Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

ĐINH TIẾN LUYỆN, HỌA SĨ CỦA TRƯỜNG PHÁI "MẮT TO" *Lê Thiếu Nhơn

 

8 phút
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Một thời… tuổi ngọc...
ĐINH TIẾN LUYỆN, HỌA SĨ CỦA TRƯỜNG PHÁI "MẮT TO"
*Lê Thiếu Nhơn
Trước 1975, tuần báo Tuổi Ngọc xuất hiện và nhanh chóng được tuổi mới lớn, giới học sinh sinh viên miền Nam yêu thích. Tờ báo như một làn gió mát lành thổi vào tâm hồn tuổi mới lớn mơ mộng, bằng nhiều sáng tác văn, thơ hay, giàu cảm xúc và có nhiều chuyên mục hấp dẫn, sát với đời sống giới trẻ. Bên cạnh đó, sức hút quan trọng của tờ báo chính hình thức tờ báo, thể hiện qua những bức tranh làm bìa báo và tranh minh họa rất đẹp.
Thư ký tòa soạn báo Tuổi Ngọc, nhà văn cũng là họa sĩ Đinh Tiến Luyện cho rằng điều này có được từ nguyên do tờ báo được “xây dựng với tâm huyết của những người yêu nghề, mến nghiệp”. Khi được hỏi về việc vẽ bìa và minh họa trên báo, ông nhớ lại: “Làm báo tay viết thì nhiều nhưng tay vẽ thì không sẵn, nên cũng như làm “đầu bếp”, tôi phải biết xào nấu sao cho thường xuyên có món bày bàn, ngon hay dở, cũng phải chủ động cho đúng kỳ hạn. Chỉ mê vẽ thôi, là một tay ngang không có bài bản, nhưng có cơ hội, không “có ai trồng khoai đất này” nên vẽ bìa là tôi và minh họa trang trong cũng là tôi. Viết về tuổi học trò mới lớn nên nét vẽ của tôi cũng chở theo hồn ấy. Nếu có gì gọi là riêng biệt thì đó là vì làm báo Tuổi Ngọc”.
Lúc đó, ông chỉ minh họa và làm bìa cho báo Tuổi Ngọc. Có lúc vẽ cho sách của Nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Do nét vẽ ngày càng được ưa thích, một lần khi ông được giới thiệu là họa sĩ, một người thầy nhiều học vị hỏi: “Theo trường phái nào?”. Người đứng ra giới thiệu, chủ nhiệm báo Tuổi Ngọc lúng túng nhưng cũng “phăng” ngay ra câu trả lời: “Trường phái “mắt to”.
“Không đụng hàng. Không có tự điển. Tôi vẽ cái gì tôi thích”, họa sĩ Đinh Tiến Luyện tự nhận. Có cá tính riêng trong suy nghĩ và thể hiện nét vẽ, phải chăng điều đó khiến tranh ông được nhớ lâu?.
Khi được hỏi rằng kỹ thuật in ấn lúc đó liên quan đến kỹ thuật vẽ tranh minh họa trang trong và vẽ bìa báo, họa sĩ Đinh Tiến Luyện cho biết rất chi tiết: “Khi có computer thì ngành in ấn thay đổi rất mạnh. Làm báo nhưng đồng thời cũng làm nhà in nên tôi rất rõ chuyện này. Một phần quan trọng của nhà in là công việc xếp chữ. Nếu có được kho chữ cả ngàn fonts và fontsize hầu như vô tận từ chiếc computer như ngày nay thì nhà in, riêng khu vực xếp chữ cũng phải có tòa nhà hàng trăm tầng. Kỹ thuật in ấn thời thủ công, bên cạnh nhà in còn có nhà đúc chữ và nhà làm cliché (bản kẽm). Hình vẽ được chụp phim và làm thành bản khắc trên kẽm để sau đó chèn vào trang xếp những con chữ li ti bằng chì. Nhiều công và tốn phí như vậy nên minh họa trên báo cũng hạn chế, có một bản kẽm xài đi xài lại cả chục lần. Riêng bìa màu thì phức tạp hơn. Nếu không in offset thì có khi người thiết kế bìa phải tự tách màu ra từng bản và chọn màu (typo thường không quá 3 màu). Những chữ trên bìa nếu muốn đặc biệt theo ý mình thường phải kẻ riêng bằng tay (thường không bén nét). Tôi hay sưu tập những sách báo cũ nước ngoài để tìm kiểu chữ lạ. Có khi mua một cuốn báo dày cộm chỉ để lấy hàng chữ đem về cắt ra dán vào bìa làm tựa cho một cuốn sách. Người thiết kế bìa báo hay bìa sách không hoàn toàn chủ động cho đến khi ấn phẩm được in ra, có khi còn đợi… hên xui của kỹ thuật nhà in (vì thế cũng có đôi kỳ làm bìa báo tôi đã tự mình làm lấy những công đoạn chuyên môn của nhà in). Tôi rất ham làm ra các ấn phẩm nên khi có chiếc computer đầu tiên là tôi cài photoshop và say mê với nó. Ngày nay với một thiết kế ấn phẩm nó có thể chui từ máy nhà mình, phóng thẳng tới nhà in và chạy ra một ấn phẩm hoàn toàn theo ý muốn, phong phú cả màu sắc lẫn chữ nghĩa. Tất cả dễ dàng hơn rất nhiều so với thời kỳ làm báo theo lối thủ công. Tranh dùng để làm bìa báo hay bìa sách thường là những hình vẽ nhỏ hoặc đôi khi lấy ra từ một bức tranh, tự chụp qua máy riêng. Có khi những bìa báo xuân này là từ những bức sơn dầu trên vải, có tấm khổ khá lớn, được đem thẳng tới nhà in để trực tiếp qua máy tách phim bốn màu của kỹ thuật ấn loát”.
Việc vẽ bìa và minh họa trên báo Tuổi Ngọc với họa sĩ Đinh Tiến Luyện là một kỷ niệm đẹp thời trai trẻ của ông. Ông bộc bạch: “Tôi mê vẽ trước khi mê viết. Làm báo, lại là giữ chân Thư ký tòa soạn nên có dịp “tung hoành” (cũng có khi là bất đắc dĩ). Tôi biết có nhiều tay vẽ tay viết cừ khôi hơn tôi nhiều lần nhưng vì không có cơ hội nên vẫn ẩn danh đó thôi. Cám ơn Tuổi Ngọc vì đã tạo cơ hội để tôi thể hiện được đam mê của mình một thời. Thêm sự cổ vũ của bạn đọc nữa, chính họ đã định danh định hướng và dựng cho tôi cái “nhà” dù tôi chỉ xứng ở một góc mọn nào trong cái nhà ấy. Như anh Duyên Anh, người bạn vong niên của tôi, người Anh Cả của những cây viết Tuổi Ngọc môt thời, chúng tôi không quan tâm mình đã có đóng góp như thế nào cho nền văn học, để đáng kể xướng danh và được đứng trong cái nền vinh dự ấy. Chúng tôi chỉ mong thể hiện hết đam mê của mình, cái thật mà mình có. Cái cống hiến cụ thể thấy được là số lượng ấn bản được in ra và sự đón nhận của độc giả. Làm báo có thể không thành công, nhưng làm xuất bản nhóm Tuổi Ngọc luôn có tác phẩm bestseller trong thời gian dài”.
Trích dẫn: Lê Thiếu Nhơn (Blogspot)
Thánh Địa Việt Nam Học
Phương Thuý Hoàng, Hoan Pham và 5 người khác
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét