Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Người Gia Rai

Người Gia Rai
Người Gia Rai ở Tây Nguyên có câu hát
Ong jing grom
Kau jing kömla'...
(Anh làm sấm
Em làm sét ...)
Tình ca, hẳn rồi, đã Anh với Em, thắm thiết thế mà lại. Nhưng Anh Em, yêu đương, duyên nợ, vợ chồng ... sao lại có chuyện Sấm với Sét? Và chú ý nhé: không phải "là", mà "làm". Anh làm sấm, còn em làm sét, hoặc đúng hơn, theo một thứ tự khác, em làm sét, còn anh thì làm sấm. Thật ra cả hai đều đúng, như ta sẽ thấy.
...
Xã hội Gia rai, cũng như Ê Đê, Chu Ru, Pih, Rak Glay..., là xã hội mẫu hệ, hay mẫu quyền. Huyết thống chảy theo phía mẹ, con lấy họ mẹ chứ không phải họ cha. Người mẹ đứng ở bên trong sự truyền nối nòi giống, trong dòng chảy liên tục và bền chặt của sinh tồn...
...
Người đàn bà là bên "nội", theo nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy. Bà ở bên trong, phía sau, trong bóng tối. Ở đây có một triết lý hóa ra vậy mà phổ biến nhưng ta thường ít nhìn thấy được: cái chính thì bị che khuất, tự che khuất, cái nhìn thấy được, cái bộc lộ thường chỉ là cái phụ, cái vỏ. Trong một ngôi nhà Gia Rai, chỗ của người đàn bà là ở cái góc xa nhất, khuất nhất, thường tối tăm nhất. Trong bóng tối lờ mờ của căn nhà. Bà đi vào nhà không phải bằng cửa chính mà cửa phụ, phía sau. Tiếp khách, bà không có mặt, trong các nghi lễ, bà ngồi nép ở một góc buồng, chỉ ghé mắt nhìn ra, lặng lẽ theo dõi, hầu như không bao giờ lên tiếng... Đấy là vị "thủ lĩnh trong bóng tối", của gia đình và xã hội, là nữ Thái thượng hoàng buông rèm chấp chính, nấp sau ngôi vua, mà bà lại là vua đích thực của từng nhà và của làng, của toàn xã hội... Còn đàn ông là bên "ngoại", cũng theo đúng tất cả nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy.
Lên Tây Nguyên mà xem, tôi đã có lần nói người Tây Nguyên là những người lữ hành bất trị, họ rất thích đi lang thang, cứ chờ hết mùa rẫy là rong chơi, hàng tháng, mấy tháng liền, suốt mùa Ninh Nông tức mùa nông nhàn, thăm viếng bà con, kết bạn, gặp lễ hội nào đó lập tức sà vào, hút rượu cần cho đến say mèm, và ca hát, những bài hát có thể bất tận, suốt những đêm dài... Ngay đang giữa mùa rẫy cũng chẳng mấy khi chịu ở yên, hở ra được một chút đã liền biến mất, lang thang trong rừng, đuổi theo một con heo, một con nai, một con cheo, một con chồn, cũng có khi chỉ vài con chuột, con rắn, hay la cà tìm ăn mật ong rừng, la đà uống rượu đoác, một thứ "bia" trời cho, ngon đằm và say ngất... Những người lữ hành bẩm sinh. Nhưng tôi xin lỗi, tôi quên nói đấy chỉ là đàn ông... Nhưng vì sao họ lang thang? Cũng đơn giản thôi, họ là "ngoại" mà, ở ngoài đường, ở trong nhà, trong "nội" họ có là cái thá gì đâu, chẳng chút thực quyền nào. Nên chú ý: khi ly dị - may thay ở Tây Nguyên rất ít xảy ra - người đàn ông ra đi chỉ còn đúng nguyên mỗi ... cái khố. Họ lang thang là phải quá rồi, đúng không? ...
...
Người Tây Nguyên chính xác mà hóm hỉnh: họ bảo đàn ông là sấm (mà đàn ông cũng biết thân phận của mình là thế, chẳng thể hơn). Sấm thì ồn ào, ầm ĩ, trợn trạo, hung hăng, nhưng... ai mà chẳng biết, sấm nào có đánh chết được ai bao giờ đâu, chỉ là tiếng vang thôi, to mà rổng, tiếng vang của một cái khác không nhìn thấy được nhưng ghê gớm, chết người, là sức mạnh thực sự: sét. Người đàn bà là sét, làm sét, phái kẻ đại diện hữu danh vô thực của mình là người đàn ông ra bên ngoài làm sấm, thực thi quyền lực thực mà bà nắm chặt trong tay, trong gia đình, và ngoài xã hội. Vậy đó, ơi những người đàn ông tội nghiệp chúng ta, cần biết để mà chẳng nên kiêu ngạo chút nào!...
(Trích đoạn SẤM VÀ SÉT, ĐÀN ÔNG VÀ ĐÀN BÀ, LẠ LÙNG GIA RAI của Nhà văn Nguyên Ngọc)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét