Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

TÂY NGUYÊN BUỒN...

TÂY NGUYÊN BUỒN...
...Thời của Jacques Douners, G.Condominas, hay tác gia của công trình kinh điển về Tây Nguyên “Les Jungles Moi” Mission Henri Maitre đã mù xa. Tây Nguyên đó là thứ Tây Nguyên xa xưa, Tây Nguyên sơn nguyên; Tây Nguyên của xã hội bán khai, của sức mạnh đại ngàn, của thực và ảo. Nếu có chút trách nhiệm nghiêm túc của của một kẻ rong chơi thì tôi phải quan sát hình hài cao nguyên của đương thời, bằng cái nhìn thực chân. Tôi không được phép “vẽ” ra Tây Nguyên hoang dã theo lối người ta hùa nhau tung hô bí ẩn, viết kịch bản cho một Festival cồng chiêng, cho một bữa uống rượu cần của sắc dân bản địa, hay đưa đàn T’rưng, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy thổ cẩm lên khán đài khi mà không gian rừng đã biệt xứ và quần áo may sẵn dịch vụ đến chân cầu thang nhà dài.
Tây Nguyên giờ hình như không còn nhiều huyền ảo nữa, cạn dần bí ẩn, tất cả dường như đã lộ ra, phơi mình, mênh mông ra thay vì thu sâu vào trong tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bếp lửa nhà sàn ở những làng, bon, buôn, plei, kon.... Nhà xây ximăng, xe máy, tủ lạnh, tivi, xe hơi, bia bọt, mì gói(fast food)... đã giúp "hiện đại hoá" dần cộng đồng. Tất cả đã không còn là xã hội bán khai. Đời sống cây công nghiệp, cà phê, cao su, hồ tiêu…, với nền nông nghiệp hàng hoá... đã thế chỗ cho nương cao lúa cạn. Sự có mặt của trên 40 sắc dân trên đất nước góp mặt đến vùng đất này tạo ra một sự đa dạng về văn hoá lẫn chồng xen tâm trạng, tạo nên một Tây Nguyên mới, hấp lực mới, sinh động, với nhiều nghĩ suy, cơ hội, tâm thế, hỗn tạp... Nhưng dù thế nào, trong cuộc rong ruổi mênh mang như thế, khi bắt gặp đây đó hiện ra những cụm nhà dài là chỉ dấu về một làng M'nông, Ê Đê, J'rai, K'ho, Banah, Sê Đăng... lại là như uống được những ngụm tình cao nguyên sâu nặng thấm đẫm cái giá trị mộc mạc-hiền hoà- da diết của người sơn nguyên, thân thiện, nặng nợ với thiên nhiên.
...
Trên hành trình đó, những con đường với mỗi loài thảo mộc từng lúc từng khắc lại nhận ra sự thay sắc, thay hương, thay đổi hình hài của nó. Có lúc lại mênh mang nghĩ suy trước những dải đồi trọc rộng lớn hiện ra. Kí ức về những cánh rừng già, hoài niệm về những loài mãnh thú hoang xa biệt, con cá lăng trên dòng Dak B'la, Sêrêpok, những giò phong lan thuỷ tiên tuyệt xinh cực hiếm ở rừng Lạc Dương, Lâm Đồng. Về những dòng sông mà ngay cả mùa khô cũng gập ghềnh, chảy siết, lòng nó đầy đá, đầy vực, đầy hốc, chứ không êm dịu, hiền hoà như sông nước miền xuôi(ngoại trừ mùa lũ). Đây đó trên những đồi cao là những cây Kơnia màu xanh thẫm như những dấu chấm hỏi chừa lại, vì đồng bào không bao giờ chặt hạ thứ cây có thần linh mang hình dáng chiếc dù và chịu hạn cực xuất sắc này. Chỗ khác lại dạt dào khi nhìn những dải vườn rẫy với muôn ngàn trụ tiêu phun lên, chống lên trời những trụ cột tươi xanh tưới bằng nhọc nhằn của dân lành. Những “dự án” lèn lỏi khai thác gỗ cú chót cũng bày ra ở mùa này, với những tiếng cưa máy hiện đại rền vang trong rừng xa và những đoàn xe bọ hung đầy gỗ tung bay trên đường cái quan. Những đám khói khổng lồ bốc lên xa xa cũng là chỉ dấu đặc trưng về mùa của cháy rừng. Đây mùa của hủy diệt. Đây là mùa của lửa. Ngược lại mùa đây là mùa của nước. Tây Nguyên có Vua Lửa và Vua Nước hẳn cũng trong dòng tư duy dân gian này. Những vị vua không ngôi, nhưng sự tôn kính thì thấm nhận thức sâu xa của cộng đồng.
(Trích trong ký " Gió bụi từ núi xa về " của Nguyễn Hàng Tình đăng trên Văn học & Nghệ thuật)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét