Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

TRÁI BẦU XỨ THƯỢNG


TRÁI BẦU XỨ THƯỢNG
Đồng bào có hai loại bầu: Bầu ngọt được trồng lấy quả làm thức ăn và bầu đắng có vỏ dày và cứng, hình dáng giống trái hồ lô dùng để chế ra các dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Để bầu chế tác đồ đựng cho ra những quả to đẹp, hạt giống được bà con lựa chọn khá kĩ từ mùa vụ trước...
Trong quá trình sinh trưởng của bầu bí ngoài rẫy, bà con không làm giàn cho bầu leo mà để bò dưới đất cho đến khi thu hoạch. Thông thường thời gian từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Ngay từ khi bầu ra hoa kết trái, người ta đã chọn chăm sóc những quả có hình dáng đẹp theo ý thích và phù hợp với từng loại vật dụng định chế tác. Để cho quả bầu thật già, họ cắt về làm vỏ bầu khô.
(Theo Vũ Thị Oanh trong VỎ BẦU KHÔ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY CỦA CƯ DÂN BẢN ĐỊA KON TUM)
Cùng với cuốc, rìu, rựa ( công cụ lao động), ná ( vũ khí) thì những trái bầu khô là vật dụng thân thiết từ hàng ngàn đời nay của đồng bào các dân tộc Trường Sơn- Tây nguyên. Những trái bầu trồng trên rẫy, để đến già, hái về, qua quá trình " chế biến": ngâm nước, để lên gác bếp, lấy lá đánh lên...mà thành.Tuy màu sắc có khác nhau ( bầu của người Jrai thường đen bóng trong khi bầu của người Bah Nar, Xơ Đăng thường có màu nâu) nhưng chúng đều có các chức năng: đựng nước ( quan trọng và thường xuyên nhất) và đựng rượu. Cũng có thể nói mà không sợ quá rằng mỗi nút trái bầu làm bằng lá chuối khô, lá rừng cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ngoài chức năng ăn khít với miệng bầu giữ cho nước không chảy ra ngoài, chúng là những hình chóp nón mịn màng, sinh động như được tạo ra bởi đồ họa vi tính. Xưa kia ( cũng chỉ trên dưới vài chục năm trở lại đây) không thể hình dung bên trái mỗi góc nhà sàn của người Jrai, Bah Nar không có những trái bầu đựng nước. Tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà số lượng bầu nhiều hay ít ( Mỗi người khoảng 3, 4 trái trở lên) Lại không phải ai trong gia đình dùng quả bầu nào cũng được. Chúng hao hao giống nhau nhưng " có chủ" riêng cả đấy. Còn nhớ có lần ở xã Ia Pêt ( Chư Pả) khi đã trở nên thân thiết, tôi ngỏ ý xin một cặp trái bầu nhỏ bằng nắm tay. Chị chủ nhà cười cười, bảo: " Phải chờ đến chiều, thằng Jơng đi học về hỏi xem nó có đồng ý không, vì đó là bầu của nó." Công việc cõng nước từ các giọt nước đầu làng về thường do phụ nữ đảm nhiệm vào các buổi sáng và chiều mỗi ngày. Trong mờ ảo màn sương sớm hoặc trong vài ánh hoàng hôn cuối ngày sắp rụng, nhìn những thiếu nữ chắc khỏe, đẹp như tranh đang nghiêng mình hứng nước thì tôi tin một trái tim sắt đá nhất cũng phải xao động. Hình dáng phần dưới những trái bầu cũng lại giống bầu sữa của người mẹ- nơi cội nguồn sự sống. Mà thật lạ. Chưa thấy ai bị đau bụng khi uống nước trong bầu. Nước trong bầu rất mát và ngọt. Ngọt tới mức đã thành một thành ngữ so sánh. Để khen một người tốt nào đó, người ta nói: " Người ngọt như nước trong bầu."...
(Trích đoạn BẦU ƠI...của Chử Anh Đào trên pleikucafe.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét