Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN

GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN
Già làng là sự tổng hợp ý thức của hai khái niệm : cá nhân và cộng đồng . Cá nhân ở đây được sàng lọc và lựa chọn theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như : Tuổi tác , kinh nghiệm,sự tín nhiệm...được tập thể cùng đồng lòng tôn vinh. Bản thân cá nhân đó cũng phải tự khẳng định và thường xuyên bồi bổ được uy tín và vị thế của mình. Đây chính là mối tương quan thích hợp chỉ có trong các sắc dân thiểu số, từ tính cộng đồng cao trong đời sống sinh hoạt. Bởi cho dù là một cá nhân cụ thể, có nhiều kinh nghiệm, hoặc kiến thức sâu rộng đến đâu đi chăng nữa, nếu tách rời khỏi cộng đồng, thì không bao giờ có thể trở thành “ già làng” được.
...
Già làng ở các buôn, bon, kon, plei không tạo thành một tầng lớp thống trị, hay một tổ chức ở trên những gia đình trong một tập hợp dân cư.Vì vậy mà hiếm khi có chuyện tranh chấp chức vị trong một cộng đồng. Những người có uy tín, có kinh nghiệm sống, am hiểu luật tục, phong tục ,được xem như là những hiện thân của truyền thống, sự khôn ngoan của cả một tập hợp người.Vậy nên điều hành chính vẫn là các lệ tục, tập quán, kinh nghiệm ,các thần linh, mà các già làng chỉ là người thay mặt để phát ngôn. Các cách gọi của dân gian ( Pô êlăn, Kră Plei...) chỉ hàm chứa nhiệm vụ mà uy tín và tuổi tác của người đó mà thôi.( Trích theo "Vấn đề " GIà làng" ở Tây Nguyên" của Linh Nga Niê Kdam )
...già làng chính là những người có tri thức toàn diện nhất, uyên bác nhất, tích tụ được nhiều kinh nghiệm nhất trong đời sống giữa một thiên nhiên vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giữa một xã hội vừa hài hòa vừa gay gắt là xã hội Tây Nguyên trải qua các chuyển biến lịch sử, lại là những người có đức độ cao, là những bậc hiền triết của làng. Người Pháp dịch “Hội đồng già làng” là “Conseil des sages”, Hội đồng của các bậc hiền nhân. Cũng cần chú ý, gọi là già làng nhưng già làng không nhất thiết là người cao tuổi nhất trong làng. Ông Núp ở làng S’tơr, ông Mết ở làng Xóp Dùi, rất nổi tiếng, nhưng khi làm già làng cũng chỉ khoảng 30 tuổi. Tuổi tác không phải là tiêu chuẩn chính. Theo ngôn ngữ ngày nay, có thể gọi đó là những bậc trí thức của làng. Xã hội Tây Nguyên trong suốt lịch sử lâu dài đã được quản lý, điều hành hết sức hiệu quả bởi một tầng lớp trí thức độc đáo như vậy. Lớp “trí thức” đó, trong biến chuyển và đi tới của xã hội Tây Nguyên hôm nay vẫn còn có uy tín và sức tập họp nhất định, nhưng không còn đủ sức ứng phó với những thách thức mới. Vậy phải chăng có vấn đề : cần thiết đào tạo một tầng lớp trí thức mới để dắt dẫn xã hội này trong công cuộc phát triển mới hiện nay và tương lai ? ( Trích trong "PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở TÂY NGUYÊN " của Nhà văn Nguyên Ngọc )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét