Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

TRƯỜNG SƯ PHẠM CAO NGUYÊN

Ngày xưa, tên một trường ở Ban Mê được nhắc trong " Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1965-1975"...
TRƯỜNG SƯ PHẠM CAO NGUYÊN
Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1965-1975
*Nguyễn Kim Dung
Từ năm 1965, tất cả các trường tiểu học miền Nam được chuyển thành tiểu học cộng đồng, mở đầu cuộc cải tổ toàn bộ nền giáo dục. Nhận thức vai trò then chốt của giáo chức đối với cải tổ, Bộ Giáo dục đã có chính sách bài bản, cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hơn việc đào tạo giáo chức tiểu học. Tiếp thu những thành quả đã đạt được trong hai kì Đại hội Giáo dục Quốc gia (1958 và 1964), Điều 11, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà 1967 ghi rõ: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản”. Ngoài ra, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà cũng ghi rõ về việc chú trọng đều tư cho giáo dục: “Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục”. Chính sách Văn hóa Giáo dục (1972) đã nhấn mạnh: nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí phải được thực hiện để bảo đảm quyền được giáo dục tối thiểu của mọi công dân. Nền giáo dục cơ bản trong hiện tại gồm cấp I giáo dục phổ thông và trong vòng 10 năm tới phải bao gồm ít nhất là cấp II giáo dục phổ thông. Quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp hữu hiệu để chấm dứt thiếu nhi thất học và nạn tráng niên mù chữ. Đây chính là tiền đề để ra đời những chính sách mang tính thiết thực hơn đối với đào tạo giáo chức tiểu học.
Về tổ chức, để hoàn thiện hệ thống Sư phạm Tiểu học và huấn luyện giáo chức, Bộ Giáo dục Sài Gòn thành lập Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục Tráng niên. Nha này được tổ chức theo Nghị định số 1692-GD/PC/NĐ ngày 6-12-1965 và bắt đầu hoạt động từ 3/2/1966. Đây là cơ quan giáo dục có tính chất chuyên môn, quản lý hoạt động của ngành Sư phạm Tiểu học: “Nha Sư phạm đảm trách một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và cải thiện ngành giáo dục bậc tiểu học, một ngành căn bản của nền giáo dục Quốc gia”.
Năm 1970, Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục tráng niên gồm 15 trường Sư phạm đào tạo Giáo học Bổ túc: Trường Sư phạm Saigon, Trường Sư phạm Long An, Trường Sư phạm Vĩnh Long, Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trường Sư phạm Huế (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Long Xuyên (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Mỹ Tho (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Nha Trang, Trường Sư phạm Đalat, Trường Sư phạm Sóc Trăng, Trường Sư phạm Cần Thơ, Trường Sư phạm Phước Tuy (5 trường này được mở từ niên khóa 1970-1971), Trường Sư phạm Tây Ninh, Trường Sư phạm Đà Nẵng (2 trường này chính thức mở từ niên học 1972-1973),Trường Sư phạm Bổ túc Banméthuot (tách ra từ lớp Sư phạm Bổ túc đặt tại Trường Sư phạm Cao nguyên) và Trường Sư phạm Cao nguyên đặt tại Ban Mê Thuột đào tạo Giáo viên Tiểu học. Các trường này được xếp vào Trường Chuyên nghiệp Đệ II cấp.
Trên đà phát triển của bậc tiểu học và nhu cầu đào tạo giáo chức, năm 1975, Bộ Giáo dục Sài Gòn thiết lập một Viện Quốc gia Sư phạm Tiểu học, để thay thế Nha Sư phạm đã bị bãi bỏ sau cải cách giáo dục năm 1974, có nhiệm vụ quản trị các trường Đại học Sư phạm Tiểu học trên toàn quốc, tu nghiệp giáo chức Tiểu học, huấn luyện giáo sư Sư phạm, nghiên cứu về thiếu nhi Việt Nam, đặt cơ sở căn bản cho việc thành lập Viện Sư phạm Quốc gia trong tương lai…
.
Năm 1965, Bộ Văn hóa Giáo dục ban hành bộ Nội quy các Trường Sư phạm quy chế tổ chức, chương trình, nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo và thống nhất hoạt động đào tạo giáo chức tiểu học trong toàn miền. Từ năm 1968, trừ Trường Sư phạm Cao nguyên Ban Mê Thuột, có trình độ Trung cấp Chuyên nghiệp, các Trường Sư phạm khác đều có trình độ Cao đẳng Chuyên nghiệp, thâu nhận giáo sinh bằng Tú tài I và Tú Tài II, hạn học 2 năm. Năm 1973, dù giáo chức Tiểu học vẫn luôn thiếu hụt trầm trọng nhưng Bộ Giáo dục không hạ tiêu chuẩn và tăng số lượng giáo sinh để bù đắp, mà quyết định nâng trình độ tuyển sinh vào các Trường Sư phạm lên bằng Tú tài II nhằm nâng cấp các Trường Sư phạm lên trình độ ngang hàng Đại học Sư phạm Tiểu học. Lúc đó, có được bằng Tú Tài II rất khó khăn, phải là những học sinh giỏi nhất bậc Phổ thông; người có bằng Tú tài II hoàn toàn đủ năng lực để đi làm một chuyên viên trong các công sở.
Những nỗ lực nâng cấp Trường Sư phạm của Bộ Giáo dục đã đạt được kết quả nhất định. Theo Giám đốc Nha Huấn luyện và Tu nghiệp Nguyễn Quý Bổng: “Kể từ niên khóa 1973-1974, trên thực tế các Trường Sư phạm có thể sánh ngang hàng các Đại học chuyên nghiệp Trung cấp và Đại học Cộng đồng hiện có trong xứ…”. “Ngoại trừ trường Sư phạm Cao nguyên
đào tạo giáo chức sắc tộc”. Tuy nhiên, đến năm 1974, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào được ban hành để xác nhận tình trạng này.
Trên cơ sở chất lượng Trường Sư phạm được nâng cao, năm 1974, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đề ra Chương trình đặc biệt trong năm 1975 thực hiện Biến cải 15 Trường Sư phạm Bổ túc thành trường Cao đẳng Sư phạm Tiểu học với tổng kinh phí lên đến 181.813.510 đồng, tương đương 259.734 USD, một khoản kinh phí rất lớn lúc đó.
Cuối năm 1974, Bộ Giáo dục chủ trương xây dựng tại mỗi Trường Sư phạm một trường Tiểu học Thực hành, vừa làm nhiệm vụ giáo dục Tiểu học vừa làm điểm thực hành sư phạm cho các giáo sinh trước khi ra nghề thành các giáo viên thực thụ. Điểm đặc biệt của các trường tiểu học này là chất lượng giáo dục đảm bảo và thường xuyên cập nhật các phương pháp giáo dục mới. Trước đó, trực thuộc Nha Sư phạm đã có 3 trường Sư phạm Thực hành Sai gon, Long An và Quy Nhơn, các trường sư phạm khác không có trường sư phạm thực hành đặt tại trường thì đều mượn trường sở của Ty Tiểu học làm nơi thực hành cho giáo sinh.
Bộ Giáo dục đưa ra các nghị định, chỉ thị quy định thể lệ thi tuyển, số giáo sinh trúng tuyển vào Trường Sư phạm hằng năm, thể thức soạn đề thi mãn khóa, thể thức thi và chấm tốt nghiệp, thể thức sắp hạng giáo sinh trúng tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp, thể thức bổ dụng giáo sinh tốt nghiệp Trường Sư phạm… Đây là cách thức Bộ Giáo dục quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo tại các Trường Sư phạm cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó chất lượng giáo sinh được đặt lên hàng đầu.
Nguyễn Kim Dung
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét