Một thời mê luyện chưởng Kim Dung...
TINH THẦN PHẬT GIÁO TRONG THIÊN LONG BÁT BỘ
Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm dài nhất của Kim Dung. Với gần hai triệu chữ được đăng liên tục trong vòng bốn năm trên Minh báo Hồng Kông và Nam Dương thương báo Singapore, Thiên Long Bát Bộ có cấu trúc phức tạp, hệ thống nhân vật rộng lớn, phạm vi trải dài mênh mông từ Đại Tống đến Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý, Đại Liêu, … Nhà phê bình Trần Mặc đã gọi Thiên Long Bát Bộ là một cuốn “Lục Quốc diễn nghĩa” có bối cảnh võ hiệp. Ngoài ra Thiên Long Bát Bộ còn nổi bật vì chứa đựng tinh thần Phật giáo hết sức rõ rệt.
Ngày 27. 10. 1994 tại đại học Bắc Kinh trước sự đón chào của hơn một ngàn sinh viên hâm mộ, Kim Dung đã trả lời câu hỏi của khán giả: “Thiên Long Bát Bộ phải chăng là biểu đạt quan niệm nhân sinh của ngài?”. Ông đáp: "Trong Thiên Long Bát Bộ, có phần biểu đạt quan niệm nhân sinh của tôi. Lúc ấy trong tôi có tư tưởng triết học Phật giáo. Phật giáo khá bi quan đối với nhân sinh, cho rằng đời người là bể khổ. Vô luận nhân sinh tốt đẹp đến thế nào, cuối cùng rồi cũng chết. Nhưng Phật giáo còn có quan niệm khác, tuy con người không tránh được cái chết, nhưng vẫn còn có lúc tái sinh, sau này có thể đời sống tốt hơn, có thể cống hiến được sức mình, có thể giúp đỡ được người khác.”
Tinh thần Phật giáo của Thiên Long Bát Bộ được biểu đạt ngay từ tựa đề tác phẩm. Thiên Long Bát Bộ là cụm từ chỉ tám bộ chúng sinh, trong đó có loài giống người nhưng không phải người (nhân- phi- nhân) thường đến nghe Phật thuyết giảng trong kinh Đại Thừa. Các loài này đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Trước khi Phật giáo ra đời, người dân Ấn Độ đã thờ phụng tám loại thần linh đó rồi. Về sau chúng được kết nạp vào đạo Phật, trở thành các vị thần hộ trì thế gian nhưng vẫn chưa thoát khỏi kiếp luân hồi.
Tựa đề Thiên Long Bát Bộ rất khó dịch ra tiếng Anh, hiện tại có ba cách dịch chính: Demi-Gods and Semi-Devils, Eight Books of the Heavenly Dragons, và phiên âm Tian Long Ba Bu. Khi mới bắt đầu bắt tay viết Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã có ý định dựng tám nhân vật chính theo tám vị thần Hộ pháp nhà Phật, thế nhưng câu chuyện càng đi sâu càng phức tạp và việc phân loại “ai là ai” trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đây vẫn là một chủ đề được ưa thích trong giới Kim học. Bài viết này không nhằm nỗ lực phân chia rạch ròi các nhân vật theo tám bộ chúng sinh mà trên hết muốn khơi gợi một cuộc đối thoại giữa những người am tường Kim Dung và Phật học.
...
(Trích lời mở đầu trong bài "Tinh thần Phật giáo trong Thiên long bát bộ" của tác giả ANH NGUYỄN đăng trên http://vanthekt.blogspot.com/…/tinh-than-phat-giao-trong-th…)
...
(Trích lời mở đầu trong bài "Tinh thần Phật giáo trong Thiên long bát bộ" của tác giả ANH NGUYỄN đăng trên http://vanthekt.blogspot.com/…/tinh-than-phat-giao-trong-th…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét