Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Những bài học thuộc lòng ngày xưa...

Những bài học thuộc lòng ngày xưa...
Ngày nay đọc lại những bài học thuộc lòng này, ngoài phần nội dung tư tưởng mang tính giáo dục hàm chứa bên trong ra, chúng còn giúp ta tái hiện được một cách sinh động hình ảnh năm, sáu mươi năm về trước của vùng đất Sài Gòn và một số tỉnh thành từ Cà Mau ra đến các tỉnh Trung Bộ, qua đó thấy rõ khung cảnh sinh hoạt muôn màu muôn vẻ của người dân từ nông thôn đến thành thị. Hình ảnh con trâu, cái cày, bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng xén, mái tranh vách đất đơn sơ ở nông thôn và các khu phố chợ tráng lệ ở thành thị... có lẽ được nhắc tới nhiều nhất, và thật cảm động, vì chúng phản ảnh hoàn cảnh sống thật của đa số người dân Việt miền Nam trong bối cảnh chiến tranh và sự nghèo khổ, cũng như cho thấy trình độ phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội một bộ phận phân ly của đất nước vừa thoát khỏi ách cai trị của chế độ thực dân cũ.
Đây là hình ảnh của người nông phu Việt Nam, thành phần dường như luôn được đề cập và đề cao nhiều nhất, trong hoàn cảnh một đất nước nông dân chiếm phần đa số và vì thế họ cũng có tư cách lẫn tính cách đại diện cho cả dân tộc ở một giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội nhất định:
Đôi cánh tay rắn chắc,
Anh xới lúa vun dâu.
Mồ hôi rơi thấm đất,
Tình anh tràn ruộng sâu.
Tóc anh vương vấn gió chiều,
Hồn anh thấm lúa, lan vào hương quê.
Đôi trâu bạn bè,
Cuốc cày tri kỷ.
Khỏe làm mệt nghỉ,
Đời đẹp như thơ.
Lòng anh hòa với lũy tre,
Hòa trong lòng đất, đem về nguồn vui.
Cao Thành Nhân
(Tiểu học nguyệt san, tháng 1-2/1957)
Một cách diễn tả khác, giản dị và thực tế hơn:
Làm ăn từ sáng đến chiều,
Giữa trời bêu nắng như thiêu ngoài đồng.
Ruộng nương chẳng chịu bỏ không,
Hết mùa lúa thóc lại trồng bắp khoai.
Nghiệp nhà gánh vác hai vai,
Chẳng chồn gót sắt, chẳng phai dạ vàng...
Nam Hương
(Trích Giáo khoa tạp chí)
(Tiểu học nguyệt san, tháng 7/1961)
Nghề nông thời bấy giờ luôn được ca tụng không tiếc lời, như một nghề cao quý, nhưng bằng những lời lẽ chân thành, giản dị. Một hình thức khuyến nông qua văn chương với nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện:
Non cao cũng có đường leo,
Đường dẫu khó trèo, cũng có lối đi.
Cao nguyên đất tốt lo gì,
Cày cấy kịp thì, chồng vợ ấm no.
Đất mầu giòng đậu, giòng ngô,
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn.
Nghề nông ra sức khuếch trương,
Cao nguyên phá rẫy, làm nương ven đồi...
Tưởng rằng đá rắn thì thôi,
Ai ngờ đá rắn nung vôi lại nồng.
Tưởng rằng đất núi gai, chông,
Ai ngờ đất núi cấy trồng nở hoa...
Dân Việt
(Tiểu học nguyệt san, tháng 2/1958)
(Trích đoạn "Những bài học thuộc lòng một thuở" của Trần Văn Chánh đăng trên
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét