Làng Mường ở thị trấn Buôn Trấp...
ĐÌNH PHÚ ĐỨC
Đình Phú Đức nằm ở một vị trí khiêm tốn dưới tán ba cây cầy, trong làng Mường của thôn Phú Đức, thị trấn Buôn Trấp. Làng Mường đã có trước từ năm 1956 cùng với làn sóng đổ dân định cư từ thời Ông Diệm.
Nhưng sau đó ít lâu, do tình hình an ninh xấu đi một cách nghiêm trọng, làng phải dời ra cây số 5, nhập với làng Mường Hòa Bình. Đa số gia đình thuộc Mường Thanh Sơn, Phú Thọ trôi dạt theo đời lính chiến lên tận tỉnh KonTum, vùng Đăk Tô, Tân Cảnh.
Sau năm 1972 "mùa hè đỏ lửa", họ lại dắt dìu nhau quay về làng Hòa Bình cho đến ngày Banmêthuột bị thất thủ... Không cần đợi đến chính sách Kinh Tế Mới ngày ấy, Tháng 8 năm 1975, những người Mường Phú Thọ này rủ nhau cắt rừng tìm lại chỗ ngày xưa họ đã từng ở trong Buôn Trấp... với những cánh đồng đặc kín cánh cò... với hai dòng Krông Ana, Krông Knô đầy tôm cá...
Một làng Mường có tên Phú Đức được hình thành cho đến ngày nay. Họ vẫn cố gắng giữ gìn những phong tục cổ truyền của người Mường trước sự xâm lấn, xô bồ của văn hóa hiện đại...
Hôm nay, họ đã làm tất cả tại Đình Phú Đức, chuẩn bị sẵn sàng cho lễ Mùng 7 Tết hằng năm... Cho dù không hoành tráng bằng lễ tổ chức ở làng Mường Hòa Bình ngoài BMT, nhưng họ luôn duy trì ngày lễ này như mang lại một niềm vui tâm linh cho mọi người, thôn xóm...
Họ nhắc nhở cho con cháu về lễ hội Mùng 7 Tết là lễ hội xuống đồng, mở cửa rừng. Sau lễ hội, người dân xuống đồng và lên rừng sản xuất. Lễ hội là sự khởi đầu cho một năm mới, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no...
Phạm Đình Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét