Những bài học đầu tiên như còn nguyên giá trị nhân văn để hôm nay tôi trở thành một con người hữu dụng... (*Ảnh Lớp Nhì B (1966-1967) Tiểu Học Nguyễn Công Trứ Ban Mê Thuột)
BÀI HỌC VỠ LÒNG
*Mây Ngàn Phương
...
... ... Ngày đầu tiên má tôi dẫn tôi vào trường, tôi thấy cô giáo tôi sao giống một bà tiên. Dáng cô nhỏ nhắn, mảnh mai trong chiếc áo dài màu ngà. Nước da cô trắng như bông bưởi. Cô cười hiền lành và hỏi má tôi một vài câu chuyện về tôi. Má tôi nói chuyện với cô lâu hơn những phụ huynh khác vì hoàn cảnh tôi đặc biệt. Cô giáo thấy má tôi còn đội khăn tang trắng và tôi vẫn còn gắn trên ve áo trước ngực miếng vải nhỏ để tang cho ba tôi. Ánh mắt cô nhìn tôi ái ngại pha lẫn sự thông cảm và chia sẻ. Cái lớp học nhỏ bé đó đã in mãi vào đầu óc thơ ngây của tôi một ấn tượng ấm áp, thánh thiện, và yên bình. Khi má tôi ra về, tôi chạy theo khóc. Nhưng cô giáo đã dịu dàng nắm tay tôi dỗ dành và nói rằng tôi sẽ tìm được niềm vui trong tổ ấm học đường.
Trường tôi nằm trong một mảnh đất rộng lớn, hình chữ nhật. Phía trước có cái cổng sắt cao luôn mở rộng. Và nó chỉ đóng lại sau khi đến giờ học và sau khi tan trường. Người gát cổng chỉ cho phép học sinh và thân nhân vào sân trường. Người lạ vào trường cần phải có giấy phép của Hiệu Trưởng. Bên tay trái là văn phòng của bà Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và Ban Giảng Huấn được xây ăn thông với hành lang dài nối liền với các lớp học. Bà Hiệu Trưởng là nhân vật tôi nhớ nhiều. Dáng bà cao lớn, khuôn mặt phúc hậu, có hai cái đồng tiền rất sâu khắc trên má. Bà bới đầu lèo, một kiểu tóc xưa nhưng rất hợp với phong cách sang trọng của bà. Tôi chưa một lần tiếp xúc với bà nhưng tôi kính trọng và có phần sợ bà hơn cả má tôi. Bên phải cũng có một hành lang dài, xây trên cao có bậc tam cấp. Ở đó có gian hàng bán bánh, trái, nước ngọt, kẹo bánh cho học sinh. Ở cuối góc trái sát bên lớp Mẫu Giáo có treo một cái trống lớn, sơn màu đỏ. Khi đến giờ học, học sinh lớp Nhì và lớp Nhất phải đánh trống báo hiệu vào lớp. Một cột cờ giữa sân trường. Lá cờ vàng ba sọc đỏ in rõ trên nền trời đầy nắng bay phất phới.
Lớp học của tôi không treo những biểu ngữ dao to búa lớn hay những tư tưởng cao siêu. Hầu như lớp nào cũng chỉ có những khẩu hiệu quen thuộc như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon.”, “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”, “Vâng lời thầy cô, nghe lời cha mẹ”, “Tiên học lễ, hậu học văn.”, “Lá lành đùm lá rách.”, “Tuân theo luật giao thông.”… Mỗi tháng, cô giáo tôi thay đổi những biểu ngữ trên tường cho phù hợp với bài giảng tại lớp. Tôi luôn luôn phải đi học đúng giờ. Nếu tôi đi trễ và thấy nhà trường đang chào cờ thì phải ngã mũ xuống đứng nghiêm trang chào cờ. Không phải riêng tôi mà tất cả những người đi đường cũng phải dừng xe lại ngã mủ chào cờ. Học sinh nào ăn không biết bỏ rác vào thùng rác đúng quy định sẽ bị cấm túc đi lượm rác quanh trường. Ai bị cấm túc thì thật là xấu hổ.
Suốt năm năm học tiểu học, tôi được huấn luyện trở thành một công dân nhỏ. Tôi không còn đi học trễ, nhõng nhẽo, ăn quà vặt dọc đường. Tôi không dám cãi nhau với bạn học, không băng qua đường trái quy định. Mỗi sáng vào lớp phải đứng xếp hàng. Ai thấp đứng trước, cao đứng sau và đi từng hàng một vào lớp. Khi cô giáo vào lớp, cả lớp phải đứng dậy chào. Lớp trưởng ra lệnh và tất cả đồng thanh nói “Chúng em xin kính chào cô.” Nội quy trong trường rất nghiêm ngặt buộc những đứa nghịch ngợm, phá phách nhất cũng phải tuân theo.
Lớp Năm thì chúng tôi học nhiều về Tập Viết, Tập Đọc, Chính Tả, Vệ Sinh Thường Thức, Toán…Lớp Ba trở lên ngoài những môn học như Toán, Tập Đọc, Tập Làm Văn, Thường Thức, Thủ Công, Tập Viết, Sử, Địa...Chúng tôi còn được dạy về môn Công Dân Giáo Dục. Bộ môn nầy không đi sâu vào vấn đề chính trị mà chỉ giáo dục hướng dẫn học sinh các luật lệ và ứng xử của một công dân trong cộng đồng xã hội văn minh. Môn Công Dân Giáo Dục không hề dạy chém giết, thù hận, trả thù, tranh đấu, chính trị…mà chỉ đơn giản dạy chúng tôi cách sống làm người như thế nào để có thể trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội và đất nước.
Từ bé, ba má tôi dạy rằng phải nhường cơm, sẻ áo cho những người khốn cùng. Không tham khi lượm được của rơi. Những bài tôi học trong trường thường mang những nội dung về tấm lòng nhân ái, giúp người như là “thấy người già, người tàn tật, người mù không băng qua đường được thì phải giúp đỡ. Lên xe, thấy đàn bà có thai, trẻ em, người già thì phải nhường ghế cho họ ngồi.” Có hai bài thơ tôi nhớ nhất là bài: “Miền Trung Bị Bão Lụt” trong sách giáo khoa thư do Bộ Giáo Dục Biên Soạn:
MIỀN TRUNG BI BÃO LỤT
Miền Trung bị bão lụt
Người vật của tiêu hao
Em nghe mẹ khuyên bảo
Con nên giúp đồng bào
Em soạn chiếc áo ấm
Vội vã gởi ra Trung
Chiếc áo không đáng giá
Nhưng gói trọn tình thương.
Giáo dục về giao thông thì hàng tuần chúng tôi phải học thuộc nhiều bài thơ khác nhau để trả bài cho thầy. Thầy tôi còn hỏi chúng tôi về những dấu hiệu trên đường, và làm cách nào để không gây ra tai nạn cho mình và cho người khác. Tôi học rất nhiều bài thơ về luật giao thông. Nhưng tôi nhớ rõ bài “Luật Đi Đường” với những câu đơn giản như sau:
LUẬT ĐI ĐƯỜNG
Ngoài đường xe chạy dập dìu
Em nên cẩn thận sợ nhiều rủi ro
Đi tay mặt mới khỏi lo
Muốn băng qua lộ mắt nheo ngó chừng
Ngắm xem sau trước ân cần
Thấy xe sắp đến thì đừng chạy qua
Đôi khi xe trước vừa qua
Xe sau chạy tới mà ta không ngờ
Ngã tư xem xét bốn bề
Xe to xe nhỏ sắp kề cận ta…
Ngoài đường phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về luật giao thông, vệ sinh đường phố. Ở trong trường phải chăm lo học hành và chứng tỏ học trò ngoan. Về nhà, phải giúp đỡ cha mẹ, anh chị và vâng lời cha mẹ.
Chỉ học bao nhiêu đó mà cả đời tôi thực hành cũng đã mệt. Những bài học vỡ lòng đâu phải là những gì cao xa, vĩ đại. Nhưng sống ép mình với nó, chấp nhận nó như một chân lý ứng xử ở đời, thì khi lớn lên, ta mới có thể hiểu được rằng xã hội tốt thì cần phải có con người tốt. Muốn có con người tốt thì phải có một nền giáo dục nhân bản, tích cực và phục vụ mọi người trong xã hội.
Người thầy giáo đứng trên bục giảng phải là một tấm gương sáng. Thầy giáo không thể dạy cho học sinh những đều dối trá.
Cha mẹ phải dạy con có đời sống lành mạnh, tốt với mọi người xung quanh và trở thành một công dân tốt để phục vụ cho quê hương, dân tộc?
Khi con người không được giáo dục về cách ứng xử trong đời sống thì những lý thuyết xa vời chỉ là những cái bánh vẽ. Những lời dối trá và không thực tế sẽ đẻ ra những con người hoang tưởng tự đề cao khả năng, đạo đức bản thân một cách lố bịch.
Một nền giáo dục nhân bản sẽ giúp con người có một kỷ luật nề nếp từ khi còn bé. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người xung quanh.
...
...
MÂY NGÀN PHƯƠNG
*Ảnh Lớp Nhì B (1966-1967) Tiểu Học Nguyễn Công Trứ Ban Mê Thuột (nguồn từ chị Tuyến Lê)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét