Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

TRƯỜNG PHÁP - RHADÉ SABATIER

Xa xưa trên miền Thượng Banmé... thời Pháp thuộc, có lập một trường học...
TRƯỜNG PHÁP - RHADÉ SABATIER
Lần theo khảo cứu của Linh Nga Niê Kdăm có ghi chép : "Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương" được hưởng một quy chế đặc biệt, nghĩa là có nền hành chánh riêng, những tòa án phong tục riêng và chương trình giáo dục riêng dành cho người thiểu số.
Chính quyền thuộc địa Pháp tuyển chọn và đào tạo những thanh thiếu niên thuộc các gia đình vọng tộc người Tây Nguyên và Chăm vào Collège Sabatier (trường trung học cấp hai) ở Ban Mê Thuột và Lycée Yersin (trường trung học cấp ba) ở Đà Lạt, một số khác được tuyển vào các đơn vị quân sự địa phương.
Mục đích của người Pháp trước hết là nâng cao trình độ dân trí của người thiểu số để sau đó giúp họ quản trị vùng đất này.
...
Trong tiểu luận "Tây Nguyên Thời Pháp Thuộc" của Hồ Văn Hiền có ghi rõ : " Một trường Pháp-Rhadé được mở năm 1915 ở Ban Mê Thuột với 30 học sinh người Rhadé; đến 1926 có được 500 học sinh, nhiều người là nội trú, và học trình gồm phần dạy ngôn ngữ Rhadé...
(Tham khảo thêm trên nguồn anghue.org/…/17934-tieu-luan-tay-nguyen-thoi-phap-thuoc-ho-…
...
Trong "Tản mạn Tây Nguyên (8) của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyên Ngọc với tựa đề :
Người Pháp nghiên cứu Tây Nguyên
Sabatier – Đôn Kihôtê của Tây Nguyên
có ghi lại như sau...
Ông tên là Léopold Sabatier, đến nhận chức công sứ Darlac năm 1914, cai trị tỉnh này 11 năm. Rồi bị… cách chức và gần như bị đuổi về nước năm 1926.
Trong sách Địa chí tỉnh Darlac, A. Monfleur viết về vị công sứ này như sau: “Tới năm 1914, khi Sabatier đến, xứ sở này bắt đầu nhận ra chính mình và tự tổ chức lại…”. Một câu vừa rất gợi, lại vừa mơ hồ. Địa chí viết tiếp: “Với sự cương nghị và sức sáng tạo đáng quý của nhà cai trị tài năng này, Ban Mé Thuột đang mơ ngủ dưới một thung lũng bí bức bỗng bừng thức dậy, chuyển lên một bình nguyên rộng và đẹp cách đó 500 mét… “. Đúng là Sabatier có một cái nhìn rất sắc, chỉ dịch cần chuyển 500 mét, ông đã tạo cho Ban Mé Thuột một thế đứng khác hẳn: không chỉ thoáng đãng về không gian phát triển của chính nó, mà còn có thể thực sự trở thành trung tâm phát triển của cả một xứ sở rộng lớn và đầy triển vọng, lại đã khá ổn định. Tác giả Địa chí tỉnh Darlac còn cho ta một tài liệu thú vị: hai sơ đồ Ban Mé Thuột thời Bourgeois, rồi Bardin và thời Sabatier để có thể so sánh. Nếu ở sơ đồ 1, ta thấy thành phố có tòa sứ, sân quần vợt (cho quan sứ), đồn cảnh sát, nhà tù, trạm cấp cứu,… thì ở sơ đồ 2, Ban Mé Thuột của Sabatier đã có thêm bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà ở của bác sĩ, nhà bưu điện, đồn lính bản địa, hai trường học, khu nội trú có thể chứa đến 500 học sinh người bản địa, nhà thể dục, nhà khách, nhà máy điện, rạp chiếu bóng và nhà hát, nhà của những người nài voi, đặc biệt có phòng của Khunjonob, ông này vẫn ở Bản Đôn, nhưng khi về Ban Mé Thuột thì có sẵn phòng dành riêng… Một thành phố đã bắt đầu có dáng dấp hiện đại.
Tôi may mắn có một người bạn Ê Đê, tên là Y Yơn, cũng khoảng bằng tuổi tôi, tức thời Sabatier vừa đúng tuổi đi học. Anh quê tận cuối mút tỉnh Darlac giáp tỉnh Gia Lai ngày nay, cách Ban Mé Thuột đúng 100 cây số. Làng anh tên là buôn Trap diet, tức buôn Trap nhỏ, bởi vì còn có một buôn Trap prong, Trap lớn gần đó, buôn của anh là buôn em, thế lực xã hội cũng kém hơn. Anh kể cho tôi nghe chuyên đi học thời Sabatier, bảo ông công sứ ấy rất chăm lo việc văn hóa, giáo dục, nhưng cũng nổi tiếng độc đoán. Ông ra lệnh mỗi làng trong khắp tỉnh phải bắt nộp cho được một tên trẻ con đi học ở Ban Mé Thuột, hệt kiểu bắt xâu hay bắt lính. Làng nào không nộp được người đi học ở trường của quan sứ Sabatier tận Ban Mé Thuột, thì trưởng buôn bị nọc ra đánh đòn. Bạn tôi bấy giờ nhà nghèo rớt mồng tơi, lại ở một cái buôn phụ vô danh, bé tí, xa lắc nên trưởng buôn Trap không thèm chú ý, chỉ bắt đem nộp cho quan sứ một thằng nhỏ ở buôn Trap lớn... Nhưng chẳng may thằng nhỏ kia đi học được mấy bữa thì bất ngờ bị ốm rồi chết. Quan sứ liền ra lệnh Buôn Trap phải bắt nộp đền đứa khác. Và thế là lần này bạn tôi vốn là một thằng bé lanh lợi, lại hát hay, phải chịu nộp mạng… Mấy chục năm sau tôi gặp Y Yơn trong đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở vùng Nam Tây Nguyên vào đầu những năm 1950. Anh còn nói tiếng Pháp khá tốt, đặc biệt khi anh ghi địa chỉ của anh trong cuốn sổ tay của tôi thì có thể nhận ra đúng y một học trò từng qua trường thời Pháp thuộc: chữ viết có nét nhấn đậm nhạt đâu ra đó đúng kiểu viết bằng ngòi bút lá tre, đều đặn và ngay hàng thẳng lối, cao thấp không sai đến nửa ly. Dấu vết của một nền giáo dục tôn trọng chặt chẽ các chuẩn mực[5], ngay từ chữ viết đã nhằm tạo nên con người đàng hoàng cho một xã hội đàng hoàng. Y Yơn kể anh được ở nội trú, được học bằng tiếng Ê Đê mà chữ viết theo mẫu tự Latinh đã được tạo nên dưới thời Sabatier, và tiếng Pháp, học đủ các môn, cả môn thể dục, đặc biệt có môn học về nông nghiệp ở miền núi và môn Moeurs et coutumes Rahdé, phong tục tập quán của người Ê Đê… Về giáo dục, rõ ràng hơn cả là ở Darlac, có thể thấy người Pháp tập trung đào tạo hai loại chuyên viên: về y tế và về giáo dục. Cũng có thể thấy phần lớn trí thức Tây Nguyên được đào tạo từ thời Pháp là người Ê Đê, có một số người Jarai nhưng thực ra họ cũng là dân Darlac, thời bấy giờ chưa có tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên chỉ có hai tỉnh Kontum và Darlac. Và hầu như toàn bộ lớp trí thức do Tây đào tạo ấy về sau đều trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cách mạng trên vùng đất này, trong kháng chiến chống Pháp rồi cả chống Mỹ, trừ ông bạn Y Yơn thân mến của tôi dù ông rất đặc sắc, chỉ vì ông lỡ đi theo con đường nghệ thuật để trở thành một người nhạc sĩ của Tây Nguyên không ai Tây Nguyên cho bằng. Qua Y Yơn, tôi còn nhận ra một điều có thể đáng suy nghĩ về giáo dục: ông học ở trường Tây, thầy Tây, học chữ Tây… nhưng hình như càng học Tây thì ông càng Tây Nguyên, tri thức và văn hóa Tây càng khiến ông vô cùng sâu sắc bản địa. Về sau, Yơn có ra Hà Nội, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội hẳn hoi, nhưng ông hát dân ca Tây Nguyên thì các thầy cứ bảo ông hát “phô” (faux), “sai” mà không sao chữa được. Thì ra không phải Y Yơn hát sai, “phô”, mà chính cái ký âm pháp dạy hiện đại ở trường nhạc hiện đại Hà Nội “phô”, bất cập, nó không ghi nỗi tất cả sự tinh tế của nhạc Tây Nguyên, và của tiếng hát Y Yơn, bạn tôi… Trường của Sabatier thế đấy…
...
Tham khảo thêm trên nguồn https://vandoanviet.blogspot.com/…/tan-man-tay-nguyen-8.html
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét