Có một ngôi trường đầu tiên Nông Lâm Súc Darlac...
THẦY TÔI DÀNH TRỌN TUỔI THANH XUÂN CHO TRƯỜNG NÔNG LÂM SÚC DARLAC.
*Trần Ngọc Hùng
*Trần Ngọc Hùng
....Một ngàn lời ca ngợi không bằng một lần cúi đầu chào Thầy Cô.
Chúng tôi đến thăm nhà Thầy vào một buổi chiều Sài gòn chớm đông đầu tháng mười một.
Thầy trò kể cho nhau nghe những kỷ niệm về trường xưa lớp cũ. Tôi hỏi - Thầy ơi, vì sao trên tấm bảng cổng trường mình lại có thêm dòng chữ TRUNG TÂM CANH MỤC SẮC TỘC.
Mắt Thầy trở nên xa xăm, Thầy đứng lên đi vào phòng lúc trở ra trên tay Thầy cầm một xấp hình đã chụp hơn 50 năm qua nhưng vẫn còn được giữ kỹ, giọng chậm rãi từ tốn Thầy kể cho chúng tôi nghe :
Mắt Thầy trở nên xa xăm, Thầy đứng lên đi vào phòng lúc trở ra trên tay Thầy cầm một xấp hình đã chụp hơn 50 năm qua nhưng vẫn còn được giữ kỹ, giọng chậm rãi từ tốn Thầy kể cho chúng tôi nghe :
Năm 1968 Thầy được phân công lên Ban mê thuột giảng dạy, khi ấy Trường chỉ là Trung Tâm Canh Mục Sắc Tộc, tổ chức dạy những lớp ngắn hạn cho đồng bào sắc tộc về bảo vệ rừng, về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi… Gọi là Trung Tâm nhưng nơi này đúng nghĩa là nơi đồng không mông quạnh hoang vu. Khoảng giữa khu đất được dựng lên một ngôi nhà, lúc bấy giờ nhà trung tâm nhưng nhìn chỉ như một cái kho và nơi đây trường Trung Học Nông Lâm Súc Darlac bắt đầu được hình thành tại mảnh đất này.
Khi ấy Thầy mới hai mươi ba tuổi vẫn còn độc thân. Năm thứ nhất về đây Thầy thấy bối rối và đơn độc vì nơi đây xa trung tâm thành phố khoảng gần mười cây số, khu dân cư gần chỗ này nhất cũng khoảng hai cây số nơi này không chỗ ăn, không nơi ở, không đồng nghiệp mọi sự khởi đầu quá khó khăn.
Giữa năm lớp Tám bạn học cùng lớp rủ tôi đến Trung Tâm Thực Nghiệm thăm nơi ở của nhà bạn cùng khu ở với nhà các Thầy.
Chỉ tay vào ngôi nhà có ô của sổ không khép, bạn tôi vui vẻ nói:
- Nhà của Thầy Lâu đây nè Hùng.
- Nhà của Thầy Lâu đây nè Hùng.
Thầy tôi khi ấy đi vắng, thấy cửa sổ mở tôi tò mò nhìn trước sau không thấy ai nên đi đến nhìn trộm vào phòng Thầy.
Tôi nghĩ Thầy có chỗ ở được cấp đẹp sướng thiệt, đồ đạc trong phòng Thầy sắp xếp tỉ mỉ ,đồ dùng để ngăn nắp sạch sẽ tôi rất thán phục. Mãi sau này tôi mới biết lúc ấy Thầy phải dựa vào sự quen biết để ở nhờ, sau này họ cũng đã giúp đỡ thêm các Thầy khác về đây ở, nơi các Thầy ở không được cấp như tôi nghĩ .
Năm 1970 sau nhiều nỗ lực rồi mọi việc cũng dần hình thành, ngôi nhà Trung Tâm Canh Mục đã trở thành hai lớp học đầu tiên, ngôi trường Nông Lâm Súc Darlac chính thức được thành lập. Một mặt Thầy lo công tác tuyển sinh, một mặt phải lo tìm đủ giáo sư để dạy các môn chuyên môn, lại phải lo nơi ăn chỗ ở cho các Thầy mới. Thầy vừa chân ướt chân ráo về đây tuy đã đi dạy học được một năm ở Bình Dương nhưng công tác quản lý và điều hành một trường học Thầy vẫn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những năm kế tiếp học sinh mỗi năm một đông, nhu cầu nơi học phải được nâng cấp nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp, Thầy đã rất vất vả xoay sở cũng may lúc này có các Thầy trẻ về cùng Thầy chung sức lo cho các học sinh. Hội phụ huynh cũng đóng góp rất nhiều công sức và tài lực cho ngôi trường tiếp tay giúp đỡ phối hợp với nhà trường cất nhà cho Thầy cô, tổ chức xe đưa đón học sinh .v.v…
Năm 1972 Thầy có nhu cầu đi học để hoàn thiện chuyên môn nên xin chuyển về Sài Gòn, nhưng những năm sau đó trường Nông Lâm Súc Darlac phải nâng lên thành trường Trung học đệ nhị cấp (trường cấp ba) nên Thầy vẫn phải ở lại trường lo phát triển cấp lớp giúp các học sinh không phải đi sang các tỉnh khác để học tiếp.
Hè năm 1974 Thầy chuyển về Trường NLS Bình Dương vừa đi dạy vừa đi học, bàn giao nhiệm vụ Hiệu trưởng trường đến Thầy Tống Kim Miêng.
Tháng ba năm 1975 G/P Ban mê thuột, từ đấy trường không còn tồn tại. Dạy học ở Bình Dương dù ở xa nhưng trái tim Thầy vẫn để lại Trường NLS Darlac, Thầy lo âu nóng ruột về tình hình Thầy cô, các em học sinh cùng gia đình nhưng không liên lạc được với ai. Mọi việc xảy ra cũng dần theo trật tự biến chuyển của xã hội, Thầy cô tìm các công việc mới, học sinh mỗi người mỗi ngả tìm hướng đi riêng.
Gặp lại Thầy sau 48 năm hình ảnh một người Thầy hiệu trưởng trẻ trung ngày nào không còn nữa. Thầy vẫn nhanh nhẹn quắc thước như thưở nào, ánh mắt Thầy vẫn sáng như xưa nhưng mái tóc Thầy đã bạc trắng như tuyết. Thầy về lại Sài gòn nơi Thầy đã sinh ra và lớn lên, Thầy nói bây giờ sức khỏe kém nhiều không làm dịch vụ chăm sóc cây mai nữa, sống giản dị nơi vùng đất nửa tỉnh nửa quê vui thú điền viên với những giò lan đẹp nhiều hương sắc.
Trang Thao cô bạn cùng lớp hay kể cho tôi nghe về Thầy, Thầy thương học trò của Thầy vô cùng, mỗi khi đến thăm nhà Thầy Cô tiếp đãi ân cần, nồng hậu lắm. Thầy luôn quan tâm lắng nghe, chia sẻ mọi nỗi niềm vui buồn cùng đồng nghiệp, học trò. Đúng vậy khi tôi gặp lại Thầy, Thầy rất cảm động, có những lúc Thầy xúc động nói ngập ngừng, hỏi thăm từng người về cuộc sống, an ủi những bạn khó khăn và chúc mừng những người thành công trong cuộc sống.
Tiễn chúng tôi ra tận cổng, tạm biệt Thầy ra về chờ khi đi gần đến chỗ quanh khuất nhà Thầy, nhìn lại tôi vẫn thấy Thầy lưu luyến đứng nhìn theo.
Thầy lập gia đình hơi muộn, cả quãng đời thanh xuân Thầy đã dành hết tâm trí cho ngôi trường Nông Lâm Súc Darlac. Giờ đây trường không còn, chúng tôi những học sinh của Thầy cũng đã già nhưng vẫn dành một khoảng lớn trong trái tim niềm kính trọng sự khâm phục và lòng yêu thương biết ơn người Thầy hiệu trưởng năm xưa, cùng các Thầy Cô trẻ của trường đã dành nhiều công sức chăm lo cho chúng tôi tự thuở chuẩn bị bước vào đời.
Một lần nữa chúng em xin tri ân các Thầy Cô giáo kính yêu nhân ngày 20/11 hàng năm.
TRẦN NGỌC HÙNG
(Cựu học sinh Nông Lâm Súc Darlac)
(Cựu học sinh Nông Lâm Súc Darlac)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét