21 Tháng 7 lúc 19:19
Đã chia sẻ với Công khai
Hoa có một đặc đểm rất lạ là khi gặp mưa thì hoa lại có màu trắng, còn gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ...
HOA BÔNG TRĂNG XỨ MƯỜNG
* Nguyên Linh
Sự tích cây bông và nét đẹp văn hóa Mường
Từ vùng Mường Ống xa xôi của huyện miền núi Bá Thước, nơi đồi Lai Li Lai Láng còn ngơ ngẩn kiếm tìm “cây chu đá lá chu đồng bông thau quả thiếc”, trên núi Làn Ai bao đời nay đã lưu truyền câu chuyện tình lay động lòng người giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương gắn với sự tích về loài hoa sử quân tử (hoa Bông Trăng) đẹp mĩ miều.
Truyện thơ Mường “Nàng Ờm chàng Bông Hương” kể rằng: Xưa có chàng Bông Hương và nàng Ờm yêu thương nhau nhưng bị mẹ cha cấm cản. Mẹ nàng Ờm cậy gia đình mình giàu có, “có xanh chín vạc mười/ có cồng vui súng tốt”, thấy gia cảnh chàng Bông Hương “cửa khó nhà nghèo/ thân neo côi cút/ Xống rách như lá nứa/ Áo rách như lá sắn rừng” mà chê bai, nhất quyết không cho đôi trẻ đến với nhau.
Nhưng cái bụng đã ưng nhau lấy gì cấm cản nổi. Hai người vẫn giấu cha, giấu mẹ hẹn hò với nhau trên núi Làn Ai. Chuyện vỡ lở, nàng bị cha mẹ đánh, “chân tay, thân vóc mềm nhũn như tàu khoai môn gặp lửa”, những giọt máu từ kẽ sàn chảy xuống. Chàng Bông Hương nấp dưới sàn tay hứng lấy từng giọt máu của nàng Ờm mà xót thương. Khi nàng Ờm bị cha mẹ ném ra ngoài cửa vóng, chàng Bông Hương lao tới, vội vã cõng nàng chạy ra khỏi nhà, chạy lên ngọn núi Làn Ai tránh sự truy đuổi của quan binh nhà lang mường. Vừa chạy chàng Bông Hương vừa lấy khăn lau máu cho nàng Ờm. Trên ngọn núi này, mặc cho chàng Bông Hương hết lòng khuyên ngăn, trong cơn tuyệt vọng, nàng Ờm đã ăn lá ngón tự kết liễu đời mình. Thương xót người yêu, chàng Bông Hương theo nàng Ờm ăn lá ngón, nguyện được chết cùng đôi.
Tương truyền, chiếc khăn mà chàng Bông Hương dùng để lau máu cho nàng Ờm được vắt lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng luyến tiếc đôi tình nhân trẻ vì yêu mà nguyện thề sống chết bên nhau nên đã nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn của chàng Bông Hương thành dây hoa Bông Trăng quấn quýt bên cây. Sau này, loài cây ấy vào tiết trời tháng ba đều nở ra những bông hoa thơm ngát khắp núi rừng:
“Chiếc khăn đã biến thành đóa Bông Trăng/
Rồi trời mưa hoa nở trắng/
Trời nắng hoa nở đỏ/
Trên núi Làn Ai”.
Điều đặc biệt hơn nữa mà người dân vùng Mường Ống vẫn truyền tai nhau cho đến tận hôm nay, ai hái lá của cây chạng bạng mà chàng Bông Hương từng treo chiếc khăn có dính máu của nàng Ờm trao cho người mình yêu thương đều sẽ được đáp lại bằng tình yêu chân thành.
“Thiên tình sử” bi ai giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương góp phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp của đá núi Mường Ai thăm thẳm, ngàn đời sau còn nhắc mãi. Câu chuyện tình cảm động ấy từ lâu đã được các thế hệ người Mường xứ Thanh gắn liền với truyền thuyết cây bông trong lễ hội Pồn Pôông - lễ hội chơi hoa, thưởng hoa đặc sắc, thường được tổ chức vào mùa xuân. Không chỉ bày tỏ mong ước về mùa màng bội thu, bản làng no ấm, theo quan niệm của người Mường, lễ hội Pồn Pôông diễn ra như lời cầu chúc cho mối tình thủy chung giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương. Giữa khí xuân, tiết xuân, sắc xuân hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng, các trò diễn xướng diễn ra quanh cây bông, mô phỏng một cách sinh động phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào Mường. Trong đó, cây bông được xem như linh hồn lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật chúng sinh.
...
Nguyên Linh
*Trích đoạn trong bài "Những “thiên tình sử” xứ Thanh" của Nguyên Linh đăng trên http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-thien-tinh-su-xu-thanh/106282.htm
**Dây Bông Trăng còn được gọi Sử Quân Tử, Trang Leo, Hoa Giun ... có danh pháp khoa học là Combretum indicum. Đây là loại thực vật có hoa trong họ Trâm bầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét