Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

LỄ HỘI "BẾN NƯỚC" ĐÓN XUÂN

Xứ Thượng ...
LỄ HỘI "BẾN NƯỚC" ĐÓN XUÂN
Người Ê Đê có một lễ hội độc đáo vào cuối tháng Chạp. Sau ngày trăng tròn, buôn làng sắm sửa lễ cúng “bến nước”, cầu thần linh sang xuân ban cho dân làng dồi dào sức khỏe, làm ăn khá giả...
...
Lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê. Chủ bến nước là người phát hiện ra bến nước hay vùng đất định cư của buôn làng. Chủ bến nước có quyền chia đất ở, đất làm rẫy, đất chôn cất người chết và tổ chức các lễ hội. Bến nước là “phần hồn” của các buôn làng, dù đã có nước máy để dùng trong sinh hoạt, nhưng người Ê Đê vẫn dùng nước lấy từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Ê Đê hình thành một truyền thống tốt đẹp là trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Họ quan niệm thời du canh du cư, nhịn ăn suốt cả tuần, nhưng vẫn sống nhờ uống nước cầm hơi. Có được một nguồn nước trong, lành thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ nó.
...
Theo phong tục, lễ cúng bến nước tưng bừng diễn ra trong 3 ngày: Ngày thứ nhất, sáng sớm dân trong buôn đã tập trung đông đủ tại nhà chủ bến nước. Đàn ông chuẩn bị các lễ vật, phụ nữ thì lo việc bếp núc...
Đoàn người do thầy cúng dẫn đầu đi ra bến nước làm lễ... Đến nơi, bày lễ vật ra, thầy cúng khấn cầu xin Giàng phù hộ cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn uống nguồn nước này đều mạnh khỏe. Khấn cầu xong, thầy cúng cầm dao chém vào dòng nước, ngụ ý đuổi cái xấu đi. Các cô gái và chàng trai mang những quả bầu khô và ống tre hứng đầy nước. Lúc trở về nhà, các cô gái, chàng trai cầm quả bầu, ống nước lần lượt đổ vào các ché rượu cần để mời Giàng và Tổ tiên về uống rượu, chứng kiến buôn làng làm lễ cúng.
Ngày thứ hai người dân trong buôn cũng tập trung tại nhà chủ bến nước. Đường vào buôn bắt đầu đặt cây chắn ngang, buộc các loại chỉ hồng, lông gà… để báo cho khách lạ biết hôm nay trong buôn làng có việc, cấm người lạ vào buôn. Đồng thời, mọi sinh hoạt của người dân trong buôn như gùi nước, chẻ củi, giặt giũ… đều bị cấm...
Ngày thứ ba, hoàn tất nghi lễ cúng bến nước, Già làng, chủ bến nước và thầy cúng cùng ra mở cổng làng. Sau đó họ về nhà Gươl đọc lời khấn kết thúc nghi lễ. Sau đó, dân làng được đi săn, bắt cá, làm nương rẫy, sinh hoạt trở lại bình thường…
Không đơn thuần là tín ngưỡng, lễ cúng bến nước còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, giàu bản sắc dân tộc Ê Đê...
Vũ Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét