Mỗi lần Tết đến, chúng tôi lại thấy mẹ chúng tôi loay hoay với việc mua các thứ đậu ngũ cốc về... (tùy bút của Như Thương)
BÁNH ĐẬU NGŨ CỐC
* Như Thương
* Như Thương
Rất may mắn, gia đình chúng tôi sau những năm tháng chiến tranh mất mát vẫn còn đầy đủ một người mẹ gồng gánh, một người cha vắng nhà và 8 đứa con nít. Mỗi lần Tết đến, chúng tôi lại thấy mẹ chúng tôi loay hoay với việc mua các thứ đậu ngũ cốc về, ngồi tỉ mỉ lượm từng hạt sạn còn sót trong những hạt đậu bé tí xíu ấy, vo thật sạch, phơi nắng cho ráo và rang chúng trên lửa riu riu. Chúng tôi thấy làm lạ lắm vì từ thuở bé đến giờ, chúng tôi đuợc ăn Tết với tất cả những món bánh mứt do mẹ chúng tôi làm, nhưng chưa bao giờ có món bánh này hết cả.
Gần Tết, có lẽ trong số các bà nội trợ của vùng tôi ở không có ai rành về những gian hàng chạp phô bán các loại đậu bằng mẹ tôi! Người đã rảo quanh hết các sạp hàng để tìm cho được loại đậu ngon vừa ý. Tôi thì thấy hạt đậu nào cũng giống hạt đậu nào, miễn là nó xanh mướt, đen thui, đo đỏ tùy theo loại đậu mà thôi. Và khi bỏ vào miệng cắn thử một hạt nghe tiếng – cóc – dòn rụm là được, có nghĩa là hạt đậu đã được phơi khô kỹ lưỡng dưới ánh nắng mặt trời chứ không bị mắc mưa rồi phải sấy khô.
Nếu nó được gọi là bánh, thì tôi không đồng ý chút nào hết, nhưng chẳng biết nó sẽ được gọi là gì khi vật liệu được làm bằng bột ngũ cốc, nhào với đường và mật ong, ép vào khuôn rồi nướng lên, nhưng cuối cùng chiếc bánh thật là khô khốc và cứng ngắt (chứ không mềm như những chiếc bánh làm bằng đậu xanh – là loại bánh khi ngậm vào thì cảm giác mịn tan dần ngọt lịm dưới lưỡi). Dường như chưa bao giờ có ai làm ra hay nghĩ ra một loại bánh như thế hết cả, duy chỉ có mẹ tôi!
Những chiếc bánh ngũ cốc ấy phát xuất từ trái tim thương yêu chồng. Nó đã vượt ngàn trùng, trèo đèo, lội suối, băng rừng đi theo mẹ tôi để đến với ba tôi, người đã đi học tập cải tạo ở những trại tù không có địa chỉ mà chỉ có một tên gọi như là một bí danh vì chúng thường có những chữ viết tắt A, B, C hay con số đi kèm theo tên gọi của nó.
Tôi là người chị cả trong tất cả 8 anh chị em, tôi cảm thấy dường như mẹ tôi nhìn thấy hình ảnh của ba tôi khi mua về từng ký đậu khô và khoe rằng: Đậu mới hái, không hôi mốc, đậu hạt lớn, đậu xanh lòng đỏ bùi và bở … ngon và bổ lắm. Mẹ tôi đã chăm chút từng bịch đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, đậu ván như thể người đã mua được một vật gì đó quý giá lắm. Mẹ dành … một tay mẹ rang đậu, chứ không để chúng tôi rang vì sợ chúng tôi rang không khéo sẽ bị quá vàng thì hết chất bổ đi hay còn hơi sống thì ba chúng tôi ăn sẽ bị đau bụng, để một tay mẹ lựa sạn còn sót lại trong đậu, một mình mẹ xay đậu nhuyễn và mịn, dường như mẹ không tin rằng những đứa con gái của mẹ cũng biết làm những công việc cỏn con như thế được.
Tôi sẽ nói sơ qua về cái lò nướng bánh bằng thiếc và hình vuông ngộ nghĩnh ấy một chút. Nó đã theo mẹ tôi suốt quãng đời kiếm tiền tần tảo nuôi chồng trong tù và nuôi 8 đứa con sau năm 1975 vì tất cả những món bánh mẹ tôi làm ra bán để kiếm tiền đều phải đi qua chiếc lò nướng bánh ấy hết cả. Giá tiền mua cái lò nướng bánh ấy bao nhiêu thì bọn con nít chúng tôi không biết được, nhưng chỉ thấy rằng sau mỗi lần nướng bánh xong, thì nó được ngồi chễm chệ trên 4 viên gạch lỗ xây nhà màu đo đỏ để nền đất ẩm của cái chòi tranh – là chỗ ở của gia đình chúng tôi- không làm rỉ sét cái thùng nhôm quý báu hái ra tiền ấy.
Bốn viên gạch ấy đã là những vị khách đặc biệt của chúng tôi, vì làm gì mà kiếm được 4 viên gạch ngói đỏ chói trong một căn nhà nền đất lợp lá dừa nước, vách cũng làm bằng lá dừa nước, cửa sổ và cửa cái của căn nhà được làm bằng phên tre đan và dùng sợi dây như sợi dây cột trâu ngoài đồng để cột cửa như thể là then cài cửa đóng!
Căn nhà đã che nắng cho chúng tôi, nhưng đã không che mưa và không che bóng trăng ngà được…. Mùa mưa đến chúng tôi đội nón lá trong nhà và cũng lấy nón lá đội cho cái thùng nướng bánh ấy nữa (để nước mưa không làm rỉ sét nó). Những đêm trăng tròn thì kẻ lá của vách nhà bị chúng tôi lén moi thêm lỗ cho rộng thêm ra để nằm ngủ ngắm trăng qua bờ mương, bờ chuối, hàng dừa của xóm giềng!
Mỗi khi nướng bánh, cái nhiệt độ cần thiết cho mỗi loại bánh được mẹ tôi đo bằng kinh nghiệm dày dặn của một người thợ nướng bánh lâu năm, chỉ cần đưa bàn tay vào lò là mẹ tôi biết độ nóng vừa đủ để nướng từng loại bánh (vì mỗi loại bánh cần một độ nóng ban đầu khác nhau, chỉ có đến lúc bánh đã chín bột rồi thì tất cả mọi loại bánh đều phải bớt lửa nhỏ xuống để cho vàng mặt bánh mà không làm khô ruột bánh đi).
Khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy bàn tay gân guốc của mẹ tôi đưa vào lò nướng bánh để đo nhiệt độ, tôi đã ngây thơ nghĩ rằng có lẽ vì những đường gân nổi lên như vậy cho nên mẹ tôi đã đo được chính xác hơn bàn tay con nít chúng tôi! Nhưng đến khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là những đường gân của một đời lặn lội, vất vả…
Có ai đó định nghĩa được hai chữ Tần Tảo của một người đàn bà một cách đầy đủ không? Tôi nghĩ rằng không. Mỗi người mẹ đi trên một con đường tần tảo riêng của mình, nhưng nó vẫn là con đường của những xoay trở và chịu đựng trong trăm ngàn nẻo đường cay đắng. Tất cả vẻ đẹp và bình an trong cuộc sống được tạo nên do sức mạnh từ tình yêu của người phụ nữ cho mái ấm gia đình – đó là định nghĩa của riêng tôi về hai chữ Tần Tảo.
Sau cái lò nướng bánh phải kể đến ông Táo để nướng bánh đậu ngũ cốc! Thôi thì, những ông Táo ở nhà quê đã từng làm khổ chúng tôi biết bao nhiêu, bởi vì chúng tôi là những người sống ở thành thị, thế rồi gặp thời buổi nhiễu nhương loạn lạc, nên đã trôi giạt về đây sống ẩn mình dưới rặng tre làng, nhánh lúa trĩu nặng ngậm sữa đòng đòng ngọt lịm và với những tấm lòng, trái tim chân thật như củ khoai, cục đất thì làm sao chúng tôi có thể biết hết được những sinh hoạt và cách sống như dân quê ở ruộng đồng, vườn tược.
Củi lá dừa – Cái tên của bó lá dừa ấy cũng ngộ nghĩnh như tên một đứa con trai hay con gái ở nhà quê: Con Cúi. Làm sao để bó một nắm lá dừa vừa đủ chặt vì bó lá dừa mà lỏng quá hay chặt sẽ làm ngọn lửa bị tắt ngúm trong khi nấu. Dùng một cái ống bằng đồng để chỏng khu thổi lửa thì mới thấy thấm thía hai chữ thổi bếp nấu cơm. Miệng thì vừa thổi, mắt thì nhắm tít lại để bụi tro của lá dừa không bay vào mắt – có khi chúng tôi thổi không khéo, thì bị khói cay bay ngược trở lại đến phát khóc! Ai đánh con cúi giỏi thì nồi cơm nấu sẽ mau chín vì lửa đều và không phải ngồi thổi lửa hoài. Riêng tôi, dĩ nhiên là đánh con cúi chẳng bao giờ giỏi rồi vì mỗi lần ngọn lửa sắp tắt ngúm trong bếp là tôi đã tháo tung bó lá dừa ra để ngồi chụm từng cọng lá dừa để giữ lửa cho chắc ăn! Do đó, khi bó lá dừa, tôi chẳng cần để ý là nên bó làm sao để thành con cúi hoàn hảo nữa vì trước sau gì tôi cũng tháo tung nó ra từng cọng lá mà.
Một nguồn nhiên liệu khác nữa được chúng tôi sử dụng để nấu bếp là dùng những bẹ dừa phơi khô. Trời sinh ra cây dừa có lẽ là kiếp mạt vận hay sao ấy, để con người sử dụng chúng hết tất cả từ gốc đến ngọn, từ cây, trái đến hoa, từ khi nó còn sống đến khi nó bị đốn ngã đi. Không bỏ sót một mảnh nào nơi cái thân gầy guộc thẳng đứng suông đuột nhưng ngạo nghễ ấy cho đến cái rễ nằm sâu dưới đất. Cái gánh củi bẹ dừa đã từng oằn vai tôi đi hết những bờ mương quanh co trong những khu vườn đầy cây trái, hàng dừa, hàng chuối để về được đến sân phơi củi. Lại còn phải chặt những bẹ dừa ấy thành những khúc củi ngăn ngắn như … những khúc đời may rủi của chúng tôi!
Khúc đời may mắn giống như là những khúc củi trời cho ngay thẳng và khúc củi cong queo giống như là ngày tháng chúng tôi đi vòng vòng với gánh củi, đi mãi vẫn không đến được ước mơ giản dị mà mình ao ước: đừng phải gánh củi nữa, sẽ có than hồng trên bếp lửa như những năm tháng trước đó. Khổ nhất là vào những ngày mưa, những bẹ dừa bị đẫm nước mưa nên trĩu nặng vai chúng tôi hơn đi qua bờ mương, bờ đê trơn trợt và phải cần thời gian phơi lâu hơn thì mới có củi để chụm. Có lần, tôi đã trợt chân té và cả gánh củi đã trôi bềnh bồng theo dòng nước của con mương cạn. Tôi đứng nhìn những bẹ dừa trôi mà lòng buồn vô hạn rồi đứng khóc ngon lành ….chẳng buồn vớt chúng lên ! Những khúc bẹ dừa đã đẫm nước mưa, nay đẫm thêm nước sông và có lẽ trong hồn chúng đẫm thêm nước mắt của tôi nữa thì cũng đành trôi theo số kiếp vậy thôị
Kế đến là cái bếp trấu. Lại thêm một cái tên mới nữa của ông Táo ở nhà quê, cái tên mà trong sách vở học trò của tôi chẳng bao giờ biết đến, nhưng tôi đã phải học cách dọng lò trấu (dường như nó là từ ngữ của văn nói chứ không phải là của văn viết) .
Tôi đã ngồi ngắm cái kỳ công lần đầu tiên của tôi dọng được môt lò trấu từ những vỏ trấu vàng, nham nhám, vỡ đôi sau khi xây thóc thành gạo. Phải dọng lò trấu làm sao cho trấu đứng bao quanh như cái bờ thành trong cái khuôn một cách dẻ dặt. Chỉ Lạy Trời khi ngọn lửa đầu tiên bắt trấu trong lò rồi thì sẽ cháy theo cái khuôn trấu ấy, nếu không thì những vỏ trấu sẽ đổ xuống hết như một tòa lâu đài sụp đổ trong lòng tôi! Vì như thế có nghĩa là cách dọng lò trấu của tôi không đúng rồi!
Làm sao để ngọn lửa cháy vòng quanh cái khuôn trấu ấy đỏ rực trong thân lò, làm sao để một lò trấu mà nấu vừa chín được nồi cơm, nồi canh và ấm trà để đi ruộng thì đúng là một cô gái nhà quê thật sự! Chúng tôi chỉ có một cái lò trấu duy nhất để nấu nướng tất cả mọi thứ. Cái nghèo nó cũng được thể hiện trong bếp núc như thế đấy. Giá của một cái lò trấu mắc hơn là một ông Táo bình thường của đất sét nung vì nó được đúc bằng xi măng và sườn được làm bằng những cọng sắt cho bền. Nó chỉ được sử dụng khi cần nấu một nồi cơm, canh, một ấm trà thật lớn để đi ra ruộng chứ không phải để nấu một nồi cơm và một món nước mắm kho quẹt!
Cuối cùng là ngọn lửa của những miếng gáo dừa khô cháy bùng lên giữa đêm khuya như lửa trại! Đây là nguồn nhiên liệu xa xỉ nhất của chúng tôi vào thời ấy. Lá dừa thì có thể đi xin trong những vườn dừa hàng xóm được, con củi bẹ dừa cũng đi lượm mót được trong những vườn dừa hoang hay vườn dừa có chủ, nhưng trấu và gáo dừa thì phải mua.
Tiền – Vạn bất đắc dĩ cần tiền để mua món gì đó, thì mẹ tôi lại ngồi đếm đi đếm lại xem còn bao nhiêu tiền trong túi. Đồng tiền nào xài được hôm nay và đồng tiền nào phải để dành cho ngày mai, dẫu phải ăn ít hơn hay là không ngon cho ngày hôm nay để ngày mai còn có cái gì đó mà ăn! Ngày hôm qua đi chợ mua được miếng thịt mỡ nấu canh, thì ngày kế tiếp sẽ có món canh cải trời chay ở ngoài vườn (không còn thịt mỡ nữa). Thế cũng qua bữa cơm canh mắm muối mà bọn trẻ chúng tôi vẫn húp xùm xụp ngon lành.
Những chiếc bánh đậu ngũ cốc đã phải đi qua hết ngần ấy loại ông Táo để thử nghiệm xem loại củi nào có thể dùng để nướng bánh. Cuối cùng chỉ có ngọn lửa của củi gáo dừa mới làm nên chiếc bánh có cái tên ngộ nghĩnh ấy mà thôi vì củi gáo dừa cho ra lửa ấm giống như than sau khi đã cháy bùng lên.
Sau đó mẹ con chúng tôi lại loay hoay tưởng tượng về chiếc bánh sẽ thành hình như thế nào. Nói sao cho hết cạn cùng những đêm ngày của 9 mẹ con tôi (chỉ với một món bánh đậu ngũ cốc mà thôi, còn những món thức ăn khác nữa để đem đi thăm nuôi ba tôi thì chưa nói đến). Ép bột đậu rang đã trộn đường và mật ong vào khuôn bánh đậu xanh bằng nhôm sao cho vừa đủ chặt để chiếc bánh không bị bể ra sau khi nướng chín rồi là một nghệ thuật, vì sức ép của bọn con nít tụi tôi thì lại quá yếu, do đó chiếc bánh sẽ bị lỏng lẻo và dễ bị nứt làm đôi sau khi nướng. Do đó, chúng tôi ép khuôn đầu tiên và mẹ tôi kiểm tra lại từng chiếc bánh xem vừa đủ chặt hay chưa trước khi nướng. Bọn con nít chúng tôi thì lấy làm khoái chí vì việc làm bánh này giống như trò chơi trẻ con với cái nắp chai xá xị được nhào nặn với đất cát thuở còn bé!
Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn còn mường tượng được những đêm khuya thắp đèn dầu trong căn nhà lá, mẹ con chúng tôi xúm xít nhau với chiếc lò nướng và những chiếc bánh đậu. Mỗi đứa một công việc chỉ ngoại trừ những đứa nhỏ thì đã đi ngủ sớm. Đứa thì trộn bột đậu rang với đường, rồi nhào với mật ong đến mỏi nhừ cả tay. Đứa thì lo chùi khuôn bánh nướng sau mỗi vĩ bánh được ra lò! Tội nghiệp nhất là đứa đứng gần với đống gáo dừa cháy hừng hực. Đứa thì lo gắp những miếng gáo dừa sau khi đã cháy rụi (chỉ còn lại những mảnh gáo mỏng đo đỏ như than hồng) trên và dưới lò nướng bánh cho thật đều lửa và liên tục….vừa làm vừa nghe tiếng lửa reo và tiếng ếch nhái ngoài rung kêu ồm ộp vang rân giữa đồng không mông quạnh trong đêm khuya.
Ngoài trời, những vuông ruộng nằm ngoan ngoãn giữa những bờ đê ngoằn ngoèo và vườn tược thì tối om om. Vào những đêm trăng tròn thấp thoáng những mái tranh, mái rạ của xóm giềng bên kia bờ chuối, hàng dừa bỗng nhiên gần gũi nhau hơn. Lúc ấy trông những mái tranh hiền lành một cách lạ lùng. Chúng tôi ở trong nhà nghe gió thổi phần phật qua phên lá. Nhìn những bụi tro lem luốc trên khuôn mặt buồn ngủ của các em tôi bên cạnh ngọn lửa nướng bánh, bất giác tôi thương chúng nó quá.
Họa hoằn lắm mới có một chiếc bánh bị vỡ làm đôi thì 8 đứa chúng tôi mới được chia nhau cái bánh bé tí xíu vuông vức chừng 2 cm thơm phức ấỵ Cái tò mò của con nít sau những khổ cực đã làm cho chúng tôi cảm thấy chiếc bánh thật ngon lành dẫu nó rất cứng!
Mẹ tôi bảo rằng ba tôi có thể ăn chiếc bánh ấy như là một loại lương khô hay có thể ngâm vào nước mà nấu cho đặc và quánh sền sệt lại như cháo hoặc chỉ cần ngậm vào miệng trong khi đi lao động là đủ no lòng! Chỉ có cách làm khô như thế thì mới có thể để dành lâu được và mới có thể ngâm nước làm thành cháo được! Thế là cái đầu óc non nớt của tôi chẳng biết gọi món ấy là món gì – bánh hay là cháo? Tại sao bánh lại được gọi là lương khô?
Những chiếc bánh đậu ngũ cốc đã được đóng gói lên đường ra Bắc theo mẹ tôi đi thăm nuôi ba tôi. Ngày xưa khi ba tôi bị đưa ra Bắc để ở tù, ba tôi không được chuẩn bị trước như những chiếc bánh đậu ngũ cốc này đâu. Những chiếc bánh đã được chắt chiu dành dụm từng đồng qua bao ngày tháng, rồi mẹ tôi tâng tiu từ khi hạt đậu còn chưa rang chín, cho đến khi chúng được hình thành là một chiếc bánh hình vuông nho nhỏ như chiếc bánh đậu xanh của Bảo Hiên Rồng Vàng.
Cuối tháng chạp, lúa ngoài đồng đã gặt xong hết cho mùa gặt cuối năm, mảnh ruộng còn trơ những gốc rạ vàng ngắn ngủn và đều đặn. Mặt ruộng lộ ra những đường nứt chạy vòng quanh gốc rạ, thế là tôi thoát nạn với những con đĩa lội phăng phăng dưới nước níu chân tôi mỗi khi ra ruộng. Đàn vịt chạy đồng mải mê rúc mỏ vào những kẻ nứt ấy sục sạo tìm kiếm những hạt thóc vàng còn rơi rớt vương vãi khắp nơi. Có một vài thửa ruộng gặt mùa trễ, nên việc tháo nước ra khỏi ruộng chưa kịp trọn vẹn, do đó mặt ruộng vẫn còn xâm xấp nước. Thế là lũ vịt lao nhao, bì bõm, lặn hụp với những hạt thóc còn sót lại trong nước bùn. Chúng đùa nghịch với nhau một cách thoải mái và thích thú.
Bây giờ cũng là cuối tháng chạp, nhưng thời gian đã là 20 năm sau. Nhắm mắt lại, tôi vẫn còn thấy hình ảnh của bếp lửa gáo dừa năm xưa cháy đỏ rực trong hồn tôi. Những ánh lửa yêu thương của một gia đình ấm cúng. Dẫu nghèo cùng cực nhưng tình thương yêu và đùm bọc lẫn nhau thì tràn đầy. Dẫu rất thiếu thốn nhưng đã chia xẻ nhau những khốn khổ để sống còn.
Có ai ngờ được rằng chúng tôi đã được học làm những người dân quê một cách thành thục mau chóng để dầm mưa dãi nắng với bụi lúa, bờ đê: đầu đi nón lá tơi, áo vá chằng vá đụp đủ màu, quần vo vo xắn xắn lên tận đầu gối, móng chân váng khè vàng quánh vì ăn phèn chua của đất ruộng, hai bàn chân trần chai gót dày cui mà mới hôm trước vẫn còn lượt là áo trắng học trò với cặp sách trên tay và đôi guốc cao gót tung tăng sân trường! Bước chân ra bờ đê là chào hỏi chú Hai Ở (vì chú ấy tên là Ở), chú Ba Phú (người chồng là người con thứ ba trong gia đình và tên là Phú), thím Chín Bảnh (vì người chồng của thím tên là Bảnh) bên hàng xóm một cách ròn rã như là người đã sinh trưởng và lớn lên ở chốn đồng ruộng ấy.
Và chính từ cái chòi tranh một chái lụp xụp dột trước dột sau ấy, 9 mẹ con chúng tôi đã vượt qua bao nỗi đoạn trường chỉ vì một người: Ba tôi ngược lại, ba tôi ở những nơi thâm sơn cùng cốc nào đó của những trại tù cũng đã âm thầm chịu đựng để sống chỉ vì 9 mẹ con tôi.
Đôi khi tôi nghĩ tình yêu của mẹ tôi đối với ba tôi thật lạ kỳ. Chăm chút từng chút một. Nâng niu từng ly từng tí trong mọi thứ, mọi món thức ăn mà mẹ tôi gói ghém, chuẩn bị gồng gánh đem đến cho ba tôi. Dường như mẹ tôi đã nghĩ rằng không ai biết đúng ý ba tôi bằng mẹ tôi hết cả và trên đời trời đất chỉ có một mình mẹ tôi là lo lắng được cho ba tôi mà thôi.
Sau 47 năm làm vợ, không biết mẹ tôi đã làm bao nhiêu món bánh cho ba tôi ăn, nhưng tôi biết chắc rằng món bánh đậu ngũ cốc ấy đã là món bánh tâm đắc nhất của mẹ tôi dành riêng cho ba tôi. Món bánh đã cưu mang hết cả trái tim chung thủy của một người vợ, nó ẩn chứa hết mọi ý nghĩ rằng sẽ cứu sống được chồng mình trên bước đường lưu đày từ Bắc chí Nam, nó bao hàm một chân lý của riêng mẹ tôi: yêu chồng là yêu như thế đó. Quả thật, mẹ tôi đã yêu ba tôi vô cùng bởi vì trên đường đi thăm nuôi ba tôi, dẫu rất đói vì đường xa vạn dặm, mẹ tôi không bao giờ lấy bất kỳ một món gì trong số thực phẩm đem theo cho ba tôi để ăn cho đỡ đói lòng.
Ca dao xưa viết rằng:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua
Vâng, hình ảnh ấy rất đúng đối với mẹ chúng tôi và có lẽ đúng với tất cả những người vợ đã lặn lội đi thăm nuôi chồng. Đi qua biết bao nhiêu ngọn núi âm thầm đêm ngày, lội qua biết bao nhiêu con sông mà chính mình cũng không biết dòng sông ấy cạn sâu thế nào, trèo qua biết bao nhiêu đỉnh đèo mà mình chưa từng biết tên, dưới điều kiện khí hậu lạnh buốt của núi rừng miền Bắc, cái gió Lào khắc nghiệt của miền Trung hay mưa gió trái mùa của từng địa phương.
Không biết thời tấm mẳn của ba mẹ tôi như thế nào, nhưng cái sâu thẳm trong tình nghĩa vợ chồng sau 47 năm chung sống cho đến ngày mẹ tôi mất quả thật là vô cùng. Mẹ tôi là một người thương con vô biên và yêu chồng vô hạn để hình như khi những chiếc bánh đậu ngũ cốc đã ở lại với ba tôi trong rừng sâu, thì hồn xác của mẹ tôi cũng đã ở lại nơi ấy. Mỗi lần mẹ tôi đi thăm nuôi ba tôi về thì gầy guộc, hốc hác, đen đúa hơn và lặng lẽ ít nói đi, dẫu vẫn trở lại những ngày tháng buôn bán tần tảo nuôi con thay chồng vắng nhà. Và lúc trở về nhà, mẹ tôi hay khóc thầm sau những chuyến đi thăm nuôi chồng, chứ không bao giờ kể cho chúng tôi nghe đoạn đường mà chiếc bánh đậu đã đi đến ba tôi ra như thế nào. Dường như khi người phụ nữ đau khổ, họ sẽ biết cách che dấu hơn người đàn ông để họ có thể chịu đựng giỏi hơn người đàn ông.
Có lẽ có những người vợ cũng đã từng lê gót chân khắp nơi để tìm chồng trong vòng lao lý – một vòng lao lý nghịch với lẽ thường tình vì vòng lao lý ấy không phải để giam giữ những người phạm tội. Họ cũng đi thăm nuôi chồng như mẹ tôi và cũng đã có những món bánh yêu chồng như món bánh đậu ngũ cốc mà mẹ đã làm riêng cho ba tôi.
Hẳn đã có những người chồng âm thầm tạ ơn cái cò lặn lội bờ sông (Ca Dao). Chỉ có con trăng khuyết, vầng trăng tròn soi dọc đường ngược xuôi Nam Bắc, những đêm trường ở bên kia song cửa sổ quạnh hiu của người vợ ngóng chồng, của người chồng nhớ vợ là chứng nhân cho những giọt nước mắt ly tan. Có biết bao tượng đá Nàng Tô Thị đã theo bóng gươm đàn gãy gánh của chồng nhưng chưa được mọi người biết đến để ca tụng ngàn đời ….
Như Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét