Ngày xưa còn bé... bị đau bụng không rõ nguyên nhân, được ông anh hàng xóm bắt nằm xuống giựt lưng một cái "rắc" là khỏi luôn. Anh ấy gọi đấy là đau bụng "bão"...
ĐAU BỤNG ... GIÓ
*Mai Hữu Phước
Có những trường hợp đau bụng mà điều trị hay không điều trị cũng... khỏi. Cơn đau nhiều khi có biểu hiện bên ngoài khá dữ dội, khiến người nhà lo lắng vội vàng đưa bệnh nhân đi khám. Bác sĩ cho làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim nhưng nguyên nhân gây ra cơn đau vẫn cứ... mịt mù.
Qua nhiều lần đau như vậy, người bệnh và người nhà cũng quen dần với tình huống, có khi đi khám dùng thuốc, có lúc lại âm thầm chịu đựng cho qua cơn. Trong dân gian gọi loại đau bụng này là “đau bụng gió”.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, “đau bụng gió” thực chất là loại đau bụng do rối loạn thần kinh chức năng. Cơn đau bụng xảy ra đột ngột sau những tác động từ môi trường, đặc biệt như là... gió. Các cháu gái độ tuổi dậy thì cũng thấy đau tương tự, điều này có lẽ liên quan đến những biến đổi tâm sinh lý, khi lớn dần sẽ tự khỏi. Điểm đặc biệt của cơn “đau bụng gió” thường là đau lâm râm khắp bụng mà không có điểm đau khu trú, điển hình như trong đau bụng do ruột thừa viêm (vùng hố chậu phải), đau dạ dày (vùng thượng vị) hoặc đau gan (vùng hạ sườn). Khi được nằm nghỉ cơn đau sẽ khỏi nhanh.
Về mặt cơ chế mà nói thì các cơ quan nội tạng của cơ thể người được điều khiển hoạt động bởi hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh thực vật lại chia thành hai “lưỡng viện” đối nghịch nhau. Đó là hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Cơ thể sẽ bình thường, thỏa mái khi “lưỡng viện” phối hợp nhịp nhàng và cân bằng trong các hoạt động; trái lại thì “sinh chuyện”. Hiện tượng “đau bụng gió” xảy ra là do hệ thần kinh đối giao cảm bị kích thích hoạt động mạnh hơn hệ thần kinh giao cảm, khiến cho cơ thành ruột co thắt, nhu động ruột gia tăng và tăng xuất tiết dịch tiêu hóa.
Như đã nói, về mặt y học thì đây là loại đau bụng do rối loạn thần kinh chức năng. Nên khi nghỉ ngơi, cơ thể sẽ tự điều chỉnh. Do vậy mà có dùng thuốc hay không dùng thuốc thì bệnh cũng... tự khỏi.
Ths.BsCKI.MAI HỮU PHƯỚC
*Hình ảnh minh họa Ban Mê Thuột năm 1948.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét