !?
Mẫu hệ nay cho dù vương vấn những nhược điểm nhỏ từ dạo ban sơ, nhưng sao mấu chốt nó lại có thể hướng đến những giá trị lớn, lâu dài, cốt lõi, phổ quát nhất của trời đất, con người. Mẫu hệ, tự thân nó nhân hậu, công bằng, bình đẳng đến kỳ diệu. Tưởng nó “khó hiểu”, là cổ xưa, nhưng vỗ mặt vào nhau đi, sẽ thấy “phụ hệ” mới là cõi khó hiểu, và phức tạp.
***
(Trích phần BÓNG ĐỔ MẪU HỆ trong bài ký "Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng" của Nguyễn Hàng Tình đăng trênhttp://www.vanchuongviet.org/)
(Trích phần BÓNG ĐỔ MẪU HỆ trong bài ký "Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng" của Nguyễn Hàng Tình đăng trênhttp://www.vanchuongviet.org/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét