Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Tìm theo con sông Ea H'Leo... LÀNG ĐẤT ĐỎ GIỮA ĐẠI NGÀN

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
LÀNG ĐẤT ĐỎ GIỮA ĐẠI NGÀN
Ngôi làng này có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt ngay từ cái tên gọi. Làng của “nữ chúa” Bàn Diệu An Kỳ, được người dân ở thị trấn Ea Súp gọi bằng nhiều cách khác nhau: Làng Bà Kỳ (vì bà Kỳ là trưởng làng), làng Đất Đỏ (vì làng ở trên vùng đất đỏ duy nhất của huyện Ea Súp), làng 265 (vì làng nằm trong tiểu khu rừng 265 thuộc Công ty lâm nghiệp Cư M’lan). Đặc biệt hơn cả là làng còn có tên là làng Bốn Không (vì làng không có trường học, không có bệnh xá, không có đường đi – chỉ đi theo lối mòn, không có điện thắp sáng).
...
“Nữ chúa” An Kỳ còn khá trẻ. Tuổi Giáp Thìn (1964). Thời thanh xuân có lẽ bà là một mỹ nhân. Khuôn mặt tròn. Da ngăm ngăm bánh mật. Đuôi mắt dài. Khóe miệng tươi, rất có duyên. Vừa chạm mặt bà, tôi nhận ra ngay sự từng trải, thông minh, nhanh nhẹn, biết nhiều chuyện. Bà Trưởng làng xởi lởi và đon đả, giọng ngọt, tíu tít chào hỏi khách. Bà nói được 6 thứ tiếng, gồm Mán, Mường, Tày, Nùng, Mông và Kinh.
Đã nhiều lần tôi có ý định tìm đường vào thăm làng của “nữ chúa” An Kỳ nhưng những người quen là người địa phương đã ngăn cản khi cho tôi biết: Vào mùa mưa, chỉ mỗi cách đi bộ. Mà phải đi cả ngày. Đường trơn trượt như đổ mỡ, ngoằn ngoèo, heo hút xuyên giữa rừng rậm. Hàng chục cây số không một nhà dân, không một bóng người. Mưa rừng luôn bất thường, nước suối dâng lên đột ngột, giăng kín mọi ngả, không nơi trú thân, sơ ý không kịp là lũ cuốn trôi.
Rừng nơi đây là rừng già nguyên sinh nên có nhiều thú dữ, người trong làng đi lại còn cảm thấy sợ hãi, chứ đừng nói anh lại là người lạ… Chỉ có mùa khô, có người dẫn đường, khi đó anh mới vào thăm làng được...
( Trich phóng sự "Ngôi làng làng lạ giữa Đại Ngàn" của Gia Bảo)
Hút sâu trong rừng già của huyện biên giới Ea Súp, có một làng còn đậm đặc sự hoang sơ, lạc hậu, đó là làng Bình Lợi (hay còn gọi là làng đất đỏ) ở xã Cư M’Lan, (huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Cả làng không một bóng điện, không một lớp học, hầu hết người già chỉ biết điểm chỉ. Thủ lĩnh sáng lập ra ngôi làng này là bà Bàn An Kỳ. Bà được ví như “nữ chúa” của khu rừng già này. Cuộc đời bà như một bộ phim huyền bí.
...
Và rồi, như có cái duyên từ trước, ngay khi đặt chân đến khu rừng già hun hút của Ea Súp bà Kỳ đã cảm nhận rõ ràng, đây chính là nơi mình cần tìm đến, là bến neo đậu trong hành trình tìm kiếm suốt bao năm của mình. Rừng núi hoang vu, bốn bề mây phủ, nhìn đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn rừng già. Bà quyết định tìm chỗ đất trống, khai hoang làm rẫy. Lạ, mảnh đất này cứ gieo cái gì xuống cũng nảy nở rất nhanh, tươi tốt phì nhiêu, chẳng cần phân tro, tưới tắm gì. Bà Kỳ quyết định cưới chồng, phát quang sẵn một vùng đất trống và kêu ngọi nhiều người ở quê vào lập nghiệp. Chẳng bao lâu đã nên làng, nên bản.
Sau khi gọi nhiều người ở quê vào, cả khu làng của bà Kỳ đêm nào cũng canh cánh trong nỗi lo thú rừng viếng thắm. Người “nữ chúa” này lại làm công việc nặng nhọc là canh thú dữ cho buôn làng. Đêm nào bà cũng đốt đuốc sáng trưng ở giữa làng và để sẵn cung tên. Bà An Kỳ kể: “Hồi đó, đêm nào chúng cũng lang thang vào khu làng. Học được từ ngoài Bắc, tôi hái một số loại lá cây rừng làm thành dung dịch đặc biệt, loại dung dịch này nhiều loại thú dữ rất dị ứng, khi gặp sẽ bỏ đi ngay. Nhưng có nhiều loại như gấu, sói rừng chúng không hề sợ. Tôi đành nghĩ ra cách, làm các xác chết giả treo ngả nghiêng xung quanh đống lửa, khi nhìn thấy, chúng sẽ sợ và rút lui”.
Nhiều sáng kiến hay là thế, nhưng hầu như chẳng đêm nào bà Kỳ dám ngủ cho trọn giấc. Cứ nhớ mãi đêm ấy, khi vừa chợp mắt bà nghe tiếng gặm lọt xọt bên trái nhà, mơ mơ, tỉnh tỉnh nhìn ra thấy một chú gấu đang lù lù tìm cách chui vào nhà. Bà cùng chồng hốt hoảng thức dậy vật lộn với gấu cho đến sáng.
Xòe đôi tay còn hằn sâu mấy vết sẹo, bà nói: “Dù đã học hỏi được nhiều kỹ thuật tránh gấu từ những ngày ở quê nhưng tôi vẫn bị nó cào cho bươm bả, máu chảy ròng ròng. May không sao. Sau đêm đó, không còn thấy chúng xuất hiện nữa. Có lần, một đứa trẻ trong làng đi lạc, tưởng bị hổ bắt cả làng chia nhau đi tìm suốt đêm. Hình như thú dữ dần dần nó thấy sợ mình, có lúc đối diện nhau tôi chỉ cầm đuốc nhìn nó nhưng nó vẫn không dám tấn công. Có lần một con hổ to hơn người đuổi nhưng tôi kịp tót lên cây và xối dung dịch lạ (luôn mang theo người –PV) vào mặt nó, nó gầm lên một hồi rồi lao đi mất hút”. Sau vụ đánh nhau với gấu, bà rút ra kinh nghiệm làm thật nhiều thòng lọng bằng những sợi dây rừng để trang bị cho các gia đình trong làng. Khi gặp thú, càng giăng nhiều thòng lọng chúng càng dễ dính bẫy, mà dây rừng thì rất bền chặt.
Với giọng âm trầm chậm rãi, ông già người Nùng, Sùng A Rúa, một trong những người vào “làng đất đỏ” đầu tiên kể: “Phải, thung lũng này hôm nay khác xưa nhiều lắm. Ngày ấy nơi đây nhìn đâu cũng chỉ thấy núi. Nếu không có An Kỳ thì dân làng đã bỏ đi nơi khác hết vì sợ thú dữ rồi. Người phụ nữ này thật đặc biệt...
( Trích đoạn "Cuộc đời huyền bí, truân chuyên của “Nữ chúa rừng xanh” của Hà Đạo đăng trên báo Tuổi Trẻ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét