Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Ông thần bếp của mẹ... *Nguyễn Thị Phinh

Ông thần bếp của mẹ...
KIỀNG BA CHÂN
*Nguyễn Thị Phinh
Mẹ bảo Ông thần bếp sẽ giữ ấm cho cả nhà, năm mới thì cái gì cũng phải đỏ…“Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu” và mẹ luôn làm bạn với cái kiềng ba chân không chỉ những ngày bình thường mà cả những ngày tết. Mẹ là người mẹ quê với những quan điểm rất Việt.
Mùng một, mẹ dậy sớm mở cửa để đón hương tết vào nhà. Mẹ vươn vai rồi bắt đầu xuống bếp, cái nơi mà mẹ bảo là có Ông thần bếp đang trông nhà, lại lạch cạch với dao, với thớt, với rơm rạ để cho ra bữa ăn đầu năm đầm ấm…
Nghe những thanh âm quen thuộc ấy vào năm mới, tôi chạy xuống bếp, thấy mẹ đang hì hụi đun nấu. Tôi dụi mắt: “Sao mẹ dậy sớm thế?”. Mẹ chỉ cười hiền: “Phải dậy sớm để cả năm cũng sẽ dậy sớm và khỏe mạnh con ạ”.
Không biết mẹ nói thật hay đùa nhưng đúng là tết năm nào mẹ cũng là người dậy sớm nhất nhà. Cả năm làm rồi, tết nghỉ ngơi cho sướng nhưng mẹ bảo ngày đầu năm phải nhanh nhảu thì cả năm trời mới suôn sẻ, thuận lợi được.
Chưa đến tết nhưng tôi đã lên lịch đi chơi sẵn từ trước đó. Mùng một đi chơi với bạn, mùng hai đi tết thầy cô, đến mùng 3 thì chúc tết nhà họ hàng. Đối với tôi thì tết là dịp để thảnh thơi, chơi cho bõ những ngày học hành vất vả. Lúc nào tôi thấy đói thì lủi về nhà, ăn vội bát cơm rồi chạy biến. Tôi ăn hồn nhiên và vô tư như mọi ngày. Tôi quên mất rằng mẹ vẫn đang tận tụy với cái bếp rơm.
Tết của mẹ là cái bếp kiềng ba chân với rơm rạ, với nhọ nồi đen nhẻm. Tết của mẹ là nồi niêu, là hành tỏi, cải bắp, là những món ăn dân giã đầu năm cúng tổ tiên. Tết của mẹ là đi ra đi vào, “hai tay cầm củ xu hào”. Mẹ đã làm bạn với cái bếp lửa quen thuộc bao năm, cho bố con tôi những bữa ăn đạm bạc, chưa lúc nào thấy mẹ thở than, nghỉ tay. Với bố con tôi, mẹ lúc nào cũng dịu dàng, dịu dàng từa tựa và chất chứa trong từng món ăn mẹ nấu.
Bố đã mua bếp ga để mẹ đỡ vất vả nhưng mẹ vẫn giữ cái bếp kiềng lại. Mẹ bảo không khí gia đình có ấm áp hay không là ở cái bếp; dùng bếp ga không quen lại tốn tiền, cứ thổi cơm bằng bếp rơm là ngon nhất, cơm vừa dẻo lại thơm. Mẹ vẫn giữ thói quen làm ấm ngôi nhà với niêu cơm nấu bằng rơm rạ, bằng những lớp nhọ nồi bám trên đôi bàn tay gầy sạm.
Mẹ bảo bếp kiềng chính là Ông thần bếp nên phải được trân trọng. Ngày xưa bà Ngoại cũng nói với mẹ thế! Cái bếp kiềng này là bà Ngoại mua cho mẹ từ cái ngày mẹ đi lấy chồng. Người ta tặng tiền, tặng vàng làm của hồi môn, còn bà Ngoại tặng mẹ cái kiềng ba chân để giữ ấm cho khuôn bếp mỗi ngày. Cũng đã mấy chục năm rồi mà cái bếp kiềng ba chân của mẹ vẫn vững chãi.
Trong câu chuyện của mẹ luôn có đâu đây lời bà Ngoại nói, thi thoảng mẹ lại bóng gió nói lại cho chị em tôi nghe. Mẹ bảo con gái lớn là phải biết bếp núc, phải nhóm lửa sưởi ấm cho ông thần bếp để nhận được hạnh phúc cả năm.
Tôi từng nghĩ mẹ quê mùa, mê tín. Nhưng dần dà tôi hiểu rằng trong cái mê tín, quê mùa của mẹ là cả sự bao dung, chân chất của một người mẹ vì gia đình. Bếp rơm luôn rực hồng, mẹ bảo lửa mang lại cái “đỏ” cho cả năm. Một lát sau thì mẹ đã dọn xong bữa cơm cúng gia tiên đầu năm mới.
Mùng hai, mẹ lại châm lửa vào nhúm rơm khô. Mẹ bảo năm mới phải ăn cơm mới, phải nấu nhiều để cả năm no đủ. Nhất là đầu năm cơm phải dẻo ngon, gia đình mới yên ấm, bình lặng và hạnh phúc. Ông thần bếp của mẹ đã cho bố con tôi những bữa cơm dung dị như thế đấy!
Mùng ba, lửa trong căn bếp nhà tôi lại đỏ…
Nguyễn Thị Phinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét