Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

NGƯỜI CHÂU MẠ

NGƯỜI CHÂU MẠ
Chuyện xưa truyền lại kể rằng:
Tổ tiên người Mạ sinh ra từ một hang ở núi Odang Ndroe cạnh dòng Đà Đờng. Người chui ra đầu tiên đi về phía thượng nguồn gọi là Mạ Tô, người chui ra thứ hai đi về hạ nguồn thành Mạ Coop, người chui ra cuối cùng là Mạ Đạ Đờng, được Giàng Bnom Odang Ndroe cho đến sinh sống ở vùng rừng ven sông mẹ. Vì sinh ra sau cùng, người Mạ Đạ Đờng có thời gian tô điểm, chau chuốt nên là người đẹp nhất.
...
Bên bếp lửa, trong căn nhà dài hơn một tiếng chiêng ngân ở buôn Hang Kar, già làng K’Pieu hay cùng vợ hát cho con cháu nghe những bài ca truyền miệng từ ông bà ngày xưa, có một đoạn kể chuyện người Mạ đến vùng đất này:
Khi ở ven sông đã đông người, một năm có nạn dịch xảy ra, Giàng bảo người Mạ phải chia nhau đi tìm nơi ở mới, ông tổ của Hang Kar được Giàng chỉ đường dời buôn, đưa con cháu đến vùng đất có bảy con nước tụ hội, có loài cây cho bột ăn thay cơm được, có loại lá con khỉ vẫn ăn. Vùng đất ấy vốn của loài khỉ, nên khi đến đấy, người Hang Kar phải cà răng cửa đi, để phân biệt đâu là người, đâu là khỉ.
Dù gốc tích của người Mạ được lưu truyền thế nào, dù họ có di cư từ miền đất khác, bên kia biển đến vùng đất này chăng nữa, thì họ cũng là những người của núi rừng B’Lao...
( Trích "Huyền thoại nguồn gốc người Mạ" của Ninh Thế Hùng )
Trong tâm thức người Mạ, họ không có khái niệm quốc gia. Với họ, buôn là hình bóng của đất nước, trong buôn có một ông vua không ngai, không quân lính. Đó là vị già làng có uy tín đã sống gần cả trăm mùa rẫy. Khi còn sống, cụ là túi khôn, là luật tục của buôn làng, khi chết, trở về với rừng thiêng được dân làng nể trọng.
Hơn 50 năm trước, người Mạ không sống một nơi cố định như bây giờ, thông thường mỗi nơi không quá 10 năm, vì khi đất bạc màu nhiều cỏ dại hoặc chồi non mọc lên, già làng dẫn cả buôn đi tìm nơi mới. Chính vì thế di tích của bộ tộc chỉ là những câu chuyện kể nên dần dần phai mờ trong ký ức...
Ngày ấy, người Mạ chỉ thờ cúng thần linh tập trung tại một khu rừng gọi là rừng thiêng, còn ở trong nhà, hồn của người xưa hay của Yàng chính là bếp lửa hồng. Khách đến thăm bỏ thêm củi là tỏ lòng hiếu khách, mặc dù bếp luôn luôn đỏ lửa để giữ sự no đủ cả năm. Vào những kỳ lễ hội, đều đốt một đống lửa to để thần linh thấy ánh sáng tìm đến...
Chuyến lữ hành đổi muối tròn một con trăng chỉ còn là chuyện kể của các già làng. Những căn nhà sàn dài lợp bằng lá Srôi dần dần nhường chỗ cho nhà xây lợp tôn nằm dọc hai bên đường. Vì vậy đến vùng sơn cước hôm nay không còn những ngôi nhà dài ngày trước, có chăng là những căn nhà sàn ngắn ngủn còn sót lại và những tiếng cồng chiêng chỉ ngân lên vào mùa lễ hội...
(Trích đoạn trong "Ở thượng nguồn sông Mẹ" của Trần Đại)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét