Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

LỄ HỘI SẮC BÙA NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI MƯỜNG

Tiếng cồng chiêng gọi bạn nơi rừng thẳm. Tiếng cồng chiêng vui duyên đôi lứa, ngày hội đầu xuân...
LỄ HỘI SẮC BÙA NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI MƯỜNG
Theo người Mường, sắc bùa còn được gọi là xéc bùa, có nghĩa là xách cồng. Đây là hoạt động không thể thiếu của bà con dân tộc Mường nhân dịp năm mới, cũng là lúc đón khách quý từ xa tới thăm, tạo tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Sắc bùa là một trong những phong tục không thể thiếu trong dịp Tết của người Mường xưa. Âm vang cồng chiên, trong đó điểm nhấn là tiếng “khầm” như làn sóng mạnh giúp xua đuổi cái xấu, ma quỷ. Việc diễn tấu cồng chiêng sắc bùa đầu xuân không những tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp đầu xuân mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm đuổi quỷ, xua ma, cầu yên lành cho dân làng, tình đoàn kết cộng đồng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa mang bội thu.
Sắc bùa thường do những người biết đánh cồng, hát và tự thành lập thành một phường bùa. Một phường bùa gồm 12 người, tượng trưng với bộ cồng chiêng 12 chiếc – là 12 tháng trong năm. Thường, người hát hay, đánh cồng giỏi sẽ đứng đầu phường bùa. Trang phục cho những người sắc bùa không cần cầu kỳ nhưng phải đẹp. Nữ phải mặc váy áo Mường, tay đeo vòng, kiềng, xích bạc, nam mặc áo dài chít khăn đầu rìu.
Sau mùng hai tết, phường bùa sẽ đi sắc các gia đình trong bản và những ngày sau đó có thể đi sắc các bản khác. Phường bùa đi đến đâu, không khí rộn rã đến đó. Những nhà biết phường bùa đang tới thì sẽ chuẩn bị nghênh tiếp. Phường bùa sẽ hát những bài có lời chúc tụng, mong gia đình sang năm mới hạnh phúc, sức khỏe.
Hát xong, gia chủ sẽ mời phường bùa vào nhà và cùng chúc nhau chén rượu năm mới, nhâm nhi các món ăn cổ truyền. Trong men rượu nồng ca, họ hân hoan thi thố tài năng bằng các làn điệu truyền thống. Trước khi ra về, chủ nhà sẽ mang bánh và những thứ quà ngon để tặng thay lời cảm ơn đối với phường bùa. Và cứ thế, phường bùa đi khắp các nhà, mang lại không khí tươi vui cho mùa xuân.
Với ý nghĩa cầu bình yên, cầu nhân khang vật thịnh, cầu bản làng đoàn kết nên sinh hoạt sắc bùa mang đậm giá trị nhân văn, tín ngưỡng phồn thực. Mong rằng, phong tục hát Sắc Bùa này sẽ được lưu giữ và phát triển hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét