Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Tìm theo con sông Ea H'Leo... CỔ THÁP BƠ VƠ

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
CỔ THÁP BƠ VƠ
...
Tôi chỉ còn trông cậy khả năng giải mã về công trình trên ở cơ quan chuyên sâu của địa phương, bởi đó là báu vật của địa phương họ không thể không hay biết. Và đúng như vậy, Bảo tàng Dak Lak đã khẳng định đó là tháp Yang Prong_ tháp Chăm độc nhất vô nhị còn hiện hữu ở vùng cao nguyên phía Tây xa cách biển Đông, Tây Nguyên, đến ngày nay_ nằm cạnh con suối lớn Ea H'leo thuộc lâm phận của Lâm Trường Rừng Xanh ở xã Ea Rok, huyện Ea Soup, tỉnh Dak Lak. Bảo tàng này giữ chu đáo hồ sơ khái quát về ngôi tháp, nhưng một bức tranh không gian đủ để hình dung rõ thêm về thân phận nó thì tôi phải lần tìm trong dân gian cùng hệ thống thư viện trong nước thôi. Qua cọ sát các nguồn chất liệu, tôi nhận ra ngôi tháp được dự đoán ra đời khoảng thế kỷ 11-13, một quá khứ đã quá xa, cách nay trên 700 năm. Tháp ở tình trạng hoang phế như tơi mục kích được phát hiện vào quãng những năm 1904 - 1911 bởi một vị “thực dân” nhưng cực si mê dân tộc học và ông ta đã bỏ nhiều thời gian vào nghiên cứu văn hóa miền Thượng của xứ Annam buổi đó. Ông ta tên là Henri Maitre. Thì ra Henri Maitre ! Lịch sử có những tréo ngeo đặc biệt khi vị “thực dân” này đã bị người Thủ lĩnh anh hùng của cao nguyên M’Nông_thuộc Dak Nông ngày nay_ là N’Trang Long hạ sát trong một phong trào nổi dậy nổi tiếng của người M’Nông. Henri Maitre vào đầu thế kỷ đã phát hiện ra tháp Yang Prong này và đã khảo tả ra công trình kiến trúc văn hoá thú vị này trong cuốn " Les Jungles Moi" xuất bản tại Paris năm 1912. Ở trang 200 trở đi của cuốn sách này, ngày đó Henri Maitre đã khẳng định đây là tháp của người Chăm từ đồng bằng duyên hải lên xây dựng, để thờ tín ngưỡng phồn thực: Linga và Yoni_ biểu hiện qua vị thần được gọi là Mankhalinga được khắc hình lên thực thể sinh thực khí ấy. Thì ra, Vương quốc Chămpa đã từng hiện diện và đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên. Chuyện lớn này chưa từng thể hiện trong chính sử, hay đưa rõ ra sách giáo khoa của Nhà nước đang quản trị đất nước VN ngày nay.
Và đây, vị Thần được đặt trong lòng tháp khi tháp còn “sống” thật cuộc đời tâm linh mà một nhà khám phá người Pháp đã chỉnh chu khảo tả để lưu lại và in vào một thư tịch vào 100 năm trước(ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Nghe đâu bộ ngẫu tượng Mankhalinga bị những người Pháp khi đó thuê người thượng trong vùng khiêng ra khỏi rừng, rồi chở đi khỏi VN kể từ quãng những năm 1940. Bộ linga-Yoni bí ẩn này đang ở nước nào cũng chẳng ai ở VN ngày nay nắm rõ.. Chỉ có cái vỏ công trình thờ nó, ngôi tháp giữa rừng này, là từ sau 1975, các cơ quan bảo tồn văn hoá ở Trung ương đã có hơn một lần đến đây thực hiện việc trùng tu.
Giữa một không gian văn hóa mà Rừng là trung tâm của đời sống con người và tâm linh, với một thế giới xã hội bán khai được dẫn dắt bởi nền văn minh thảo mộc của nhiều bộ tộc sơn nguyên, chưa có sự xuất hiện Nhà nước, không tiếp xúc với bên ngoài, hiện ra một công trình kiến trúc kỹ thuật cao siêu, đồ sộ, diễm lệ và theo thứ tôn giáo khá nguyên sơ của loài người là Bàlamôn thế này càng làm cho Tây Nguyên đúng là miền kỳ lạ, mơ tưởng, và huyền thoại. Nhưng cứ mỗi mùa khô trôi qua, tôi lại nghe cánh rừng nơi cổ tháp đang đứng thách thức thời gian và lịch sử kia lại teo lại bởi dân nhập cư. Người đến thì dĩ nhiên họ phải tìm đất để sống, bất kể đất đó có thiêng và đang chứa cái gì. Có những bản tin của chính hãng thông tấn thuộc Chính phủ còn loan báo nó có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi, bởi con suối bên mép rừng mà tôi từng lội ra ngắm nhìn giờ đã thành một con sông lớn. Suối đã bị xé thành sông, và hung dữ lên từng ngày. Người nhập cư liền đổ xô khai thác cát ngay trên dòng sông, đoạn ngay phía sau ngôi tháp. Địa chất toàn vùng đang sụt lún, cùng dòng sông Ea H’leo kia chỉa thẳng vào cổ tháp đất nung. Dòng sông tự nhiên và dòng sông trách nhiệm đang so găng với một ngôi tháp tàn phai. Cổ tháp ngồi đó, đã chết, chết như một dấu than, dựng ngược, nhưng vẫn đang suy tư trong xác chết./.
(Trích đoạn trong ký "Sự Suy Tư Của Cổ Tháp Giữa Rừng Già" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên Văn học và Nghệ thuật)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét