Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Buôn Trấp quê tôi... NGƯỜI BIH (Ê đê bih?)

Buôn Trấp quê tôi...
NGƯỜI BIH (Ê đê bih?)
Người Bih được xếp là một nhóm của dân tộc Ê đê, họ cư trú chủ yếu dọc hai con sông Krông Ana và Krông Knô và ven Hồ Lăk. Các tài liệu ghi chép về nhóm địa phương này chưa thống nhất. Năm 1922, Besnard cho rằng, ở Đăk Lăk có 4 tộc người độc lập với nhau đó là Ê đê, Gia rai, Mnông, Bih. Tác giả gọi người Bih là Pis hoặc Chor, ông giải thích thêm rằng, người Bih tự báo là Pih – K’chô, người Việt gọi họ là Mọi Pik’yo, người Miên gọi họ là Pih – Châr, người Lào gọi họ là Kha Pis hoặc Kha Char. Tác giả Mofleur coi họ là Kha Pis hoặc Kha Char. Tác giả Mofleur coi họ là tộc người riêng biệt. Riêng tác giả Jouin B.Y năm 1943-1944 đã viết trong cuốn La mort et la tombe (Cái chết và nhà mồ) cho rằng, tộc Bih là một nhóm trung gian giữa Mông và Ê đê.
...
Hiện nay, người Bih cư trú ở các buôn: Buôn Trấp, buôn Khít, buôn Cuah (Choá Kpung), buôn M’blớt, buôn Tơ lơ, buôn Dur, buôn Kmăn, buôn cuê (Chuê Krang) thuộc huyện Krông Ana. Khi tiếp xúc với bà con trong buôn, cái nổi lên hàng đầu là vấn đề tự nhận tộc người. Theo lời của ông Y Păng Adrơng, một trong những già làng của vùng buôn Trăp thì “Tiếng nói của chúng tôi xấu lắm, nói người Ê đê họ cười cho”. Chính từ ý nghĩ này mà chỉ có một số ít đồng bào tự nhận là Bih (như ở buôn Trăp); một số tự nhận M’nông (như ở buôn Triêk - huyện Lăk) và một số tự nhận Ê đê như ở buôn Khit, buôn M’blớt, buôn Tơ lơ (huyện Krông Ana).
...
Khi đi tìm hiểu nghiên cứu văn hoá của người Bih, một câu hỏi lớn được đặt ra: vì sao, người Bih một tộc người có số dân không thua kém các dân tộc cùng cộng cư khác là Ê đê và Mnông đồng thời cũng như các dân tộc khác trong cùng khu vực, họ ... có thể chung sống hoà bình cùng người Ê đê, Mnông và vẫn bảo tồn bản sắc văn hoá riêng của mình? Lịch sử đã chứng minh vùng cư trú của người Bih, hàng trăm năm qua đều ở phía Nam của Buôn Ma Thuột, đó là khu vực đầm lầy, có sông, hồ chằng chịt, có hai con sông chi lưu của Sêrêpôk là Krông Ana và Krông Knô, có một hồ lớn là Hồ Lăk. Tổ tiên của họ đã phải tìm mọi cách để có thể thích nghi với môi trường tự nhiên như vậy. Từ rất sớm tộc Bih đã có sự giao lưu, tiếp xúc về nhiều mặt, giữa các tộc người cùng cư trú, mối giao lưu này có lẽ đã diễn ra một cách thanh bình như trong một đại gia đình, có thể chính điều này đã là nguồn gốc tạo nên hình tượng Băng Adrênh-một truyền thuyết về nguồn gốc các dòng họ của cả người Ê đê và người Bih. Huyền thoại này có nguồn gốc từ buôn Cuê Krang, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana-một trong những nơi cư trú chính của người Bih. Các dòng họ này, trong quá trình chinh phục vùng đầm lầy đó đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần mà cho đến ngày nay nó vẫn được con cháu của người Bih gìn giữ, phát huy và phát triển như: làm ruộng nước, xây dựng những ngôi nhà cao cẳng và đi lại bằng thuyền, để có thể sống chung với lũ, đoàn kết các buôn với nhau dưới sự lãnh đạo của tù trưởng N’Trang Gưh để bảo vệ vùng cư trú của mình.
Như vậy, để nghiên cứu tộc Bih và văn hoá của họ, giúp họ làm sao vừa giữ vững bản sắc riêng, vừa năng động, thích nghi với môi trường mới, làm giàu thêm nền văn hoá của mình bằng chính sự tự thân vận động và giao thoa với văn hoá bên ngoài? Để làm được điều này, theo thiển nghĩ, vấn đề tiếp cận thực địa của nhà nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Ý thức giúp đỡ người nghiên cứu của cộng đồng tộc người là một nhân tố cần thiết để cá nhân các thành viên của cộng đồng có thể trình bày rành mạch những thực tế của nền văn hoá của dân tộc mình, đặc biệt là phải thuyết phục và tranh thủ sự giúp đỡ của các trí thức người Bih. Bênh cạnh đó cần phải giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, niềm tự hào của tộc người tới mỗi một thành viên trong cộng đồng thông qua sự giúp đỡ của già làng.
...
(Trích đoạn trong "Người Bih ở Tây Nguyên" của Ts. Lương Thanh Sơn đăng trên http://www.vusta.vn/vi/news/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét