Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Tiếng đàn goong

Xứ Thượng...
Tiếng đàn goong
Thoạt đầu tỉ tê, rồi rạo rực như giọng chim chơrao, da diết như con thú hoang gọi bầy. Chiều buông rơi dải nắng miên man đếm từng giọt âm thanh vọng vào vô tận. Chiều trong veo ngơ ngác giọt đàn vắt vẻo trên cao. Âm thanh ấy có lúc gào thét thác tung bọt trắng đại ngàn, khi lại róc rách suối chảy dịu hiền. Âm thanh ấy quyện gió lẻn vào tâm hồn người con gái kia. Tiếng đàn goong.( Trích "Tiếng đàn goong trên cao" của Nguyễn Tài )
Người Tây Nguyên làm ra đàn goong để thay thế cho một dàn cồng chiêng. Bạn hẳn đã biết cồng chiêng quan trọng như thế nào đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Một lúc nào đó thèm nghe tiếng cồng chiêng nhưng đâu dễ đáp ứng ngay được. Phải co nhiều người, mỗi người đảm nhận một chiếc cồng hay chiêng, người chạy giai điệu, người giữ nhịp, v.v... Còn với goong thì... chỉ một người! 11 dây đàn mắc song song với một đoạn ống nứa và chiếc vỏ bầu khô, goong có khả năng thay thế một dàn cồng chiêng hơn cả 10 chiếc!
Không chỉ thế, goong còn đặc biệt hấp dẫn khi giữ nhịp cho cây đàn k’ni “chạy” giai điệu. Cũng như nhiều nhạc cụ Tây Nguyên làm từ cây rừng, nhưng âm thanh 2 nhạc cụ này kết hợp với nhau thật nhuần nhụy, đẹp đẽ. Mỗi sớm lên nương hay hoàng hôn trở về, giữa thiên nhiên bao la, hình ảnh người cha trong tay chiếc đàn goong, đứa con cây đàn k’ni, cùng nhau dạo lên những giai điệu nỉ non, réo rắt, giờ đây chúng ta khó có may mắn nhìn thấy. Có lẽ không dễ tìm đâu ra cảm giác bình yên thật sự và hạnh phúc nào hơn khi trông thấy hình ảnh đó. Chính giọng điệu thủ thỉ từ chiếc đàn goong của chàng trai đã làm trái tim đứa con gái yếu mềm, nhũn ra và cuối cùng là bị thôi miên, bị hớp hồn, để đêm ngày thổn thức, si mê đến biếng ăn biếng làm, buộc phải băng rừng lội suối đi tìm trao khăn, trao còng thề nguyền hẹn ước. Như thế thì đích thị goong là cây đàn tán gái thật rồi! ( Trích đoạn "Nghệ sĩ với cây đàn "tán gái" của Thất Sơn đăng trên báo GiaLaiOnline)
Ông Y Te Hra ( buôn Ea Mtha, xã Ea Rôk, thị trấn Ea Súp ) tâm sự: “Ngày xưa tiếng đàn goong có mặt ở mọi nơi, theo bước chân các chàng trai, cô gái trên đường đi nương rẫy, kề bên nhau tâm sự trong ngày lễ hội ở buôn làng. Thời đó hầu như trai làng nào cũng biết chơi đàn goong, nhưng giờ cả làng chỉ có ba người biết chơi loại nhạc cụ này và cả ba đều đã bước sang tuổi già từ lâu. Thanh niên bây giờ thích chơi đàn hiện đại, không ai học chơi đàn t’rưng, đàn goong… nữa”.( Trích trong "Nỗi buồn đàn goong" trên LangVietOnline )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét