Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Xứ Thượng xa vắng... TIẾNG CHÀY GIÃ GẠO

Xứ Thượng xa vắng...
TIẾNG CHÀY GIÃ GẠO
Tiếng chày giã gạo là nhịp điệu, âm thanh quen thuộc của mỗi buôn làng thể hiện cuộc sống ấm no, dư dật, niềm vui được mùa. Chày cối là dụng cụ gần gũi với người phụ nữ. Giã gạo là công việc có từ lâu đời của các cư dân nông nghiệp khi con người biết trồng lúa...
Ở núi rừng Trường Sơn, đồng bào giã gạo bằng cối gỗ. Nhà nào cũng có cối, chày giã gạo đặt trước sân hoặc mái hiên. Nếu là cư dân ở nhà sàn như người Êđê, Gia Rai, Ba Na... thì cối gạo đặt ở sàn hiên trước hoặc sau nhà. Mỗi sáng sớm, người phụ nữ thường thức dậy sớm để nấu cơm, nấu nước chuẩn bị đi rẫy và sau đó người ta tranh thủ giã gạo. Nhà đông, có nhiều lao động, nhất là con gái lớn, thường giúp mẹ giã gạo, từ đó sinh ra nhịp chày đôi, chày ba…
(Trích đoạn "Nhịp điệu hàng ngày" của Tấn Vịnh đăng trênhttp://www.baoquangnam.vn/)
***
Trước đây, trên khắp buôn làng Tây Nguyên, khi con gà rừng cất tiếng gáy te te cũng là lúc các cô gái trẻ thức dậy, người đi xuống suối gùi nước, người bỏ thóc lúa vào cối giã. Tiếng giã gạo đã ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức của bao thế hệ người Ba Na, Xê Đăng, Jơ Rai… Tại làng Kontrang Longloi, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), ông A Thăk bồi hồi nhớ lại: “Tiếng chày giã gạo vào mỗi buổi sáng tinh mơ của bao thế hệ người Rơ Ngao của mình bây giờ đã đi vào dĩ vãng mất rồi. Cuộc sống nay đổi khác, từ nay và mãi mãi về sau các thế hệ con cháu ở buôn làng sẽ không còn được nghe tiếng chày giã gạo như xưa”.
Đi bất cứ đâu, đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên... đều bắt gặp những cỗ máy xay xát lúa gạo... giúp bà con đỡ tốn sức lực khi giã gạo và họ cũng không mất nhiều công sức để vào rừng sâu chọn những cây gỗ quý, bền chắc như Rơmal, cà chít, trắc, hương, dổi, lim, dầu, trâm đỏ để làm cối. Những chiếc cối một thời gắn bó đã bị “ra rìa”, nhưng người Rơ Ngao Ba Na quan niệm: nếu không sử dụng cối nữa thì khiêng bỏ chúng đi đâu đó, chứ tuyệt đối không bổ nó ra để làm chất đốt. “Mình mang ơn nó mà, đem bổ ra nhóm lửa thì có tội lớn với Yàng và các đấng thần linh” - già làng A Thiuh phân bua.
(Trích theo "Kho cối của chàng trai trẻ" của Trùng Dương đăng trênhttp://thanhnien.vn/gioi-tre/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét