Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

TỤC XIN XĂM NGÀY TẾT *Ngọc Hiệp Phạm

Một nét văn hóa dân gian...
TỤC XIN XĂM NGÀY TẾT
*Ngọc Hiệp Phạm
...
Khi xưa ngày xuân đến lễ tại lăng Ông, có lẽ các bà các cô không thể bỏ qua tục xin xăm. Xăm, theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải nghĩa: Que thẻ xin thần thánh ứng cho để biết việc tương lai. Xăm ở lăng Ông gồm 100 thẻ tre bỏ vào một ống, trông tựa như những chiếc đũa trong ống đũa, mỗi thẻ đánh môt con số. Trước khi xin xăm người xin quỳ lạy, khấn vái Ông, sau đó cầm nghiêng nghiêng xóc chiếc ống đựng thẻ, cho tới khi rơi ra một thẻ. Thẻ này có ghi số, người xin nhìn và nhớ số rồi ra nói số, người ở lăng sẽ phát cho một lá xăm ứng với con số mình được. Lá xăm có 2 măt, một mặt ghi theo âm Hán Việt, một mặt ghi chữ Việt, trong lá xăm có ghi những điều tốt, xấu của mình trong năm về đủ mọi mặt. Nghe nói trong 100 lá xăm (ứng với 100 thẻ trong ống), có 1/3 là lá xăm tốt, 1/3 là lá xăm trung bình có tốt có xấu, còn 1/3 là lá thăm xấu. Người gặp được lá xăm tốt dĩ nhiên rất vui mừng, gặp lá xăm trung bình cũng tạm được, còn nếu gặp lá xăm xấu chắc chắn sẽ không mấy vui, thường người ta mang lá xăm xấu đi hóa (đi đốt).
Ngày xưa gần như chỉ có các bà, các cô dẫn theo con cháu đi lễ lăng Ông và xin xăm, quý ông có đến lăng cũng không tham gia. Ngày nay tục xin xăm vẫn còn thấy tại lăng Ông, nhưng quý ông tham gia xin xăm khá nhiều, cũng thành tâm quỳ lạy và xóc xin thẻ, không kém gì quý bà.
Cùng với tục xin xăm còn có tục xin keo, cũng còn gọi là xin âm dương... Xin xăm là xin lá xăm có ghi vận mệnh may, rủi của mình trong năm, còn xin keo là khi người ta muốn cầu một việc gì quan trọng, chẳng hạn việc thi cử, lấy chồng lấy vợ, làm ăn buôn bán... cũng quỳ thành tâm khấn vái, và cầm 2 miếng gỗ âm dương lên thả rơi xuống chiếu (nếu là 2 đồng xu thì cầm lên và bỏ rơi vào chiếc đĩa). Nếu 2 miếng gỗ rơi xuống có một miếng xấp một miếng ngửa (2 mặt khác nhau, một âm một dương), hoặc 2 đồng xu ra 2 mặt khác nhau thì coi như mọi việc hanh thông, việc cầu xin của mình sẽ có kết quả tốt. ...
Đây là một tục lệ xưa lâu đời, phát xuất từ Đạo giáo, cũng là một nét văn hóa dân gian, nhưng có lẽ cũng không nên quá tin tưởng vào cái tục mang nhiều nét may rủi này.
Ngọc Hiệp Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét