Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Trong con mắt tuổi thơ... BÀ PHƯỚC



Trong con mắt tuổi thơ...
BÀ PHƯỚC
Hình ảnh những nữ tu thánh thiện đội lúp trắng thật to đã gây ấn tượng mạnh cho tôi từ bé. Tôi gọi họ là thiên thần. Mấy người già thì bảo đó là những bà phước (có lẽ bởi họ chuyên đi làm phước). Còn thằng bạn tôi thì bảo đó là mấy “bà sơ”; bà nào mặc áo đen thì gọi là “me sơ”, bà nào mặc áo xanh thì gọi là “ma sơ”. Đám bạn tôi còn kháo nhau mấy “bà sơ” không có tóc, nhưng thằng bạn tôi khẳng định: tóc “bà sơ’ màu đỏ hoe, xoăn xoăn chẳng khác gì râu ngô, trông khiếp lắm!
Thằng bạn tôi rất giỏi, rất thông minh, nó biết tất cả mọi sự trên đời. Chỉ phải cái tội nghịch! Nghịch hơn cả quỉ!
Tôi còn nhớ như in, năm học lớp 7, đang tuổi ăn tuổi chơi lại phải “rèn” trong trường nội trú đến là khổ! Kỷ luật thép, giờ nào việc nấy, việc nào chỗ nấy, giờ ăn, giờ chơi, giờ học, giờ ngủ tách bạch, rõ ràng. Thế mà nó biến báo khôn lường! Một hôm nó đưa tôi một cục màu trắng, to hơn viên bi, được chế biến giống như kẹo bột, ăn béo béo, ngọt, thơm. Nó bảo: “Sữa bà sơ đấy!” Tôi tròn mắt. Sữa Ông Thọ, sữa Chim Trắng thì có chứ sữa bà sơ thì chưa nghe bao giờ. Nó phẩy tay rất điệu nghệ: “Đi theo tao, vô khối, ăn cả đời mày cũng chả hết”.
Nó dắt tôi vào khu vực kho của trường. Chưa bao giờ tôi dám bước chân đến đây, thế mà nó cứ thản nhiên như không. Có một cánh cửa khép hờ, nó kéo tay tôi lách vô. Chưa kịp định thần, tôi nghe có tiếng khoá lách cách phía sau. Trong phòng tối om om. Nó ấn vào tay tôi cái hộp to: “Sữa bà sơ đó. Tha hồ ăn!”. Quen dần bóng tối, tôi thấy lơ mờ xung quanh chất toàn những thùng vuông vuông mà nó gọi là sữa bà sơ. Nhưng còn hồn vía đâu nữa mà mơ tưởng đến ăn cơ chứ! Bây giờ, cốt làm sao thoát khỏi cái nhà kho này là được. Nếu bị phát hiện thì “ao” chứ chẳng chơi! (“ao” có nghĩa là bị đuổi khỏi trường). Tôi đã chực khóc. Nó bảo: “Không phải lo, tí nữa cửa mở thì mình phóng ra ngay, bà sơ không bắt được mình đâu”.
Một lúc, một lúc mà tưởng chừng như hơn thế kỷ, cửa mở thật. Nó nắm tay tôi lao nhanh ra ngoài. Thế là thoát. Nhưng ngộ nhỡ “bà sơ” nhận ra mình rồi lên báo Cha giám luật thì sao? Mấy ngày trời, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị kêu tên lên văn phòng…
Hôm ấy, đang đứng thơ thẩn, “bà sơ” đến dúi vào tay tôi một gói to: “Em cất đi, để dành mà ăn”. Cái gì thế này? - “Sữa bà sơ!”. Đích thị là “bà sơ” đã nhận ra mình hôm đột nhập kho. Nhưng sao “bà sơ” không báo giám luật nhỉ?...
Ôi! Hình ảnh “bà sơ” bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Họ đúng là những thiên thần!
Vũ Đình Bình
...
Tôi luôn nhớ đến bài học được các soeur giảng từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng qua bản dịch của Hà Mai Anh và cuốn Luân lý giáo khoa thư. Các bài học về lòng nhân ái, về sự khiêm nhường, về sự tôn trọng,... được học từ bậc tiểu học sẽ giúp con người khi lớn lên, trở thành những công dân cần có của bất kỳ xã hội nào. Các soeur dạy tôi: Phải đứng nghiêm khi nghe quốc ca; ra đường gặp đám tang đi qua phải giở mũ cúi chào người đã khuất và chia sẻ nỗi đau với tang quyến; gặp người có tội bị cảnh sát bắt giải đi đừng nhìn họ bằng đôi mắt khinh bỉ mà hãy thương yêu họ vì biết đâu, họ không phải là tội nhân hoặc có thể do phút giây không kiềm chế được, họ phạm tội và bây giờ họ đang hối hận, ăn năn về hành vi của mình;... Những bài học đầy tính nhân văn ấy đâu phải chỉ dành cho giáo dục của một chế độ xã hội riêng nào mà đã là người thì đều cần được dạy dỗ như vậy. Các soeur dạy chúng tôi: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” khi nghe tin bão lũ vừa gây ra cảnh màn trời chiếu đất ở đâu đó. Các soeur còn cẩn thận nhắc nhở: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” và hơn thế nữa, dạy chúng tôi: “Cách cho hơn của cho”. Những bài học vỡ lòng thấm đẫm tình người, tạo nên những tâm hồn vị tha, bao dung và đáng để xã hội, để mọi người tin cậy.
(Trích trong "Tôi Đếm Cát Sa Mạc Tôi" của Lưu Vỹ Bửu đăng trênhttp://banvannghe.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét