Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

ĐI LỄ CHÙA CUỐI NĂM

Ngày ba mươi Tết của cuộc đời...
ĐI LỄ CHÙA CUỐI NĂM
Lịch Tây đã sang năm mới, nhưng lịch ta đang xuôi về cuối năm. Con gái 12 tuổi của tôi bất chợt hỏi: “Sao gọi là ba ngày tết, ba?”. Lại một ca khó đây. Thỉnh thoảng cô gái nhỏ làm tôi lúng túng, khó trả lời cặn kẽ...
Quê tôi, người ta còn gọi “Mùng một tết cha, mùng hai tết bạn, mùng ba tết thầy”. Đấng sinh thành cha, mẹ, không phân biệt nội, ngoại.“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ” còn là biểu trưng của nguồn cội tổ tiên. “Mùng hai tết bạn” - Có lẽ cha ông xưa xuôi về phương Nam mở cõi, trước bao hiểm nguy sói hung, hổ dữ, thì ngoài gia tộc, là xóm làng, bè bạn sống chết có nhau. Nên ngày tết không chỉ là ngày của gia đình, mà còn là ngày của bạn bè, lối xóm.
Sau khi chăm chú nghe ý nghĩa nhân văn của ba ngày tết, con gái tôi bảo: “Phải gọi là bốn ngày tết mới đúng chớ ba, sao lại bỏ ngày ba mươi”. Cuối năm cũng là dịp lễ chùa. Và con gái tự thêm vào “Ba mươi tết chùa”.
Ngôi chùa! Tôi rời quê ra phố hơn 35 năm, mỗi dịp tết về lại chốn xưa. Cái xóm nhỏ có ngôi chùa...
Âm thanh quen thuộc đi vào ký ức tuổi thơ tôi là tiếng trống chùa vang lên điểm sang canh giữa đêm khuya. Thỉnh thoảng tiếng trống chùa hòa tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Thời trước, dân xứ tôi không nhà nào có cái đồng hồ xem giờ. Tiếng trống chùa, chuông nhà thờ chính là đồng hồ báo thức của cả xóm. Má tôi theo cái âm thanh đó mà thức dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Bọn trẻ chúng tôi thì lấy đó làm giờ báo thức để dậy học bài. Nhớ xưa má bảo, học trò phải dậy sớm học bài khi bụng còn đói, học như ăn cơm, nuốt chữ mới mau thuộc, nhớ dai. Kinh nghiệm học bài của người không biết chữ như má tôi vậy mà hiệu nghiệm. Anh em tôi ai cũng học giỏi. Tiếc vì nhà nghèo, đông anh em mà các chị tôi đều phải bỏ học nửa chừng để các em trai được học tiếp, ra trường huyện, lên trường tỉnh, rồi đi Sài Gòn, để sau này có những năm tháng du học xứ người. Mấy mươi năm lạc loài nơi phố thị, ký ức tuổi thơ tôi còn vẳng xa tiếng trống chùa.
Lễ chùa, trong tâm thức của nhiều người Việt không chỉ là cầu an, đặng phước, mà còn là từ tâm, tìm về thanh thản, nên ngày tết cũng là dịp lễ chùa. “Ba mươi tết chùa”, lần đầu tiên nghe con gái gọi lạ, nhưng ngẫm ra có lý. Ba mươi tết là ngày “rước ông bà” về chung vui với con cháu. Đêm ba mươi là thời khắc giao thừa, chuyển giao cũ – mới. Ý nghĩa “ba mươi tết chùa” không chỉ hạn hẹp trong lễ chùa mà còn là từ tâm ở đời, nên ngày tết đâu dễ quên.
...
(Theo Thesaigontimes.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét